
17:14 - 30/08/2023
Thị trường 24/7: Du khách Việt có nhu cầu xuất ngoại tăng cao nhất khu vực ĐNÁ; Novaland bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Lỗ ròng hơn 1.090 tỷ đồng nửa đầu năm nay, Novaland bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục: Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, NVL) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Sau khi có kiểm toán vào, nhiều số liệu của Novaland đã thay đổi đáng kể so với báo cáo doanh nghiệp tự thực hiện trước đó, theo báo Tuổi Trẻ.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính đã soát xét, doanh nghiệp xuất hiện khoản lỗ ròng sau thuế hơn 1.090 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng thêm hơn 480 tỷ đồng so với báo cáo doanh nghiệp tự lập. Giải trình với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán về kết quả kinh doanh thua lỗ trên (-160% so với cùng kỳ năm trước), ông Dennis Ng Teck Yow (quốc tịch Malaysia), tổng giám đốc Novaland, cho biết: “Do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản”.
Về chênh lệch tới hơn 480 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, lãnh đạo doanh nghiệp đưa nguyên nhân do phải trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng giải thích thêm, đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập hơn 280 tỷ đồng trong số hơn 480 tỷ đồng nêu trên. Một điểm thay đổi nữa là khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Novaland sau kiểm toán lên đến hơn 160 tỷ đồng, tăng vọt so với con số vỏn vẹn 2 tỷ đồng của doanh nghiệp công bố trước đó, liên quan đến phần bất động sản đang xây dựng.
Đồng Tháp mời TikToker về Hồng Ngự bán nông sản OCOP: Ngày 30/8, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UBND TP Hồng Ngự và doanh nghiệp tổ chức khóa tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng trên TikTok Shop, livestream bán nông sản OCOP, khách mời là các KOLs sở hữu kênh triệu view.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 357 sản phẩm OCOP với 118 chủ thể, trong đó có 275 sản phẩm OCOP 3 sao và 82 sản phẩm OCOP 4 sao. Chương trình lần này có 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Bến Tre, An Giang tham gia.
Lớp tập huấn diễn ra trong hai ngày 30 và 31/8, tại Trung tâm Văn hóa TP Hồng Ngự với các hoạt động tập huấn kỹ năng bán hàng trên TikTok Shop; hội thảo phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp và phiên livestream bán nông sản OCOP tỉnh Đồng Tháp trên 8 kênh TikTok có hàng triệu lượt theo dõi.
Sau thời gian đổ xô trồng chanh dây, người dân Gia Lai đối mặt tình trạng giá rớt thê thảm: Trong những tháng đầu năm 2023, chanh dây rớt giá không phanh. Giá chanh múc (chanh chiết dịch) từ 10.000 đồng/kg rớt xuống 2.500 – 3.000 đồng/kg. Chanh quả chỉ còn 5.000 đồng/kg. Thực tế này khiến nhiều nông dân hoang mang.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính khiến chanh dây rớt giá là do thời điểm này trùng với mùa vụ chính thu hoạch chanh dây của Trung Quốc. Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc bị bão lũ và sau dịch Covid-19 nhiều người dân có thu nhập thấp, ít việc làm, dẫn đến sức mua giảm cũng là nguyên nhân khiến chanh dây Việt Nam rớt giá.
Nói với báo Thanh Niên ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh), thời gian qua, giá chanh dây xuống thấp khiến nhiều người dân không mặn mà chăm sóc vườn cây dẫn đến chất lượng kém. Khi thấy thời điểm giá chanh dây tăng cao, người dân chạy theo lợi nhuận, bất chấp mở rộng diện tích ồ ạt mà không lường trước sự việc.
Doanh nghiệp bất động sản đã huy động được gần 26.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu: Thống kê trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 7 đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã công bố phát hành trái phiếu thành công và huy động được hàng ngàn tỷ đồng, theo báo Thanh Niên. Chẳng hạn, ngày 25/8, Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt (Hà Nội) công bố phát hành thành công lô trái phiếu có giá trị 4.100 tỷ đồng. Số trái phiếu có kỳ hạn 15 tháng với lãi suất 13,3%/năm. Cùng ngày, Công ty CP Phú Thọ Land công bố hoàn tất phát hành 1.900 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng và lãi suất 10,5%/năm.
Đáng kể là Công ty TNHH Capitaland Tower (TP.HCM) công bố đã phát hành thành công 4 lô trái phiếu có tổng giá trị gần 12.240 tỷ đồng. Các trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng (đáo hạn vào cùng ngày 25/7/2028). Lãi suất thực tế được công bố cố định 1%/năm. Capitaland Tower là đơn vị phát triển dự án The Sun Tower (Landmark 60 Bason) tại khu đất 6.042m2 thuộc Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son.
Theo tổng hợp của nhóm phân tích VnDirect, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong tháng 8. Tính đến ngày 23/8 đã có 44 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX với tổng giá trị được gia hạn là hơn 58.803 tỷ đồng.
Mỹ nhận hồ sơ về rà soát thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam: Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị rà soát hành chính đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam đang bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) hoặc chống trợ cấp (CTC).
Theo quy định pháp luật của Mỹ, thời hạn để các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị rà soát hành chính đối với các lệnh áp thuế (nếu muốn được xem xét lại thuế CBPG/CTC đang áp dụng) là trước ngày 31/8/2023. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày DOC thông báo khởi xướng rà soát, các bên có quyền rút lại đề nghị rà soát của mình.
Những sản phẩm này là cá tra-basa, ống đồng và tháp gió. Trong đó, cá tra-basa có mã vụ việc A-552-801 (CBPG), thời hạn thực hiện việc rà soát đến 31/7/2023. Sản phẩm ống đồng có mã vụ việc A-552-831 (CBPG), thời hạn rà soát đến 31/7/2023. Sản phẩm tháp gió có mã vụ việc là A-552-825 (CBPG), thời hạn rà soát đến 31/7/2023 và một mã vụ việc là C-552-826 (CTC), thời kỳ rà soát đến 31/12/2022.
Thái Lan cân nhắc nới lỏng thị thực để thu hút khách Trung Quốc, Ấn Độ: TBKTSG dẫn nguồn tin từ Bloomberg cho biết, hôm 28/8, Thủ tướng Srettha Thavisin đã thảo luận với lãnh đạo của Airports of Thai, cơ quan điều hành sân bay lớn nhất Thái Lan và một số hãng hàng không về các phương án để thu hút khách quốc tế nhiều hơn trong quí 4, nhằm mùa cao điểm du lịch của xứ sở chùa Vàng. Airports of Thai đã đồng ý tăng 20% công suất chuyến bay đến Thái Lan và tìm cách đẩy nhanh quá trình thông quan nhập cảnh.
Chính phủ mới của Thái Lan đặt mục tiêu nâng doanh thu từ khách quốc tế lên 3,3 nghìn tỷ baht (94 tỷ đô la) vào năm tới. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, du lịch chiếm khoảng 12% GDP của đất nước và cung cấp gần 1/5 việc làm.
Thaneth Tantipiriyakij, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket, cho biết việc loại bỏ phí cấp thị thực sẽ lý tưởng hơn việc miễn thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đề xuất đó đã được chuyển tới Thủ tướng Srettha Thavisin trong cuộc họp cuối tuần qua ở Phuket, có sự tham gia của các lãnh đạo ngành du lịch.
Du khách Việt có nhu cầu xuất ngoại tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á: Việt Nam là nước có mức tăng trưởng cao nhất (ở mức 170% trong quý 2/2023 so với cùng kỳ năm 2019) về nhu cầu đi du lịch nước ngoài, được đo bằng mức độ quan tâm, tìm kiếm của người dùng trên Google Search với vé máy bay, chỗ ở. Đây là thông tin mới nhất do Google công bố ngày 30/8, theo TTXVN.
Dữ liệu từ Google Search cho thấy tính riêng quý 2/2023, nhu cầu xuất ngoại của du khách người Việt tăng hơn 170% so với cùng kỳ trước dịch. Trong khi đó, nhu cầu này từ Philippines, Malaysia và Singapore được đánh giá “tăng trưởng đều đặn hàng quý” từ hơn 50% đến hơn 100%.
Có hơn 65% lượng tìm kiếm của người Việt Nam nhắm đến các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á, tiếp đến là hơn 50% người Malaysia và Singapore cùng nhu cầu này. Người dân Thái Lan, Philippines tỏ ra ít hứng thú hơn với du lịch trong khu vực khi chỉ có 23%-28% lượng tìm kiếm nhắm tới Đông Nam Á.
Ấn Độ cho phép xuất khẩu số gạo đang mắc kẹt tại cảng: Theo TTXVN, trong một sắc lệnh ban bố tối 29/8, nhà chức trách Ấn Độ đã cho phép các thương gia vận chuyển gạo trắng không thuộc loại basmati trong các container đang mắc kẹt tại cảng do lệnh cấm xuất khẩu loại gạo này.
Trước đó, ngày 20/7, Ấn Độ đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu loại gạo trắng không phải basmati, vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm kiểm soát giá cả trong nước. Động thái này được đưa ra sau một lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hồi năm ngoái.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông Prem Garg cho biết lệnh cấm mới đã làm 150.000 tấn gạo trắng không phải basmati bị kẹt tại nhiều cảng khác nhau, khiến các thương gia đối mặt với thiệt hại. Trong sắc lệnh mới nhất, Tổng Vụ Ngoại thương Ấn Độ (DGFT), thuộc Bộ Thương mại, cho biết sẽ cho phép vận chuyển số hàng đang mắc kẹt mà các thương gia đã trả thuế xuất trước ngày 20/7, thời điểm lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực.
Ông Garg khẳng định: “Việc cho phép xuất các container đang kẹt tại cảng sẽ không chỉ giúp các nhà cung ứng, mà còn giúp cho người tiêu dùng ở một số nước đang cần gạo nhất”. Theo ông, hầu hết số gạo đang mắc kẹt sẽ được xuất đến các quốc gia Đông Phi và Tây Phi.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường 24/7: HOSE bác thông tin lãnh đạo xin nghỉ việc; Mỹ tăng nhập khẩu dầu ăn đã qua sử dụng của TQ
Các nhà bán lẻ nước ngoài tăng tốc mở rộng ở Indonesia
Tập đoàn dầu khí Thái Lan nhắm đến thị trường đạm thực vật
Thị trường 24/7: VN-Index về ngưỡng 1.100 điểm; Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của VN
Omicron có thể làm tăng lạm phát, cản trở đà hồi phục kinh tế toàn cầu
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng RON 95 xuống dưới 19.000 đồng/lít; Dòng tiền trở lại, VN-Index đảo chiều đi lên

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này