15:49 - 09/12/2022
Thị trường ca cao lo ngại nhu cầu yếu
Thị trường ca cao toàn cầu có quy mô khoảng 13 tỷ USD, và loại hàng hóa nguyên liệu này có thanh khoản giao dịch sôi động trên các sàn hàng hóa thế giới, như ICE/US và ICE/EU, với giá trị giao dịch mỗi ngày lên tới 1,4 tỷ USD.
Nỗi lo nguồn cung
Kể từ cuối tháng 9, thị trường ca cao tạo đáy và đi lên do nỗi lo ngại nguồn cung thiếu hụt. Giá đã có dấu hiệu tạo đỉnh vào ngày 11/11, với mức giá hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trên sàn ICEEU đạt 2.393 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3 trên sàn ICEUS đạt 2.577 USD/tấn. Đầu tháng 9, Tổ chức Ca cao Thế giới (ICO) cho biết nguồn cung ca cao mùa vụ hiện tại 2021-2022 ước tính 4,89 triệu tấn, tương ứng giảm 6,8% so với 5,24 triệu tấn mùa vụ trước.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ được dự báo đạt 5,07 triệu tấn, tương ứng tăng 1,4% so với vụ trước. Như vậy, cán cân cung – cầu thiếu hụt khoảng 181.000 tấn. Tồn kho cuối kỳ ước tính 1,68 triệu tấn, giảm mạnh 12% so với tồn kho cùng kỳ vụ trước. Tỷ lệ tồn kho so với nhu cầu tiêu thụ chỉ ở mức 33,2%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở vụ trước 38,3%.
Đầu tháng 11, ICO ban hành báo cáo tháng 10, cho thấy nguồn cung ca cao vụ tới 2022-2023 có nguy cơ giảm mạnh tại Bờ Biển Ngà và Ghana, do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết gây bất lợi. Các đợt lũ quét nhanh diễn ra tại Tây và Trung Phi đã hạn chế lượng ca cao được vận chuyển từ nông trại đến các cảng xuất khẩu trong vài tuần đầu vụ 2022-2023, giảm khoảng 23% so với cùng kỳ vụ 2021-2022.
Năng suất ca cao dự kiến giảm do mưa lớn kéo dài làm chất dinh dưỡng trong đất bị cuốn trôi. Vấn đề này càng đáng lo ngại khi giai đoạn vừa qua, nông dân trồng ca cao có xu hướng giảm bón phân do giá phân bón cao và giá ca cao giảm liên tục trong thời gian trước đó. Mùa mưa cũng gây ra bệnh đen vỏ quả ở một số khu vực trồng ca cao Tây Phi.
Tại Ghana (thu hoạch ca cao lớn thứ 2 thế giới sau Bờ Biển Ngà), sản lượng được dự báo cắt giảm mạnh do tác động của dịch bệnh do loại virus lên cây ca cao, đồng thời ảnh hưởng do vấn nạn khai thác bất hợp pháp trên các nông trại.
Các quốc gia trồng ca cao dự kiến năng suất giảm do hạn chế bón phân bởi giá phân bón cao và thiếu nguồn cung phân Kali và các loại phân bón khác bởi tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine gây gián đoạn nguồn cung phân bón. Bên cạnh việc năng suất giảm, giá ca cao thời gian gần đây còn được hỗ trợ bởi cuộc đình công của công nhân bến tàu ở cảng San Pedro của Bờ Biển Ngà.
Lo ngại nhu cầu sắp tới
Bên cạnh nguồn cung suy giảm, nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới sẽ là mối quan tâm chủ đạo, bởi diễn biến tăng giá 2 tháng vừa qua đã phản ánh nguồn cung giảm. Nhu cầu tiêu thụ ca cao có sự tương quan chặt chẽ với tăng trưởng GDP của thế giới với hệ số correlation = 0,98.
Trong khi đó, các tổ chức nghiên cứu đang đưa ra các nhận định bi quan đối với nền kinh tế thế giới năm 2023, đặc biệt giai đoạn nửa đầu năm 2023. Trong tháng 11, ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế khu vực châu Âu dự kiến tăng trưởng GDP âm trong quý 4 và tiếp tục tăng trưởng âm lớn hơn trong quý 1/2023. Đỉnh điểm suy thoái ở châu Âu là quý 1/2023, tới quý 2 vẫn tiếp tục tăng trưởng âm và sự hồi phục chỉ đến vào quý 3/2023.
Châu Âu vốn là khu vực tiêu thụ ca cao đứng đầu thế giới với tỷ trọng khoảng 38%. Do đó, sự suy yếu kinh tế của khu vực này sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong bối cảnh giá cả tiêu dùng đang có dấu hiệu mất kiểm soát với mức lạm phát trên 10%. Người dân sẽ buộc phải đưa ra các lựa chọn cắt giảm nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu.
Nếu tính gộp thêm cả Mỹ, khu vực tiêu thụ ca cao chiếm tỷ trọng khoảng 45% toàn cầu, dự kiến ảnh hưởng tiêu cực bởi kinh tế thu hẹp. Ngân hàng Goldman Sachs gần đây nhận định tuy Mỹ có thể có phép màu để tránh được suy thoái nghiêm trọng vào năm sau, nhưng xác suất kinh tế trì trệ (kinh tế không tăng trưởng hoặc suy thoái nhẹ) là điều chắc chắn.
Với nguy cơ kinh tế ở 2 khu vực đầu tàu là Mỹ và châu Âu suy thoái, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang làm tăng thêm nỗi lo bởi việc tăng lãi suất tốc độ nhanh hiện tại của mình. Một số tổ chức nhận định Fed sẽ dừng mức lãi suất điều hành ở phạm vi 5-5,25% vào nửa đầu năm sau.
Tuy nhiên, Fed vẫn chưa tuyên bố chính thức điều gì, khẳng định mọi khả năng đều có thể xảy ra, miễn là Fed cảm thấy yên tâm về việc lạm phát đã trong tầm kiểm soát. Và sự không chắc chắn trong việc công bố lộ trình lãi suất, là điều nền kinh tế sẽ dẫn đến việc chần chừ trong triển khai kế hoạch sản xuất, gây bất lợi cho tăng trưởng GDP.
Về phương diện phân tích kỹ thuật, giá ca cao được hỗ trợ bởi xu hướng tăng đã hình thành. Tuy nhiên, nỗi lo ngại nguồn cung sụt giảm đã phản ánh vào trong xu hướng tăng giá 2 tháng qua. Thời gian tới, thị trường chịu áp lực bởi nhu cầu dự kiến suy yếu ở châu Âu, và hoạt động chốt lời của các nhà giao dịch diễn ra.
Hợp đồng kỳ hạn ca cao tháng 3/2023 trên sàn ICE/US được hỗ trợ bởi mức giá 2.350USD/tấn và ca cao trên sàn ICE/EU được hỗ trợ ở mức giá 2.230USD/tấn. Xu hướng giá trong trung hạn vẫn kỳ vọng tăng nhờ mức tồn kho thấp và nguồn cung nguy cơ giảm mạnh. Nhưng sự điều chỉnh giảm định giá trong tương lai gần là khó tránh khỏi, bởi triển vọng nhu cầu tiêu thụ không chắc chắn.
Theo Phạm Tuấn/SGGP-ĐTTC
Có thể bạn quan tâm
Mỹ qua mặt Trung Quốc về tổng số kỳ lân trong năm 2021
Thị trường 24/7: Xuất khẩu gạo vượt kỷ lục 34 năm; Hàn Quốc có thể phạt Google, Apple đến 50,5 triệu USD
Thị trường 24/7: Giá vàng nhẫn vượt mốc 84 triệu đồng/lượng; VN-Index tiếp tục mất điểm
Giá vàng ngày 15/3: tiếp tục lao dốc ‘không phanh’
Thị trường 24/7: Doanh nghiệp điều than trời vì quy trình kiểm dịch mới; Indonesia sắp thông qua quy định về bán hàng qua mạng xã hội
Tags:thị trường ca cao
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này