16:11 - 08/12/2023
Thị trường 24/7: VN sẽ là điểm sản xuất iPad thế hệ mới; Hàng XK vào EU có nguy cơ bị áp ‘thuế môi trường’
Việt Nam sẽ là nơi đặt nhà máy sản xuất máy tính bảng iPad tiếp theo của Apple: Nguồn tin của Nikkei Asia nói rằng Apple đang hợp tác với BYD của Trung Quốc, một nhà lắp ráp iPad quan trọng, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm mới (NPI) sang Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam cho một thiết bị cốt lõi như iPad” – Nikkei Asia nhấn mạnh. Các nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng quá trình xác minh kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2/2024. BYD cũng là nhà cung cấp đầu tiên của Apple chuyển dây chuyền lắp ráp iPad lần đầu tiên sang Việt Nam vào năm 2022. Sự thay đổi nguồn lực kỹ thuật NPI này tập trung vào các mẫu máy cấp thấp hơn thay vì các dòng iPad Pro cao cấp.
Apple hiện là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, với thị phần 36,6% trong 3 quý đầu năm 2023. Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Counterpoint Research (trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc), có 10% tổng số iPad được lắp ráp tại Việt Nam trong năm nay. Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc.
Giá USD tự do bất ngờ tăng mạnh: Ngày 8/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.951 đồng/USD, giảm nhẹ so với hôm qua.
Giá USD ở các ngân hàng được giao dịch quanh 24.060 đồng/USD mua vào, 24.400 đồng/USD bán ra, giảm 30 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ngân hàng biến động trong biên độ hẹp những ngày qua.
Trong khi đó, giá USD tự do được một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM sáng nay giao dịch quanh 24.630 đồng/USD mua vào, 24.680 đồng/USD bán ra, tăng khoảng 60 đồng so với hôm qua. Giá USD tự do có xu hướng nhích lên trong những ngày gần đây. Hiện giá USD tự do đang cao hơn USD trong ngân hàng gần 300 đồng.
Chênh lệch mua bán vàng SJC vẫn trên mức 1 triệu đồng mỗi lượng: Giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn sáng 8/12 được giao dịch ở mức 73,1 – 74,1 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng chiều mua và đứng yên chiều bán chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua – giá bán ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 99,99 loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ giao dịch ở mức 61 – 62,05 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 50.000 đồng cả hai chiều. CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch vàng miếng SJC ở mức 73,2 – 74,2 triệu đồng/lượng, đứng yên chiều mua và giảm 100.000 đồng chiều bán. Nhẫn trơn PNJ 999.9 được mua – bán với mức giá 61 – 62,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên Kitco sáng nay (giờ Việt Nam) giao dịch quanh mức 2.032 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (đã tính thuế phí) lên mức 13,7 triệu đồng/lượng.
Hàng xuất khẩu vào EU có nguy cơ bị áp ‘thuế môi trường’: Từ năm 2024, các nước châu Âu bắt đầu áp dụng “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – CBAM”. Cơ chế này được xem như một loại “thuế môi trường” và dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng hóa xuất khẩu của các nước trong đó có Việt Nam vào thị trường EU.
Bà Nga Phạm, chuyên gia nghiên cứu cao cấp (Trung tâm nghiên cứu Tài chính, ĐH Monash, Úc) cho biết: CBAM hiểu một cách đơn giản là một loại thuế về môi trường được áp dụng với các nhà sản xuất không thực hiện phát triển bền vững, giảm phát thải xuất khẩu vào khối này. Mức “thuế” môi trường dự kiến có thể lên đến 100 USD/tấn CO2. Đây là mức khá cao, làm cho hàng hóa vào EU đắt đỏ hơn trước rất nhiều, từ đó giảm sức cạnh tranh.
Không chỉ các DN xuất khẩu, ngay cả các doanh nghiệp ở EU cũng phải đáp ứng khoảng 1.000 yêu cầu về CBAM từ phía các nhà quản lý. EU là một trong những thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện chiến lược “xanh hóa” các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, việc thực hiện báo cáo ESG – Environmental Social and Goverance (phát triển bền vững) là vô cùng quan trọng.
Việt Nam chi 1,15 tỷ USD nhập khẩu thịt trong 10 tháng: Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỷ USD, tăng 5% về lượng, nhưng giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ lợn đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt trong 10 tháng năm nay tăng 20,3% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, nhưng chỉ đạt 88,95 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt trâu, bò tươi đông lạnh… Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu thịt, sản phẩm từ thịt với giá trị nhập khẩu cao gấp 12,7 lần so với xuất khẩu.
Điểm đến Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm tăng 300%: Báo cáo dữ liệu tìm kiếm năm 2023 vừa được nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda công bố ngày 7/12 cho thấy sự gia tăng đáng kể trong các tìm kiếm du lịch liên quan đến Việt Nam.
Dữ liệu này cho thấy được xu hướng du lịch của du khách quốc tế đến Việt Nam và cả du khách Việt Nam muốn khám phá các điểm đến toàn cầu. Theo đó, đã có sự tăng trưởng đáng kể lên đến 298% so với cùng kỳ năm trước trong việc tìm kiếm điểm đến tại Việt Nam. Trong năm qua, top 5 quốc gia có lượt tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm có: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Trong khi đó, du khách Việt Nam cũng đang tìm kiếm các điểm đến xa hơn để thỏa mãn đam mê xê dịch của mình, với lượt tìm kiếm điểm đến quốc tế tăng vọt lên tới 45%.
Đối chiếu thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam 11 tháng đầu năm 2023, những quốc gia được ghi nhận có lượt tìm kiếm cao đều nằm trong nhóm thị trường khách lớn. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với 3,2 triệu lượt (chiếm 28,5%). Tiếp đó là khách Trung Quốc đạt 1,5 triệu lượt, Đài Loan (Trung Quốc) với 758.000 lượt, khách Mỹ đạt 658.000 lượt và khách Nhật Bản với khoảng 527.000 lượt.
Xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,4 tỷ USD: Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm tháng 11 đạt trên 310 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm đến tháng 11/2023 ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022. Xuất khẩu tôm vẫn bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ. Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng đầu là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…
Theo đánh giá của VASEP, lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu, tuy nhiên nhu cầu vẫn yếu. Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán. Giá sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng thấp theo mùa.
UOB nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ mức lãi suất điều hành ổn định trong năm 2024: Theo Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng tốc mạnh hơn lên 5,33% so với cùng kỳ trong quý 3/2023, từ mức 4,14% so với cùng kỳ trong quý 2/2023. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ từ sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu thương mại, sản xuất và tiêu dùng nội địa, sau khi gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023.
Các chuyên gia của UOB kỳ vọng động lực từ quý 3/2023 sẽ được tiếp tục trong quý cuối cùng của năm, đặc biệt là với nhiều chính sách hỗ trợ trong nước. UOB duy trì dự báo tăng trưởng cả năm 2023 của Việt Nam ở mức 5%, với giả định tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý 4/2023 sẽ tăng lên 7% so với cùng kỳ năm trước.
Với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, UOB cho rằng, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo đã giảm xuống. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, thay vì dự báo cắt giảm 100 điểm cơ bản trước đó.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này