
15:27 - 14/11/2023
Thị trường 24/7: Tôm hùm xuất khẩu rớt giá mạnh; Thương lái vào tận vườn tranh mua sầu riêng trái mùa
Thương lái vào tận vườn tranh mua sầu riêng trái mùa: “Thủ phủ” sầu riêng Tiền Giang những ngày này nhộn nhịp cảnh nhân công vào vườn thu hoạch. Sầu riêng sau khi hái sẽ được gánh hoặc đẩy bằng xe cút kít đến điểm tập kết. Do đường quê nhỏ hẹp, sầu riêng tiếp tục được cho vào các giỏ xách, chở bằng xe máy ra đường lớn, lên xe tải về kho phân loại.
Đang đầu vụ nghịch mùa, sản lượng sầu riêng còn hạn chế nên cách một tuần trước khi thu hoạch, các thương lái địa phương đều vào tận vườn đặt cọc thu mua với giá 135.000-145.000 đồng một kg.
Các nhà vườn cho biết trước đây thường trồng sầu riêng thuận mùa. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây trồng này trong vùng lẫn các nơi khác tăng cao, nhiều nhà vườn vì thế đã thay đổi “chiến thuật” sang trồng nghịch vụ, dù kỹ thuật xử lý phức tạp, nhiều bất lợi do thời tiết, bù lại sẽ bán được giá cao hơn.
Tôm hùm xuất khẩu rớt giá mạnh: Phú Yên là thủ phủ nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung với gần 87.600 lồng nuôi, sản lượng 2.000 tấn/năm (tôm xanh và tôm bông). Tuy nhiên, giá tôm hùm bông xuất khẩu nhiều tháng qua giảm mạnh, từ 2,3 triệu xuống còn 1,1 triệu đồng/kg, thậm chí còn 800.000 đồng/kg và đang bị ách đầu ra.
Theo ngành chức năng và thương lái, việc tôm hùm bông giảm giá mạnh là do thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc, không tiếp nhận hàng, có các yêu cầu truy xuất, chứng minh nguồn gốc sản phẩm (hiện con giống tôm hùm bông được nuôi ở Phú Yên chủ yếu bắt từ tự nhiên). Việc giá rớt mạnh sẽ khiến người dân, doanh nghiệp nuôi tôm thất thu, nguy cơ vỡ nợ.
Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, đang rà soát, thống kê cụ thể về mức độ tác động do giá tôm hùm bông giảm mạnh tại địa phương này.
ZaloPay và Gojek hợp tác thanh toán không dùng tiền mặt: ZaloPay và Gojek vừa chính thức công bố hợp tác, mang đến lựa chọn thanh toán mới, cho phép người dùng sử dụng ZaloPay thanh toán cho dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến (GoFood) trên ứng dụng Gojek.
Việc đưa ZaloPay lên nền tảng Gojek là một phần trong chiến lược của Gojek nhằm cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn hơn về phương thức thanh toán, khi Gojek đang hướng đến mục tiêu mang lại trải nghiệm thanh toán an toàn, liền mạch và thuận tiện trên ứng dụng. Mối quan hệ hợp tác cũng sẽ giúp Gojek phục vụ hệ sinh thái hơn 11,5 triệu người dùng ZaloPay và tiếp cận hàng chục triệu người dùng Zalo.
Tháng 8/2023, ZaloPay và Gojek cũng đã triển khai tính năng cho phép các đối tác tài xế Gojek nạp tiền vào ví tài xế một cách tiện lợi thông qua ứng dụng ZaloPay. Tính năng này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác tài xế Gojek.
Nepal cấm TikTok vì lo ngại tác động tiêu cực tới xã hội: Theo báo Kathmandu Post của Nepal, Chính phủ nước này lo ngại ứng dụng TikTok khuyến khích xu hướng phát ngôn thù ghét.
Trong 4 năm qua, có 1.647 trường hợp tội phạm mạng được báo cáo trên ứng dụng này ở Nepal. Cơ quan chức năng của Nepal và đại diện của TikTok đã thảo luận về lệnh cấm vào đầu tuần trước. Quyết định công bố ngày 13/11 dự kiến sẽ được thi hành sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị.
Trước đó một ngày, Nepal đã ra chỉ thị về hoạt động mạng xã hội 2023. Theo quy định mới, các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động ở Nepal bắt buộc phải đặt văn phòng ở quốc gia này, bao gồm các “ông lớn” như Facebook, X (Twitter), TikTok hay YouTube.
Người dân Argentina chật vật với mức lạm phát gần 143%: Với mức lạm phát gần 143% nhiều người dân ở Argentina chọn cách mua áo quần “secondhand” vì đồ mới quá đắt đỏ, chẳng hạn một quần jean mới có giá bán tương đương 1/3 mức lương tối thiểu hàng tháng.
Argentina, nền kinh tế lớn thứ hai của Nam Mỹ và là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. 2/5 dân số của Argentina đang sống trong cảnh nghèo đói. Trong nhiều năm, Argentina vật lộn với tình trạng lạm phát cao mà nguyên nhân, theo các nhà kinh tế, là do in tiền quá nhiều và sự thiếu tin tưởng vào đồng nội tệ peso.
Trong cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng trung ương Argentina, các nhà kinh tế dự báo lạm phát hàng năm của Argentina sẽ tăng lên gần 200% trong 12 tháng tới.
Samsung chiếm hơn 80% doanh số Smartphone tại thị trường Hàn Quốc: Công ty Điện tử Samsung Electronics Co. chiếm hơn 80% doanh số bán điện thoại thông minh (smartphone) của Hàn Quốc trong quý 3/2023, giữa bối cảnh nhu cầu đối với các thiết bị cao cấp giảm.
Theo Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, khoảng 3,4 triệu smartphone đã được bán ở “xứ Kim chi” trong quý 3 năm nay, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Smartphone của Samsung vẫn thống trị thị trường này, chiếm 84% tổng doanh số bán nhờ sự phổ biến của các mẫu màn hình gập mới: Galaxy Z Flip 5 và Fold 5.
Thị phần của Apple Inc. đã tăng 2 điểm phần trăm, lên 15% trong quý III vừa qua, mặc dù việc phát hành dòng iPhone 15 mới nhất của họ bị trì hoãn và đã có mặt tại các cửa hàng tại Hàn Quốc vào tháng 10. Theo báo cáo trên, các nhà sản xuất smartphone khác, bao gồm Motorola Inc., chỉ nắm giữ tổng cộng 1% thị phần tại Hàn Quốc.
Sắp diễn ra Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023: Với chủ đề “Giao lưu văn hóa ẩm thực Hà Nội với bạn bè Quốc tế”, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 (The Ha Noi Culinary Culture Festival 2023) dự kiến diễn ra trong 3 ngày từ 1/12 đến 3/12/2023 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội.
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực, du lịch đa dạng, tinh túy, đặc sắc, chất lượng. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn tới công chúng trong nước và du khách quốc tế.
Sự kiện cũng là dịp tốt để Thủ đô Hà Nội và Đại sứ quán các nước tăng cường, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa nhân dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.
Trung Quốc bị ngưng nhập tôm hùm bông do vướng quy định mới: Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết một số cơ sở xuất khẩu và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên phản ánh Trung Quốc dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus). Tương tự, các hộ nuôi trồng tôm hùm bông ở Khánh Hòa cũng cho biết Trung Quốc ngưng mua từ tháng 8 đến nay không rõ nguyên nhân.
Trước diễn biến trên, Cục chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường vừa có buổi trao đổi trực tuyến với Vụ giám sát kiểm dịch động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo đó, Trung Quốc cho biết tôm hùm bông Việt Nam bị ngưng xuất sang thị trường này do vướng quy định mới. Tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo tới các hải quan địa phương để thực hiện quy định trên khiến xuất khẩu chậm lại. Trong quy định mới này, với tôm hùm bông nuôi, Trung Quốc yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2).
Có thể bạn quan tâm
Lo El Niño kéo dài đến 2025, Thái Lan khuyến khích người dân giảm trồng lúa
Vietnam Airlines ra mắt sàn thương mại điện tử với hơn 300 mặt hàng
Giá vàng nóng lên khi dự báo kinh tế thế giới ảm đạm
‘Taxi bay’ sẽ sớm xuất hiện trên bầu trời đô thị sau đại dịch
Thị phần xuất khẩu sang Mỹ mở rộng gấp đôi trong 5 năm
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng RON95 giảm 34 đồng mỗi lít; Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này