
15:27 - 12/09/2023
Thị trường 24/7: Bộ NN&PTNT bác tin ‘nông sản ùn tắc tại cửa khẩu’; Hoàn lại hơn 87.000 tỷ đồng thuế GTGT
Cục Bảo vệ thực vật bác tin ‘nông sản ùn tắc tại cửa khẩu do kiểm dịch’: Ngày 12/9, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã có thông báo về tình hình kiểm dịch thực vật đối với nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu đang diễn ra bình thường, không có hiện tượng ùn tắc, theo báo Thanh Niên.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết thực hiện quy định tại các nghị định thư xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các nước, cục đã chỉ đạo các địa phương thông báo và áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để các doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tạm ngừng và rà soát xác định rõ nguyên nhân các trường hợp không tuân thủ điều kiện về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo điều khoản đã ký.
Cùng với đó cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ áp dụng các biện pháp kiểm dịch để kiểm soát chặt khi Cục Bảo vệ thực vật có văn bản chỉ đạo sau khi các địa phương có báo cáo kết quả xử lý những trường hợp không tuân thủ. Do vậy hoạt động xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, không bị ùn tắc về kiểm dịch thực vật.
Doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nợ hàng tỷ USD tiền lương: Báo Tuổi Trẻ dẫn tìn từ đài CNA cho biết khủng hoảng tài chính của nhiều “ông lớn” phát triển bất động sản Trung Quốc đang tạo “làn sóng” ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế nước này. Hàng loạt doanh nghiệp đâm đơn kiện và chi phí nhân công bị nợ lên đến hàng trăm tỷ USD.
Bất động sản là “xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp 30% GDP, với khoảng 80% tài sản của người dân nằm trong mảng này – đài CNA nhận định. Trong khi đó Tập đoàn bất động sản Evergrande Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ, Country Garden – công ty bất động sản có doanh thu cao nhất năm 2022 – cũng chỉ vừa thoát vỡ nợ trong gang tấc hồi đầu tháng.
Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Research, nhóm các nhà cung cấp cho các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc đang chờ được thanh toán khoản tiền ít nhất 390 tỷ USD. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp xây dựng Trung Quốc đến tháng 6/2023, có ít hơn 1,5 triệu việc làm trong ngành xây dựng nước này so với một năm trước.
Triển lãm ô tô lớn nhất nước Đức thành sân khấu của xe Trung Quốc: Thông thường, Triển lãm ô tô quốc tế IAA mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là Đức, giới thiệu những cải tiến mới nhất, ấn tượng nhất, làm kinh ngạc du khách cũng như truyền thông. Nhưng với IAA 2023, báo chí chỉ xoay quanh một vấn đề: làn sóng xe điện từ Trung Quốc đe dọa các hãng ô tô Đức ngay tại quê nhà.
Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn Autonews cho biết số lượng xe Trung Quốc ở IAA 2023 nhiều gấp đôi so với triển lãm năm 2021 (IAA tổ chức 2 năm một lần). “IAA sẽ trở thành sàn diễn của Trung Quốc”, đó là nhận định của tuần báo kinh tế hàng đầu nước Đức WirtschaftsWoche. Một tờ báo hàng đầu của Đức khác là Der Spiegel dự đoán “ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ phải trải qua thời gian đầy thách thức”.
Còn tờ Fortune của Mỹ đưa ra đánh giá rất cay đắng: “Đất nước này (Đức – PV) từng phải nhún nhường trước thành công của Tesla của Elon Musk. Hãng này đã dễ dàng đẩy các công ty như Mercedes-Benz và BMW xuống chiếu dưới trong làng xe. Họ sẽ không muốn ngay cả các thương hiệu mới nổi như BYD của Wang Chuanfu cũng có thể góp phần gia tăng nỗi khốn khó cho họ ở châu Âu, trong lúc tìm cách tránh cuộc chiến hạ giá với Musk ở Trung Quốc”.
Sầu riêng Việt Nam chuẩn bị tiến vào thị trường Ấn Độ: Theo TTXVN, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị đang hoàn tất thủ tục để mở cửa xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ.
TTXVN dẫn số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp, cho biết sầu riêng tươi Việt Nam đang xuất khẩu sang 24 thị trường, còn sầu riêng đông lạnh là 23 thị trường. Chỉ trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn.
Hiện nay, sầu riêng đang được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc. Cả nước có 422 vùng trồng và 153 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt cùng 64 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói đang trong tình trạng hoàn thiện để được Trung Quốc cấp mã số. Bên cạnh đó, hơn 600 mã số vùng trồng và 50 cơ sở đóng gói sẽ gửi sang Trung Quốc để phê duyệt.
Thị trường châu Âu bắt đầu đánh thuế carbon từ 1/10: Ngày 8/9, tại cuộc họp xúc tiến xuất khẩu vào thị trường châu Âu do Bộ Công thương tổ chức, đại diện thương vụ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/10, EU sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu, theo SGGP.
Theo đó, cơ chế này được chia thành 3 giai đoạn thực hiện: từ tháng 10/2023 đến năm 2025 là giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp phải báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí cho cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Từ năm 2026-2034, doanh nghiệp phải mua 1 chứng chỉ theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm; EU cũng sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đến năm 2034, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.
Bước đầu, EU sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.
Đã hoàn lại hơn 87.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng: Tối 11/9, Tổng cục Thuế cho biết, 8 tháng năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 87.191 tỷ đồng, bằng 46,9% dự toán hoàn thuế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua (186.000 tỷ đồng), bằng 90% cùng kỳ năm 2022, theo TTXVN.
Tổng cục Thuế cho biết, đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát hoàn thuế giá trị gia tăng với đảm bảo hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, toàn ngành thuế đã thực hiện được 38.866 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 48,5% kế hoạch năm 2023 và bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 393.280 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 85,3% cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 39.748 tỷ đồng bằng 102,9% cùng kỳ năm 2022.
Indonesia tìm kiếm cơ hội nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Trung Quốc: Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo (Jokowi) ngày 11/9 cho biết nước này đang thúc đẩy đàm phán về cơ hội nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Trung Quốc trong thời gian tới nhằm đảm bảo nguồn gạo dự trữ quốc gia, theo TTXVN.
Ông Jokowi cho biết, Indonesia hiện có 2 triệu tấn gạo trong kho dự trữ, trong đó 1,6 triệu tấn đang có và 400.000 tấn nhập khẩu từ Campuchia đang trên đường vận chuyển. Do đó, nguồn lương thực về cơ bản đáp ứng nhu cầu nội địa trong năm 2023. Tuy nhiên, chính phủ cần chủ động nguồn lương thực cho năm 2024 do những thay đổi về thời tiết El Nino ảnh hưởng tới mùa màng cũng như những rủi ro về khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ông Jokowi cho hay, đã trao đổi với một số lãnh đạo nhà nước như Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Tổng thống Bangladesh Mohamed Shahabuddin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường để khám phá các cơ hội nhập khẩu gạo.

Indonesia đã ký hợp đồng nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ một số quốc gia, trong đó chủ yếu là từ Campuchia.
Doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu: Thống kê của Bộ Công Thương cho hay trong 8 tháng, có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%), theo SGGP.
Một trong những điểm tích cực trong tháng 8/2023 đó là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Thống kê cho thấy, cả nước đã chi khoảng 25,5 tỷ USD để nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu, tăng 5,6% so với tháng trước và chiếm 89,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, từ nay đến cuối năm 2023 có những yếu tố giúp Việt Nam có thể kỳ vọng các đơn hàng xuất khẩu sẽ phục hồi.
Có thể bạn quan tâm
‘Gót chân Achilles’ của Apple tạo cơ hội cho công nghệ bán dẫn tại VN?
Giá vàng nóng lên khi dự báo kinh tế thế giới ảm đạm
Giá vàng SJC lên lại mức 69 triệu đồng/lượng
Làm sao để tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19?
Việt Nam khó đạt mục tiêu xuất khẩu 500.000 lao động
Tin khác


Thị trường 24/7: Người Việt chi 33,3 triệu USD mua tôm hùm Australia; Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Singapore giảm mạnh

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này