15:28 - 05/09/2023
Thị trường 24/7: ‘Cô dâu 8 tuổi’ thích thú với bánh xèo Hương Xưa; Đơn hàng mới tăng, chỉ số PMI phục hồi trên ngưỡng 50 điểm
‘Cô dâu 8 tuổi’ Ấn Độ thích thú với bánh xèo Hương Xưa Việt Nam: Sáng 5/9, diễn viên Avika Gor – người vào vai nàng Anandi của phim “Cô dâu 8 tuổi” của Ấn Độ – đến TP.HCM và thưởng thức bánh xèo truyền thống Việt Nam.
“Cô dâu 8 tuổi” đến Công ty Liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) – thương hiệu Mikko Hương Xưa để trải nghiệm làm thử và thưởng thức món bánh xèo nổi tiếng của Việt Nam.
Avika Gor chia sẻ: “Từ khi đến Việt Nam, đây là lần lần đầu tôi được thưởng thức nhiều loại bánh như vậy. Người Việt Nam thật khéo tay, họ làm ra nhiều loại bánh truyền thống nhìn rất độc đáo. Khi ăn tôi cảm thấy trong đó có một số gia vị cũng có ở Ấn Độ. Tôi thấy có nhiều loại bánh ở Việt Nam dùng bột gạo và có nhân các loại đậu, hạt… giống nhiều loại bánh ở đất nước chúng tôi. Ở đây có một sự gần gũi về văn hóa. Sản phẩm của các bạn có một sự tiện lợi và được sản xuất bài bản. Tôi tin rằng, những sản phẩm đạt chuẩn như này sẽ có cơ hội lớn ở thị trường Ấn Độ trong tương lai”.
Mỹ đánh giá rất cao việc kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam: Dù có vài lỗi nhỏ nhưng đoàn thanh tra của Mỹ đánh giá rất cao hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết như vậy khi nói về kết quả kiểm tra của đoàn thanh tra Mỹ đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Trước đó, từ ngày 7 đến 22/8, đoàn thanh tra của cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS, Bộ Nông nghiệp Mỹ) sang Việt Nam xem xét, đánh giá tính tương đương của hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá tra.
FSIS đã thanh tra việc giám sát của cơ quan thẩm quyền; an toàn thực phẩm và các quy định khác về bảo vệ người tiêu dùng; giám sát vệ sinh; thẩm tra hệ thống HACCP; chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất, phòng kiểm nghiệm và chương trình phân tích vi sinh vật. Ba chi cục thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, năm cơ sở nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu vào Mỹ tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng và 10 cơ sở chế biến, xuất khẩu được FSIS lựa chọn để thanh tra.
Nhật Bản khiếu nại Trung Quốc lên WTO về lệnh cấm hải sản: Báo Thanh Niên dẫn tin từ Reuters cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khiếu nại đến Tổ chức Thương mại thế giới WTO về việc Trung Quốc cấm hải sản của nước này. Nhật khẳng định động thái cấm nhập hải sản của Trung Quốc là “hoàn toàn không thể chấp nhận”, dù Trung Quốc e ngại chất lượng hải sản sau khi Nhật xả nước thải chứa phóng xạ đã qua xử lý ra biển.
Trong tuyên bố ngày 4/9, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này đã yêu cầu Trung Quốc tổ chức các cuộc thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu liên quan đến việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trên cơ sở các điều khoản của Hiệp định thương mại Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, gọi tắt là RCEP.
Tokyo cho biết họ sẽ giải thích lập trường của mình với các ủy ban liên quan của WTO và kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập hải sản của Nhật. Nhật Bản cam kết quy trình xả thải đảm bảo an toàn. Lượng nước nhiễm xạ này đã được pha loãng an toàn dưới ngưỡng tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, ngày 31/8, Trung Quốc thông báo cho WTO về các biện pháp đình chỉ nhập khẩu hải sản của Nhật Bản liên quan đến việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo nhiều và giá cao nhất thế giới: Chỉ tính riêng trong tháng 8, VN đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn, mang về nguồn thu hơn nửa tỷ USD, theo báo Thanh Niên.
Tính đến đầu tháng 9, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết vừa điều chỉnh giá các loại gạo xuất khẩu tăng từ 10 – 35 USD/tấn so với giữa tháng 8. Cụ thể, giá gạo 5% tấm là 646 USD/tấn và 25% tấm là 607 USD/tấn do nguồn cung gạo trên thị trường thế giới tiếp tục căng thẳng, đặc biệt từ Ấn Độ và Myanmar. Bộ Thương mại Thái Lan thông tin tính từ đầu năm đến cuối tháng 8 đã xuất khẩu 5,29 triệu tấn gạo, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, theo thông báo của Hiệp hội lương thực VN (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của VN hiện ở mức 648 USD/tấn và 25% tấm là 628 USD/tấn. Về lượng, theo số liệu của Bộ NN-PTNT thì trong tháng 8 xuất khẩu gạo ước đạt 950.000 tấn, trị giá 553 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm VN đã xuất khẩu được 5,85 triệu tấn gạo, trị giá gần 3,2 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Căn cứ vào số liệu chính thức được công bố có thể thấy VN hiện xuất khẩu gạo nhiều hơn Thái Lan khoảng 560.000 tấn; giá gạo 5% tấm của VN, đặc biệt là gạo 25% tấm, cũng đang cao hơn so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan.
Điều tra chống bán phá giá cáp thép nhập khẩu: Theo trang web Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cơ quan điều tra đã gửi câu hỏi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài về điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực. Thời hạn để trả lời bản câu hỏi là trước 17h ngày 6/10/2023.
Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình, các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài liên quan cần hợp tác, tham gia đầy đủ quy trình điều tra. Trong đó, nội dung câu trả lời sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng xem xét, chọn mẫu giới hạn phạm vi điều tra trong trường hợp cần thiết. Nếu cơ quan điều tra không nhận được thông tin trả lời sau khi hết thời hạn hoặc thông tin cung cấp không chính xác, không đầy đủ theo yêu cầu thì cơ quan điều tra sẽ sử dụng thông tin sẵn có để đưa ra kết luận theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương.
Trước đó, TTXVN cho biết, ngày 5/7/2023, cục đã ban hành quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc (mã vụ việc là AD17).
Trung Quốc triển khai quỹ 40 tỷ USD để thúc đẩy công nghiệp chip: Trung Quốc chuẩn bị ra mắt một quỹ đầu tư mới do nhà nước hậu thuẫn nhằm huy động khoảng 40 tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn của mình, theo Reuters. Đây có thể là quỹ lớn nhất trong số 3 quỹ do Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp Trung Quốc (Big Fund) thành lập.
Mục tiêu 300 tỷ nhân dân tệ (41 tỷ USD) của nó vượt xa các quỹ tương tự trong năm 2014 và 2019, theo báo cáo của chính phủ. Những quỹ đó đã huy động được lần lượt 138,7 tỷ nhân dân tệ và 200 tỷ nhân dân tệ. Nguồn tin của Reuters cho biết lĩnh vực đầu tư chính của quỹ sẽ là thiết bị sản xuất chip.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc Trung Quốc đạt được khả năng tự cung cấp chất bán dẫn. Nhu cầu đó càng trở nên cấp thiết hơn sau khi Washington áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong vài năm qua, với lý do lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng chip tiên tiến để tăng cường khả năng quân sự của mình.
Đường sắt Lào-Việt dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2028: Báo chí Lào ngày 5/9 đưa tin Tuyến đường sắt Lào – Việt theo quy hoạch, đoạn chạy từ huyện Thakhek, tỉnh Khammouane, Trung Lào đến biên giới Lào – Việt, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2028, theo TTXVN.
Khi được xây dựng và đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt Lào – Việt không chỉ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, tiêu chuẩn, mà còn giúp giảm chi phí vận tải nhằm nâng cao sự phát triển kinh tế – xã hội của Lào và sẽ là nguồn thu đáng tin cậy cho ngân sách Chính phủ Lào trong dài hạn. Tuyến đường sắt cũng sẽ tăng cường khả năng kết nối của Lào với tư cách là một trung tâm vận tải và thương mại trong và ngoài Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tất cả sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân Lào và đất nước sẽ ngày càng thịnh vượng một cách bền vững.
Đường sắt Lào – Việt là một phần của Dự án Liên kết Logistics Lào, bao gồm một số tiểu dự án như Cảng cạn Thanaleng và Khu hậu cần Viêng Chăn, Đường sắt Lào – Việt, Cảng biển Vũng Áng và Nhà máy Nhiệt điện than Boualapha. Theo thông tin ban đầu, Dự án đường sắt Lào – Việt Nam là tuyến đường sắt tốc độ cao có tổng giá trị đầu tư ước tính hơn 5,5 tỷ USD.
Đơn hàng mới tăng, chỉ số PMI phục hồi trên ngưỡng 50 điểm: Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của Standard & Poor’s Global (S&P Global) – nhà cung cấp chỉ số và nguồn dữ liệu hàng đầu về xếp hạng tín dụng độc lập – trong tháng 8 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm lần đầu trong 6 tháng gần đây. Với kết quả 50,5 điểm, tăng so với mức 48,7 điểm của tháng 7, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ.
Theo S&P Global, sự phục hồi trở lại của sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam đã phản ánh những dấu hiệu cải thiện của nhu cầu. Các nhà sản xuất ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu trong 6 tháng, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau thời gian giảm kéo dài 5 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn là nhẹ, khi có một số báo cáo cho thấy nhu cầu còn yếu.
Bình luận về chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam mới nhất của S&P Global vẽ một bức tranh tươi sáng hơn về sức khỏe của ngành này so với những tháng gần đây, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này