11:59 - 03/08/2023
Lo El Niño kéo dài đến 2025, Thái Lan khuyến khích người dân giảm trồng lúa
Việc chính phủ Thái Lan khuyến khích nông dân giảm trồng lúa để tiết kiệm nước đặt ra mối đe dọa mới đối với nguồn cung gạo toàn cầu sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Surasri Kidtimonton, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia (ONWR), cho biết các nông dân khu vực đồng bằng miền Trung đã gieo trồng phần lớn lúa nhưng chính phủ đang khuyến khích họ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang có ít mưa hơn khi nước này chuẩn bị cho một đợt hạn hán có thể xảy ra vào năm tới do hiện tượng El Niño có thể dẫn đến các điều kiện thời tiết khô hạn hơn.
Theo ông Surasri, lượng mưa tích lũy cho đến nay ở khu vực miền Trung thấp hơn khoảng 40% so với mức bình thường, và động thái hạn chế trồng lúa là để giúp tiết kiệm nước cho tiêu dùng hộ gia đình.
“Điều đáng lo ngại là hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến năm 2025. Chúng ta phải lập kế hoạch quản lý nước trên toàn quốc một cách thận trọng,” ông nói hôm thứ Ba.
Cho đến nay, hơn 11 triệu rai* lúa đang được trồng, với những nông dân chưa bắt đầu gieo trồng được khuyến khích trì hoãn kế hoạch của họ hoặc chuyển sang các loại cây chịu hạn hơn, ông nói.
Giá gạo ở châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm vào tháng trước sau khi Ấn Độ – nước xuất khẩu lớn nhất thế giới – cấm xuất khẩu gạo non-Basmati để củng cố nguồn cung trong nước và kiềm chế giá gạo nội địa. Việc tăng giá hơn nữa trên thị trường thế giới sẽ tạo gánh nặng cho người tiêu dùng với áp lực lạm phát bổ sung.
Khu vực miền trung của Thái Lan dự kiến sẽ chiếm gần 14% tổng diện tích trồng lúa vào năm 2023 và dự báo sẽ chiếm khoảng 19% vụ thu hoạch lúa chính trong năm 2023-24, theo Bộ Nông nghiệp. Ông Surasri cho biết mực nước tại các hồ chứa lớn trong khu vực đang ở mức khoảng 51% dung tích.
Chính phủ Thái Lan trước đó đã cảnh báo rằng El Niño có thể dẫn đến lượng mưa thấp bất thường và khuyên nông dân nên trồng một vụ trong năm nay thay vì hai vụ như bình thường. Khi đó, một phần gạo thiếu hụt có thể được bù đắp bằng các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Surasri, nước ngọt sẽ được ưu tiên hàng đầu cho tiêu dùng hộ gia đình, tiếp theo là chuyển hướng nguồn cung cấp nước để duy trì các hệ sinh thái tự nhiên.
Ông nói: “Điều quan trọng là mọi người phải sử dụng nước một cách tiết kiệm”.
Theo Cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gạo nhiều hơn 21% trong sáu tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó, với việc gia tăng các lô hàng xuất khẩu sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Tuy nhiên, việc gia tăng doanh số xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thương mại toàn cầu, trong khi Thái Lan và Việt Nam lần lượt chiếm 15% và 14%.
Hai nguồn tin thương mại cho biết trong tuần này, các nhà xuất khẩu gạo ở Thái Lan và Việt Nam đang cố gắng đàm phán lại giá trong các hợp đồng mua bán khoảng nửa triệu tấn cho lô hàng tháng 8, khi lệnh cấm của Ấn Độ đã thắt chặt nguồn cung.
Các nhà xuất khẩu đang gấp rút bao tiêu nguồn cung từ những người nông dân đã tăng giá sau khi thị trường thế giới tăng vọt, khiến các giao dịch trị giá hàng triệu đô la gặp rủi ro.
Các thương nhân cho biết giá toàn cầu của các loại gạo chính được vận chuyển trên toàn thế giới đã tăng khoảng 80 USD/tấn kể từ khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm vào ngày 20/7.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 625 USD/tấn, so với 545 USD khoảng hai tuần trước, trong khi loại tương tự từ Việt Nam đã tăng lên 590 USD từ mức 515 USD đến 525 USD.
“Giá hiện tại cao hơn rất nhiều so với giá trong hợp đồng,” một thương nhân ở TP.HCM cho biết. “Giá xuất khẩu tăng mạnh đã kéo theo giá lúa trong nước tăng mạnh. Một số thương nhân hiện đang gấp rút tăng tốc thu mua từ nông dân”.
(*) Đơn vị diện tích được sử dụng ở Thái Lan tương đương với 1.600 m2 (0,16 ha).
Theo Bangkok Post
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này