17:04 - 29/01/2024
Thị trường 24/7: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 0,31%; Giá USD thị trường tự do ‘nhảy múa’
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 0,31%: Là tháng giáp tết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tăng 2,72%.
Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất (1,02%, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,09%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,89%; dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 1,67%).
Có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do các hãng thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động; nhóm giáo dục giảm 0,12%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,15%.
Giá USD thị trường tự do ‘nhảy múa’ gần Tết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 27/1 công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD là 24.036 đồng, tăng 188 đồng kể từ đầu năm 2024.
Tỷ giá USD tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước cùng ngày là 23.400 đồng (mua vào) và 25.187 đồng (bán ra). Tại Vietcombank, ngân hàng này niêm yết giao dịch mua vào – bán ra ở mức 24.395 – 24.765 đồng/USD.
Trên thị trường tự do tham khảo ngày 28/1, giá USD mua vào 25.010 đồng – bán ra 25.050 đồng. Nếu so với đầu tháng, mỗi USD “chợ đen” tăng 250 đồng chiều mua vào và 300 đồng chiều bán ra, tương ứng hơn 1%.
Giá USD “chợ đen” thời điểm cuối năm tăng cao hơn và tạo ra khoảng cách với tỷ giá tại các ngân hàng thương mại. Cụ thể, ở chiều mua vào, giá USD thị trường tự do cao hơn khoảng 615 đồng và chiều bán ra vênh khoảng gần 300 đồng/USD.
Giá vàng tuần này khó bứt phá: Tuần qua, giá vàng thế giới giao ngay dao động trong biên độ hẹp quanh vùng 2.016 USD đến 2.025 USD mỗi ounce. Có nhiều dữ liệu quan trọng được công bố song giá kim loại quý phản ứng không đáng kể trước những tin tức này.
Cuộc khảo sát tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, các nhà phân tích và nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn duy trì lập trường thận trọng và không có sự đồng thuận rõ ràng về xu hướng của giá vàng tuần này.
Theo đó, 14 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát tiếp tục tỏ ra thận trọng về tiềm năng của kim loại quý trong ngắn hạn. 5 chuyên gia cho rằng giá sẽ đi lên, 3 người khác dự báo ngược lại. 6 người còn lại dự đoán giá vàng đi ngang.
4 mặt hàng cán mốc xuất khẩu 1 tỷ USD trong nửa tháng 1: Trong kỳ 1 tháng 1/2024 (từ ngày 1/1 đến hết ngày 15/1), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, tính đến hết ngày 15/1, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 15,08 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ 1, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về nhập khẩu, tính đến hết ngày 15/1, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 14,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa kỳ 1 tháng đầu năm sơ bộ xuất siêu 0,38 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,73 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,19 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,57 tỷ USD.
FPT Retail lỗ gần 300 tỷ đồng năm 2023: Theo báo cáo kết quả kinh doanh, quý 4/2023, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT Retail) lỗ hợp nhất trước thuế 97 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của FPT Retail âm 294 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty báo lỗ (tính theo năm) kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2018. Kết quả này cũng trái ngược với kế hoạch kinh doanh công ty đặt ra hồi năm 2023.
Hồi đầu tháng, ông lớn ngành bán lẻ cũng chính thức gia nhập thị trường viễn thông di động khi cung cấp mạng di động ảo với đầu số 0775. Động thái này nhằm giúp FPT Retail tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có từ hệ thống cửa hàng FPT Shop mỗi năm bán ra thị trường hơn 1,5 triệu smartphone và các thiết bị IoT.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 40,2% trong tháng đầu năm: Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, trong tháng có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ.
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 35 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 1/2024. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Fed có thể đã ở rất gần thời điểm hạ lãi suất: Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị bước vào cuộc họp trong hai ngày 30-31/1, các nhà đầu tư nhận định các nhà hoạch định chính sách của Fed đã ở rất gần thời điểm hạ lãi suất, có thể tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 3/2024.
Theo Bloomberg Economics, các số liệu tạo tiền đề để Fed tiến tới hạ lãi suất trong những tháng tới, có thể bắt đầu từ tháng 3/2024, trong nỗ lực đạt mục tiêu nền kinh tế “hạ cánh mềm”.
Trong số các số liệu về kinh tế Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, số liệu quan trọng nhất là báo cáo việc làm tháng 11/2024. Số liệu về cơ hội việc làm và lòng tin tiêu dùng cũng sẽ góp phần vào việc cho thấy rõ triển vọng chi tiêu mạnh đến đâu. Tại các nước khác, các ngân hàng trung ương Anh và Thụy Điển có thể giữ nguyên lãi suất, trong khi ba ngân hàng trung ương tại Mỹ Latinh có thể sẽ hạ.
Giá gạo Ấn Độ xuất khẩu cao kỷ lục: Giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần này do nguồn cung hạn chế và nhu cầu ổn định từ các khách hàng châu Á và châu Phi. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam và Thái Lan có xu hướng giảm.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức cao kỷ lục 533-542 USD/tấn trong tuần này, so với mức 525-535 USD/tấn của tuần trước.
Phó Chủ tịch của Olam Agri tại Ấn Độ, ông Nitin Gupta cho rằng nguồn cung trên thị trường bị hạn chế do hoạt động thu mua lúa của chính phủ. Thêm vào đó, hoạt động xay xát gạo vụ mới hiện đang được tiến hành – nhân tố gây sức ép với nguồn cung.
Sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm tài chính này, lần giảm đầu tiên sau 8 năm, làm tăng khả năng New Delhi sẽ gia hạn hạn chế xuất khẩu gạo để kiểm soát giá lương thực trước cuộc bầu cử.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này