
15:36 - 24/10/2023
Thị trường 24/7: Dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS tăng; Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 startup

Thái Lan dặt mục tiêu thành lập 10.000 startup ở năm mũi nhọn chính là nông nghiệp, du lịch, y tế, quyền lực mềm và năng lượng mới. Ảnh: Reuters.
Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 startup: Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 công ty khởi nghiệp cho năm lĩnh vực chính là nông nghiệp, y tế, du lịch, quyền lực mềm và năng lượng, bao gồm cả xe điện, trong đó, có 1.500 dự án hoàn toàn mới.
Thái Lan mạnh về nông nghiệp, du lịch và y tế, nhưng đất nước này không có nổi kỳ lân nào trong ba lĩnh vực này, ngoại trừ các tập đoàn CP hay Thai Union nổi danh thế giới. Không chỉ muốn củng cố ba lĩnh vực trên, người Thái nay còn muốn bước sang lĩnh vực mới năng lượng (trong đó có xe điện) và quyền lực mềm.
Trong giai đoạn 2024-2027, Chính phủ Thái Lan dự định cung cấp 5 tỉ baht (138 triệu đô la) cho các khoản tài trợ và quỹ đầu tư của Cơ quan Đổi mới quốc gia (NIA). Số tiền này tăng gấp hai lần số tiền được phân bổ trong bốn năm trước đó. Hiện Thái Lan xếp thứ 43 trong Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp vị trí thứ 5 và Malaysia ở vị trí thứ 36.
Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng: Tính đến 31/8 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng hơn 26.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7 và tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với thị trường trái phiếu lĩnh vực bất động sản, theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/9, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành (56.900 tỷ đồng). Lũy kế tính đến ngày công bố thông tin 31.8, có 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6% tổng số). Trong đó, nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%).
Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5,18%). Quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt 6.400 tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước; bình quân 9 tháng đạt 5.800 tỷ đồng/phiên, giảm 24,1% so với bình quân năm 2022.
Bitcoin chạm mốc 35.000 USD: Giá Bitcoin đã tăng 10%, lên mức cao nhất một năm rưỡi qua sau tin tức về khả năng quỹ ETF về tiền số sẽ sớm được chấp thuận.
Tiền số lớn nhất thế giới từ khuya 23/10 gần như tăng dựng đứng. Từ thị giá trên 33.200 USD, đồng tiền này đã vọt lên hơn 33.600 USD một đơn vị, tính đến khoảng 8h sáng nay. Có thời điểm, Bitcoin chạm mốc 35.000 USD.
Chỉ sau một đêm, tiền số này tăng 10% và đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. Đây là vùng giá phổ biến của Bitcoin trước khi xuất hiện chuỗi khủng hoảng của Terra-Luna, Three Arrows Capital, Genesis và FTX. Các loại tiền số có vốn hóa nhỏ hơn cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Ether tăng 6%, đạt mức cao nhất trong hai tháng và vượt qua mức trung bình động 200 ngày. Binance Coin và XRP cùng tăng quanh 5%.
Standard Chartered điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam: Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered đã điều chỉnh mức tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam xuống 5,0%, từ mức 5,4% trước đó.
Điều này phản ánh dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn. Mức điều chỉnh dự báo này đòi hỏi tăng trưởng của quý 4 năm nay đạt mức 7,0% và điều này có thể vẫn là một thách thức. Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ở mức 6,7% (6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm).
Dự báo lạm phát năm 2023 được điều chỉnh tăng lên mức 3,4% (so với trước đó là 2,8%). Tỷ lệ lạm phát của quý 4 được dự báo ở mức 4,3% (so với trước đó là 2,7%) và có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm tới. Lạm phát có thể dẫn đến khả năng tìm kiếm lợi nhuận và gia tăng rủi ro bất ổn tài chính. Giáo dục, nhà ở, thực phẩm, chi phí vận chuyển là những nhân tố chính dẫn đến lạm phát gần đây.
Doanh nghiệp Mỹ tăng tốc tìm điểm đến thay Trung Quốc: Các khảo sát gần đây chỉ ra lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ hiện nóng lòng muốn giảm hiện diện tại Trung Quốc và chuyển hướng đầu tư sang các nước khác. Tâm lý này trái ngược hoàn toàn với trước đây, khi việc các công ty mở nhà máy tại Trung Quốc được nhà đầu tư tại Wall Street hoan nghênh.
Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, Mexico đã vượt Trung Quốc để trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ. Một khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung cũng chỉ ra ngày càng nhiều công ty Mỹ giảm đầu tư vào Trung Quốc.
Các số liệu gần đây cho thấy rất rõ sự chuyển hướng trong tâm lý với Trung Quốc. Khảo sát thường niên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung Quốc thực hiện hồi tháng 6 và 7 cho thấy hơn một phần ba câu trả lời là đã giảm hoặc dừng đầu tư vào Trung Quốc trong năm qua. Đây là con số cao kỷ lục, vượt 22% trong khảo sát năm ngoái.
Chỉ số cổ phiếu công nghệ Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục: Chỉ số Star 50, theo dõi cổ phiếu của nhà sản xuất chip và công nghệ lớn nhất trên Sàn sáng tạo khoa học và công nghệ ở Thượng Hải (Star Market), đóng cửa với mức giảm 2,5% vào hôm 23/10, về mức thấp nhất kể từ khi thành lập. Chỉ số giảm hơn 10% trong năm nay và đang hướng đến tháng suy giảm thứ sáu liên tiếp.
Cổ phiếu của Cambricon Technologies, nhà phát triển chip trí tuệ nhân tạo (AI)giảm kịch sàn 20%, dẫn đầu nhóm cổ phiếugiảm giá. Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), hãng sản xuất chip thuộc sở nhà nước Trung Quốc, chứng kiến giá cổ phiếu giảm 0,5%. Cổ phiếu của ASR Microelectronics, một nhà sản xuất chip khác, giảm giá 7,3%.
Thị trường chứng khán Trung Quốc đang trải qua làn sóng bán tháo khi nước này chật vật vực dậy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu chững lại do lãi suất cao trên toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu. Chỉ số Hang Seng Tech Index, theo dõi các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, đã giảm 11,3% trong năm nay.
Nhật Bản xem xét bổ sung danh sách hàng hoá trọng yếu: Nhằm tăng cường an ninh kinh tế, Nhật Bản đang xem xét để đưa các linh kiện điện tử tiên tiến được sử dụng trong trung tâm dữ liệu và xe điện vào danh sách “hàng hoá trọng yếu” – gồm các loại vật liệu, hàng hoá không thể thiếu trong cuộc sống của người dân.
Trong các loại linh kiện được xem xét bổ sung vào danh sách “hàng hoá trọng yếu” lần này sẽ bao gồm “tụ gốm đa lớp”, một loại linh kiện cần thiết cho việc ổn định điện áp. Tính tới năm ngoái, quy mô thị trường toàn cầu của loại linh kiện này là khoảng 2.000 tỷ yen (tương đương khoảng 13 tỷ USD), trong đó các nhà sản xuất Nhật Bản nắm giữ phần lớn thị phần.
Tháng 5/2022, Nhật Bản đã thông qua “Đạo luật thúc đẩy an ninh kinh tế”, trong đó chỉ định danh sách “hàng hoá trọng yếu” bao gồm những hàng hóa, vật liệu thiết yếu cho đời sống của người dân có nguồn cung phụ thuộc vào bên ngoài. Cho đến nay, Nhật Bản đã chỉ định 11 vật liệu vào danh sách, bao gồm chất bán dẫn, pin lưu trữ và các khoáng sản quan trọng như lithium và đất hiếm.
Ấn Độ có khả năng giảm giá sàn xuất khẩu của gạo basmati: Các nguồn tin chính phủ và trong ngành ngày 24/10 cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ giảm giá sàn đã đặt ra cho gạo basmati xuất khẩu, sau khi những người nông dân và nhà xuất khẩu phàn nàn rằng điều này gây thiệt hại cho thương mại.
Các nguồn tin giấu tên cho biết, chính phủ có thể sẽ hạ giá sàn, hay giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) đối với gạo basmati, từ mức 1.200 USD/tấn xuống còn 950 USD/tấn. Ấn Độ đã áp đặt mức MEP 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu trong tháng 8/2023 để hạn chế giá trong nước trước các cuộc bầu cử quan trọng ở các bang.
Thời điểm cắt giảm MEP dự kiến sẽ diễn ra khi vụ thu hoạch vụ mới đến, song ngày 14/10 chính phủ cho biết họ sẽ duy trì mức này cho đến khi có thông báo mới, khiến nông dân và các nhà xuất khẩu tức giận vì cho rằng vụ thu hoạch mới đã dẫn đến giá trong nước giảm. Ấn Độ và Pakistan là những nước trồng gạo basmati duy nhất.
Có thể bạn quan tâm
Hội DN HVNCLC tổ chức chuỗi xúc tiến thương mại tại Thaifex Anuga 2023
Israel công bố vắc xin viên con nhộng ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới
Lạm phát tại Mỹ nóng lên, giá vàng giảm mạnh
BSA: Quý 1/2022 xuất khẩu trái cây tăng trưởng ổn định
Giá USD trên thị trường tự do giảm nhẹ nhưng vẫn sát mức 24.200 đồng
Tin khác


Thị trường 24/7: Doanh nghiệp sắp được phép khuyến mãi 100%; VN áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này