
15:59 - 07/09/2023
Thị trường 24/7: Dừng bán SIM qua đại lý, cửa hàng từ ngày 10/9; Apple chuyển 11 nhà máy vào Việt Nam
Dừng bán SIM qua đại lý, cửa hàng từ ngày 10/9: Ngày 7/9, báo Thanh Niên dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Đức Long cho biết các nhà mạng cam kết dừng kênh đại lý từ ngày 10/9, có thể chuyển qua phân phối từ 2 kênh còn lại (trực tiếp vận hành bởi nhà mạng hoặc qua chuỗi lớn uy tín).
Trên thị trường từ nhiều năm qua, không ít đại lý đã sử dụng thông tin không chính chủ (mượn, thuê lại hoặc có được từ các nguồn khác nhau) nhằm đăng ký, kích hoạt trước thuê bao để tận dụng các gói ưu đãi trước khi bán đến tay người tiêu dùng cuối. Điều này giúp đẩy doanh số nhưng người dùng thuê bao thực chất lại không phải chủ sở hữu đăng ký tên.
Trong đợt rà soát mới đây tính đến hết tháng 8, các nhà mạng cho biết có khoảng 8,6 triệu thuê bao là trường hợp đứng tên đăng ký trên 10 SIM, trong đó có 3,6 triệu đã đến cam kết chuẩn hóa lại thông tin, số còn lại gồm trên 5 triệu số điện thoại đã bị khóa 1 chiều, 2 chiều hoặc thu hồi về kho số của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam: Báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thắng Vượng – Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết thời gian qua xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Đơn cử, đến nay tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam, tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM tổng trị giá đầu tư 4 tỷ USD, tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỷ USD.
Hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing, Google, Walmart cũng đã thông báo tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau một thời gian dài nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đáng chú ý nhất hiện nay là Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về Việt Nam và Ấn Độ. Hiện 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới là đang được sản xuất tại Việt Nam.
Trung Quốc ngưng mua, giá cá sấu lao dốc: Giá cá sấu giảm sâu, từ mức 180.000 – 200.000 đồng xuống còn 60.000 đồng/kg khiến người nuôi thua lỗ, theo báo Người Lao Động. Ông Tôn Thất Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà (TP.HCM), vừa thông tin người nuôi cá sấu hiện rất khó khăn do không có đầu ra. Nguyên nhân, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc ngưng nhập hàng từ năm 2021 đến nay.
“Giá cá sấu từ 200.000 đồng năm 2020 đã xuống mức đáy khoảng 40.000 kg/kg và hiện tăng lên 60.000 đồng/kg. Giá bán này vẫn cách xa so với chi phí nuôi cá sấu khoảng 100.000 đồng/kg. Các nông hộ có thể tự mổ cá sấu bán, còn các trại lớn không làm vậy được mà cần nguồn vốn để giữ đàn chờ thị trường phục hồi” – ông Hưng cho biết.
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, thành phố đang có 35.165 con cá sấu, chỉ bằng một nửa so với năm 2021. Thị trường truyền thống của cá sấu nguyên con và da cá sấu Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước châu Âu. Tuy nhiên, các thị trường này hiện chỉ còn tiêu thụ da cá sấu, ngưng nhập cá sấu nguyên con từ năm 2021 đến nay.
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ từ Việt Nam sang Úc tăng 11%: Trong buổi tọa đàm tối đa hóa cơ hội xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc ngày 6/9, các quan chức Bộ Công Thương lưu ý với sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do (FTA), Úc là thị trường có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cả hai nước hiện là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Úc/New Zealand (AANZFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Úc là nước nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 9 thế giới trong năm 2022 và đang gia tăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam, Malaysia và Indonesia là các nước đang đứng đầu. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Úc tăng 11% trong năm 2022, đạt 187,9 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang Úc cũng đạt 438,6 triệu USD, tăng 41,6% trong năm 2022. Xuất khẩu dệt may đến Úc cũng tăng 27,4% trong năm ngoái, đạt 449,7 triệu USD.
Trung Quốc cấm nhân viên chính phủ sử dụng iPhone tại nơi làm việc: Một số bộ của Trung Quốc yêu cầu nhân viên không sử dụng iPhone tại nơi làm việc để đề phòng rủi ro an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ dâng cao.
Theo TBKTSG tờ South China Morning Post hôm 6/9 đã dẫn các nguồn thạo tin xác nhận, lệnh cấm này được đưa ra hồi tháng 8, áp dụng cho các nhân viên của các bộ phụ trách các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư, thương mại và các vấn đề quốc tế.
Các nguồn tin cho biết, lệnh cấm nhằm mục đích loại bỏ các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến các thiết bị viễn thông do Apple sản xuất. Một lệnh cấm tương tự được cho là đã thực thi trong nhiều năm đối với một số cơ quan chính phủ, nhưng lệnh cấm mới nhất đã mở rộng phạm vi áp dụng.
Một nguồn tin cho biết, nhân viên ở các bộ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm có thời hạn đến cuối tháng này để chuyển sang sử dụng các thương hiệu điện thoại khác ở công sở.
Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ: TTXVN dẫn thông tin từ Chi hội viên nén gỗ thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đã ký được hợp đồng cung cấp viên nén gỗ dài hạn (2 – 3 năm) cho thị trường Nhật Bản. Đây là 1 trong 3 thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất của Việt Nam và có tính ổn định cao.
Trong 6 tháng đầu năm, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,16 triệu tấn viên nén, trị giá hơn 195 triệu USD, tăng 5,65% về lượng và 28,88% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên liệu cho viên nén gỗ xuất khẩu đi Nhật Bản là từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước đã được cấp chứng nhận rừng bền vững (FSC), chủ yếu là từ cây keo.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 4,9 triệu tấn viên nén gỗ, kim ngạch đạt 0,79 tỷ USD. Phần lớn, viên nén gỗ sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu, với trên 95% lượng xuất khẩu đi Hàn Quốc và Nhật Bản, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện.
Fed nhận định kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng: Ngày 6/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết kinh tế Mỹ chứng kiến sự tăng trưởng “khiêm tốn” trong mùa Hè, khi người tiêu dùng tiếp tục sử dụng các khoản tiết kiệm vào chi tiêu du lịch.
Trong báo cáo định kỳ về các điều kiện kinh tế còn được gọi là Sách Beige (Beige Book), Fed chỉ ra rằng các tin tức kinh tế tích cực có thể sớm kết thúc, cùng với tiền tiết kiệm của người tiêu dùng tích lũy trong đại dịch. Theo Fed, tăng trưởng kinh tế trong tháng 7 và tháng 8 là khiêm tốn, trái ngược với các báo cáo trước đó chỉ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ.
Fed cũng cho biết thêm, chi tiêu tiêu dùng cho du lịch đã mạnh hơn dự kiến, vào thời điểm được coi là giai đoạn cuối của nhu cầu du lịch bị dồn nén kể từ thời đại dịch Covid-19. Chi tiêu du lịch đã giúp cân bằng sự suy giảm chi tiêu bán lẻ không thiết yếu, khi Fed cho rằng “người tiêu dùng có thể đã cạn tiền tiết kiệm và đang phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản vay mượn.”
Thị trường xuất khẩu thuỷ sản vẫn trong giai đoạn khó đoán: Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước. Ước tính hết tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 5,8 tỷ USD, thấp hơn gần 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù có tín hiệu tích cực hơn nhưng Vasep đánh giá thị trường xuất khẩu thuỷ sản năm nay vẫn trong giai đoạn xáo trộn, khó đoán. Điều này thể hiện rõ khi vào tháng 5/2023 kim ngạch xuất khẩu phục hồi, đạt mức cao 808 triệu USD, nhưng 2 tháng tiếp theo lại chững lại trong khi quy luật hàng năm xuất khẩu tăng dần đều trong nửa cuối năm, đặc biệt là quý 3.
Riêng xuất khẩu cá tra chỉ đạt mức cao nhất vào tháng 3, sau đó lại có chiều hướng giảm dần. Xu hướng này thể hiện rõ ở cả thị trường Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8 đạt khoảng 167 triệu USD và tính đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đạt tổng cộng gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
‘Luật chống gián điệp’ của Trung Quốc gây e ngại
Giá tiêu tăng trở lại
Việt Nam dự kiến đạt miễn dịch cộng đồng từ giữa năm 2022
Niềm tin nhà đầu tư vẫn còn, nhưng cần sớm có lộ trình mở cửa rõ ràng
McDonald’s dùng BTS và hương vị Hàn Quốc để mở rộng thị phần
Tags:AppleThị trường 24/7
Tin khác


Thị trường 24/7: Người Việt chi 33,3 triệu USD mua tôm hùm Australia; Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Singapore giảm mạnh

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này