Thị trường 24/7: Nhật Bản xả nước thải hạt nhân, Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản; Ấn Độ tính cấm xuất khẩu đường
Vào 13h (11h giờ Hà Nội), Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi qua một cống ngầm dài khoảng một km ra biển.
Khủng hoảng vật giá leo thang làm xói mòn tiến bộ trong xóa nghèo ở Châu Á và Thái Bình Dương: Khủng hoảng vật giá leo thang do lạm phát tăng cao vào năm ngoái, kết hợp với tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, đang tiếp tục đẩy người dân ở châu Á và Thái Bình Dương vào tình trạng nghèo khổ cùng cực, theo nhận định trong một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Ước tính có khoảng 155,2 triệu người ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển, tương đương 3,9% dân số của khu vực, sống trong tình trạng nghèo cùng cực vào năm ngoái, theo báo cáo Các chỉ số chính của Châu Á và Thái Bình Dương 2023, được công bố hôm nay. Năm 2021, ADB ước tính rằng đại dịch đã đẩy thêm 75 đến 80 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực so với năm trước đó, so với các dự báo trước đại dịch. Khi đó, nghèo cùng cực được định nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày tính theo giá năm 2011.
Các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo tiếp tục đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, đến năm 2030, ước tính khoảng 30,3% dân số của khu vực—tương đương khoảng 1,26 tỷ người—vẫn sẽ bị coi là dễ bị tổn thương về kinh tế, được định nghĩa là có mức sống từ 3,65 USD đến 6,85 USD một ngày, tính theo giá năm 2017.
Theo báo cáo, để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng vật giá leo thang, các chính phủ ở châu Á và Thái Bình Dương có thể tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội, gia tăng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển nguồn vốn con người.
ADB ước tính từ năm ngoái đến nay đã có 155,2 triệu người ở châu Á sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, tăng 67,8 triệu người so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 và lạm phát. Ảnh: TTXVN.
Sản xuất năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á có thể tạo ra doanh thu bền vững 90 tỷ đến 100 tỷ USD vào năm 2030:Khu vực Đông Nam Á có thể mất tới 30% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2050 do nhiệt độ toàn cầu tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhưng việc tăng cường năng lực sản xuất năng lượng tái tạo của khu vực sẽ giúp các nước Đông Nam Á tạo ra việc làm mới và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải, theo nghiên cứu mới được công bố hôm nay bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEANcủa Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ từ thiện Bloomberg, Quỹ ClimateWorks và Tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL).
Các ngành công nghiệp pin quang điện mặt trời (PV), pin và xe điện hai bánhđang phát triển của Đông Nam Á mang lại cơ hội doanh thu ước tính từ 90 tỷ USD đến 100 tỷ USD vào năm 2030, với 6 triệu việc làm năng lượng tái tạo tiềm năng sẽ được tạo ra vào năm 2050.
Báo cáo mới, Sản xuất năng lượng tái tạo: Cơ hội cho Đông Nam Á, khám phá cách hỗ trợ phát triển lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch ở Đông Nam Á và giúp các quốc gia khai thác tiềm năng kinh tế to lớn đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Việc nắm bắt cơ hội này phụ thuộc vào các biện pháp chính sách cụ thể của chính phủ đối với từng quốc gia trong khu vực, bao gồm kích thích nhu cầu năng lượng tái tạo trong nước, đảm bảo khả năng cạnh tranh về chi phí, cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu. Hợp tác ở cấp khu vực cũng rất cần thiết để cung cấp hỗ trợ hơn nữa thông qua việc tăng cường thương mại nội vùng.
Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về tiếp cận vốn vay bất động sản: Ngân hàng Nhà nước ngày 23/8 ban hành Thông tư 10 nhằm ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06. Trước đó, Thông tư 06 được cơ quan này ban hành từ cuối tháng 6, bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 1/9 năm nay.
Tuy nhiên trước phản ánh của Hiệp hội bất động sản, doanh nghiệp và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quyết định ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06 cho đến khi có hướng dẫn mới. Việc này theo Ngân hàng Nhà nước nhằm ưu tiên hơn tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Cụ thể, ngân hàng vẫn được phép cho vay với nhu cầu thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên UPCoM. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường lần đầu tiên sau 7 năm: Ngày 23/8, các nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này dự kiến sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới bắt đầu từ tháng 10, tạm dừng xuất khẩu lần đầu tiên sau 7 năm do thiếu mưa đã làm giảm năng suất mía.
Sự vắng mặt của Ấn Độ trên thị trường thế giới có thể sẽ làm tăng giá chuẩn ở New York và London, những nơi vốn đang giao dịch quanh mức cao nhất trong nhiều năm, gây ra lo ngại về lạm phát thêm trên thị trường thực phẩm toàn cầu.
Trọng tâm chính của Chính phủ Ấn Độ là đáp ứng nhu cầu đường địa phương và sản xuất ethanol từ mía dư thừa. Trong niên vụ sắp tới, Ấn Độ sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu. Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại tính đến ngày 30/9, sau khi cho phép họ bán kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ trước.
Năm 2016, Ấn Độ áp thuế 20% đối với xuất khẩu đường để hạn chế doanh số bán ra nước ngoài.
Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản: Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản, sau khi Tokyo bắt đầu đợt xả nước thải hạt nhân ra biển đầu tiên, báo VnExpress dẫn nguồn tin từ AFP cho biết.”Chúng tôi đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8. Quyết định nhằm ngăn chặn một cách toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu”, Cơ quan Hải quan Trung Quốc hôm nay ra thông báo.
Trung Quốc ra quyết định vài giờ sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Bắc Kinh chỉ trích hành động này “cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm, gây rủi ro toàn cầu, ảnh hưởng thế hệ tương lai”.
‘Kỳ lân’ công nghệ VNG nộp hồ sơ IPO tại Mỹ: Công ty cổ phần VNG thông báo đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) thông qua công ty VNG Ltd, theo TTXVN. Động thái này sẽ khiến VNG (mã chứng khoán VNZ) trở thành công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại sàn tại sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch VNG. Theo VNG, công ty dự kiến chào bán 21,7 triệu cổ phiếu, với mức giá chưa được xác định.
Số tiền thu được dự kiến sẽ được trả cho các nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông nước ngoài của công ty, bao gồm tập đoàn Tencent (Trung Quốc) và Temasek của Singapore, và thanh toán một số khoản vay. Các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này bao gồm Citigroup, Morgan Stanley, công ty chứng khoán UBS Securities và công ty chứng khoán BofA Securities… Được thành lập vào năm 2004, VNG là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam (hay công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) và đã ký thỏa thuận sơ bộ vào năm 2017 với công ty điều hành sàn giao dịch Nasdaq để tiến hành IPO. VNG có trụ sở tại TP.HCM và cung cấp các dịch vụ như trò chơi trực tuyến, thanh toán, dịch vụ đám mây và ứng dụng nhắn tin phổ biến Zalo.
Bên trong một văn phòng làm việc của CTCP VNG.
Xe tự hành Pragyaan của Ấn Độ lăn bánh trên Mặt Trăng: Ngày 24/8, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thông báo sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống cực Nam của Mặt Trăng, xe tự hành Pragyaan đã rời khỏi tàu đổ bộ Vikram và di chuyển trên bề mặt hành tinh này.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, bức ảnh đầu tiên ghi lại khoảnh khắc lịch sử xe tự hành Pragyaan (6 bánh, nặng 26 kg) rời khỏi “bụng” của tàu đổ bộ Vikram và bắt đầu lăn bánh trên Mặt Trăng đã được ông Pawan K Goenka – Chủ tịch Trung tâm Cấp phép và Xúc tiến Không gian Quốc gia Ấn Độ – chia sẻ.
Tàu đổ bộ Vikram và xe tự hành Pragyaan – với tổng khối lượng 1.752 kg – được thiết kế để hoạt động trong thời gian một ngày trên Mặt Trăng (tương đương 14 ngày ở Trái Đất), với mục tiêu nghiên cứu môi trường xung quanh điểm hạ cánh trước khi đêm Mặt Trăng (cũng dài khoảng 14 ngày Trái Đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.
Dữ liệu 2,6 triệu người dùng Duolingo bị phát tán công khai: Dữ liệu của 2,6 triệu người dùng Duolingo mới đây đã bị phát hiện đang công khai trên một diễn đàn của hacker. Duolingo là website và ứng dụng học ngôn ngữ lớn nhất thế giới với hơn 74 triệu người dùng hằng tháng. Theo Bleeping Computer, những dữ liệu cá nhân của người dùng Duolingo bị lộ sẽ cho phép hacker thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo có chủ đích.
Trong tháng 1/2023, một tài khoản trên diễn đàn hacker đã bán dữ liệu thu thập được từ 2,6 triệu người dùng Duolingo với giá 1.500 USD, hiện diễn đàn này cũng đã ngừng hoạt động. Dữ liệu này bao gồm các thông tin đăng nhập, tên thật cũng như thông tin không công khai, bao gồm địa chỉ email và thông tin nội bộ liên quan đến dịch vụ của Duolingo. Dù hồ sơ người dùng Duolingo công khai tên thật và tên đăng nhập, nhưng địa chỉ email lại là thông tin ẩn giấu.
Thương mại Việt Nam – Trung Quốc gần đạt mốc 90 tỷ USD: Báo Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 89 tỷ USD. Trung Quốc vẫn duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng kim ngạch song phương giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 7 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 30,502 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ).
Kết quả tăng 1,8% không cao so với thông lệ nhiều năm gần đây, nhưng là con số tích cực trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…
Đáng chú ý, 7 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,99 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả của cả nước. Trong đó, mặt hàng sầu riêng đang chiếm đến một nửa kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc.
Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này