15:57 - 17/10/2023
Thị trường 24/7: Ấn Độ duy trì mức giá sàn xuất khẩu gạo basmati; Đề xuất tăng giá vé xe buýt ở Hà Nội
Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của cá tra Việt Nam: Trong tháng 9, xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trưởng dương lần đầu kể từ đầu năm nay, với giá trị gần 167 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường tiêu thụ, tháng 9, xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính đã ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Trung Quốc & Hong Kong, EU, Brazil, Mexico. TUy nhiên, ở các thị trường Mỹ, CPTPP, Hàn Quốc, Singapore.. vẫn ghi nhận sụt giảm từ 3-54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê, thị trường Trung Quốc & Hong Kong đã nhập khẩu (NK) 56 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9, kim ngạch XK sang Trung Quốc & Hong Kong đạt 434 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc & Hong Kong liên tục dẫn đầu top các thị trường NK nhiều nhất cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay và là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam.
TP.HCM quảng bá du lịch tại Mỹ: Mới đây, chương trình quảng bá du lịch Việt Nam – TP.HCM đã diễn ra tại trung tâm Fort Mason địa danh văn hoá và nghệ thuật San Francisco, California.
Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động quảng bá, xúc tiến tại Mỹ do Sở Du lịch TP.HCM, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco tiểu bang California phối hợp tổ chức. Đoàn xúc tiến quảng bá do bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch làm Trưởng đoàn cùng với hơn 11 đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành và khách sạn hàng đầu TP.HCM cùng với các doanh nghiệp du lịch tỉnh/thành Việt Nam.
Chương trình quảng bá xúc tiến tại San Francisco bao gồm 3 phần: hội thảo giới thiệu điểm đến và các sản phẩm mới của du lịch Việt Nam – TP.HCM, nhất là các sản phẩm phù hợp với thị trường Mỹ; giới thiệu các dự án du lịch cần thu hút nhà đầu tư Mỹ đến TP.HCM; B2B – gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp của 2 quốc gia.
Đề xuất tăng giá vé xe buýt ở Hà Nội từ 1/1/2024: Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt với các tuyến có trợ giá, mức cao nhất lên 20.000 đồng/lượt.
Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá. Sở GTVT Hà Nội đề xuất từ ngày 1/1/2024 sẽ tăng giá vé xe buýt ở mức 1.000 – 11.000 đồng so với hiện nay, tùy thuộc cự ly, loại vé và diện ưu tiên. Cụ thể: giá vé lượt, cự ly dưới 15 km có mức tăng thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25 km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30 km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40 km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40 km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Lý giải cho đề xuất trên, Sở GTVT cho rằng từ năm 2014 đến nay (sau hơn 9 năm triển khai thực hiện) thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé hiện nay không còn phù hợp, thấp hơn so với mặt bằng thu nhập người dân.
Giá tôm hùm bông giảm một nửa: Mỗi kg tôm hùm bông đang được các hộ nuôi bán với giá 1-1,3 triệu đồng, giảm một nửa so với cách đây hai tháng.
Theo các hộ nuôi tôm ở Khánh Hòa, giá tôm hùm bông đang thấp nhất hai năm qua. Với mức này, người nuôi lãi rất thấp. Do đó, hầu hết những người nuôi cho biết tiếp tục chăm sóc để chờ giá nhích lên vào dịp Tết Nguyên đán. Giá tại các hộ nuôi đi xuống nên các cửa hàng kinh doanh hải sản ở TP.HCM cũng giảm giá mạnh. Ghi nhận tại các cửa hàng này cho thấy tôm hùm bông có giá 1,4-1,7 triệu đồng một kg, giảm 30% so với cách đây 2 tháng.
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho thấy 8 tháng đầu năm, tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Nước này đang dần áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt về nhập khẩu nông, lâm, thủy sản nước ngoài. Họ ngày càng hạn chế nhập đường tiểu ngạch. Mới đây, Trung Quốc tiếp tục hạn chế nhập tôm hùm từ Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh. Hôm 22/9, khoảng 6 tấn tôm hùm của các doanh nghiệp xuất qua cửa khẩu Móng Cái đã chết do việc hạn chế nhập này.
Doanh số iPhone 15 series gây thất vọng tại Trung Quốc: Theo Bloomberg, nghiên cứu chỉ ra doanh số iPhone 15 series giảm 4,5% so với iPhone 14 series trong 17 ngày đầu tiên sau khi phát hành. Điều này phản ánh mức tiêu thụ yếu kém cũng như sự trỗi dậy của các đối thủ như Huawei nhờ sản phẩm Mate 60 Pro.
Thông tin này đánh dấu một đòn giáng mạnh đối với Apple vào thời điểm hãng này đang phải vật lộn với nhu cầu smartphone yếu nhất trong một thập kỷ và phản ứng dữ dội từ việc iPhone 15 Pro gặp vấn đề quá nhiệt. Nếu những ước tính chính xác, đây là một trong những màn ra mắt tồi tệ nhất của iPhone tại Trung Quốc kể từ năm 2018 khi những cái tên địa phương như Oppo và Vivo bắt đầu thu hút người tiêu dùng châu Á.
Counterpoint đổ lỗi cho sự sụt giảm của iPhone ở Trung Quốc chủ yếu do nền kinh tế đang gặp khó khăn trong việc phục hồi từ sau đại dịch Covid-19. Chưa dừng lại ở đó, sự ra mắt của iPhone 15 series diễn ra vài tuần sau sự xuất hiện của Mate 60 Pro – sản phẩm được coi là một chiến thắng lớn của Huawei trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nhờ đi kèm chip tiên tiến sản xuất tại Trung Quốc – khiến người tiêu dùng quay sang ủng hộ sản phẩm từ thương hiệu này.
Bắt đầu chạy tàu bảo quản lạnh từ Trung Quốc tới Việt Nam và Lào: TTXVN dẫn thông tin từ Xinhua cho biết, ngày 16/10, hai chuyến tàu được trang bị hệ thống làm lạnh chở trái cây và rau quả đã rời tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lần lượt đến Vientiane (Lào) và Lào Cai (Việt Nam).
Các chuyến tàu này đánh dấu việc ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng bảo quản lạnh trên các tuyến tàu từ Trung Quốc đi Lào và từ Trung Quốc đi Việt Nam. Hai chuyến tàu đầu tiên, khởi hành từ ga Yanhe thuộc tỉnh Vân Nam, dự kiến sẽ đến thủ đô Vientiane của Lào và tỉnh Lào Cai của Việt Nam sau khoảng một ngày.
Theo lịch trình hiện tại, mỗi ngày sẽ có một chuyến tàu chở hàng bảo quản lạnh từ thành phố Côn Minh đến Vientiane (Lào) và một chuyến mỗi tuần từ Côn Minh tới Lào Cai (Việt Nam). Tập đoàn Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), nhà điều hành dịch vụ này cho biết tần suất hoạt động trên hai tuyến này sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng trong tương lai.
Ấn Độ duy trì mức giá sàn xuất khẩu gạo basmati: Cuối tuần qua, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định duy trì giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) ở mức 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati. Điều này khiến nông dân và doanh nghiệp Ấn Độ lo ngại về nguy cơ giảm thu nhập và ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu.
Nông dân Ấn Độ trồng lúa vào tháng 6 và tháng 7 – thời điểm mưa nhiều và bắt đầu thu hoạch từ tháng 10. Giá gạo hiện đang bắt đầu giảm khi bước vào vụ thu hoạch mới. Nông dân, chủ cơ sở xay xát, các nhà xuất khẩu hy vọng chính phủ sẽ hạ MEP mà họ cho là đang ở mức quá cao.
Tuy nhiên, việc Chính phủ Ấn Độ quyết định duy trì giá sàn khiến nông dân trồng gạo basmati gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm, bởi nhiều thương nhân và chủ cơ sở xay xát đã ngừng mua hàng tại các thị trường bán buôn. Theo các thương nhân, kể từ khi chính phủ áp giá sàn, giá thóc basmati đã giảm hơn 20%.
Toyota tạm dừng 10 dây chuyền sản xuất ở Nhật Bản do thiếu linh kiện: Ngày 17/10, Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota cho biết đã tạm ngừng hoạt động 10 dây chuyền sản xuất tại 6 nhà máy ở miền Trung Nhật Bản do gặp khó khăn trong việc mua linh kiện ôtô sau vụ nổ tại tại nhà máy của hãng Chuo Spring Co., một trong những nhà cung cấp linh kiện cho Toyota.
Vụ nổ xảy ra hôm 16/10 tại nhà máy của Chuo Spring Co. ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi.
Theo hãng Toyota, nhà sản xuất ôtô này sẽ đóng cửa các dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng trong cả ngày 17/10 và chưa rõ có thể nối lại hoạt động vào ngày 18/10 hay không. Khoảng 2 tháng trước, Toyota cũng đã cho tạm ngừng hoạt động 25 dây chuyền sản xuất tại 12 trong số 14 nhà máy lắp ráp xe ở Nhật Bản do lỗi hệ thống máy tính.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này