11:08 - 01/07/2021
Khi chuỗi cà phê Việt tiến vào thị trường Mỹ
Trong tháng 5 vừa rồi, TNI King Coffee đã khai trương tiệm đầu tiên ở Mỹ và cùng với đối tác Hàn Quốc mở cửa hàng đầu tiên tại Seoul.
Chuỗi này tuyên bố sẽ có thêm 19 tiệm vào cuối năm nay và đạt con số 100 tiệm trong năm 2022 tại thị trường Mỹ.
Chuỗi trà và cà phê Phúc Long cũng tuyên bố dự kiến khai trương cửa tiệm đầu tiên tại California vào tháng 7. Chưa có những tuyên bố hay chiến lược mở cửa của Phúc Long tại thị trường này, nhưng các chuyên gia nói rằng tham vọng của Phúc Long cũng không hề nhỏ bởi họ còn có một trợ lực khác đứng sau. Đó là tập đoàn Masan vừa mới chi 15 triệu USD để mua 20% cổ phần của Phúc Long hồi tháng 5 vừa rồi.
Chuyện các chuỗi cà phê và trà ở Việt Nam mở chi nhánh ở nước ngoài không phải là chuyện mới. Bởi Highlands Coffee – một trong những chuỗi cà phê lớn nhất của Việt Nam – đã bắt đầu bán franchise từ năm 2011 và hiện giờ họ đã có 39 cửa hàng nhượng quyền tại Philippines.
Một chuỗi khác là Cộng Cà Phê đã có 6 cửa hàng ở Hàn Quốc và 2 ở Malaysia. Trong khi đó chuỗi E Coffee thuộc tập đoàn Trung Nguyên cũng đã mở tiệm đầu tiên tại Lào hồi năm ngoái.
Các chuỗi cà phê Việt Nam luôn tìm kiếm chiến lược và chuẩn bị sẵn sàng để khai phá thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ, trong suốt thập niên qua – theo lời chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang thuộc Trường Quản trị kinh doanh BizUni. Họ phải tìm kiếm một mảnh đất mới bởi thị trường nội địa ngày càng chật hẹp và cạnh tranh dữ dội. Việc khai phá thị trường mới ngày càng cấp bách hơn và mang tính sống còn.
“Chúng ta thường ưu tư là mình từ một nước nhỏ tiếp cận thị trường một nước lớn. Nhưng giờ đây, doanh nghiệp đã vượt qua nỗi sợ đó bởi họ nhìn thấy tiềm năng của một thị trường lớn”, chuyên gia thương hiệu nhận xét.
Một trong những thuận lợi của chuỗi cà phê Việt Nam là người Mỹ không đặc biệt quá kén chọn, cầu kỳ như dân châu Âu hay Nhật Bản. “Họ chỉ cần caffeine để tỉnh táo làm việc”, ông nói.
Thuận lợi khác là cà phê Việt Nam nổi tiếng và ẩm thực Việt Nam cũng có tiếng ngon và bổ dưỡng so với các loại fast food khác đang hiện diện trên thị trường Mỹ. “Nếu thực đơn của chuỗi Việt Nam có kèm bánh mỳ hay phở sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh với các chuỗi đối thủ và thu hút khách”, ông Quang nhấn mạnh.
Điều chỉnh và đáp ứng nhu cầu của khách (customised) với một tô phở là chuyện quá khó đối với một chuỗi cà phê Việt Nam bởi ngay tại Việt Nam, chưa bao giờ có chuyện tiệm cà phê bán phở. Và nếu ngay cả “customised” được nữa thì các chuỗi Việt Nam khó lòng cạnh tranh với các tiệm phở Việt do Việt kiều làm chủ có mặt tại hầu hết các bang trên đất Mỹ.
Nhưng “customised” sandwich kiểu Việt Nam lại không quá khó. Nhưng với bánh mỳ thì các chuỗi Việt Nam lại đối đầu với các chuỗi lớn trên thị trường Mỹ. Đơn cử là Subway đã bán bánh mỳ Việt Nam từ hai năm qua. Tức là ổ bánh mỳ Việt bán tại quán cà phê franchise ở Mỹ phải ngon và có sức hút với khách so với một tiệm Subway. Và cũng không thể quên sức cạnh tranh của nhiều ngàn tiệm và lò bánh mỳ do đồng hương người Việt làm chủ ở Mỹ.
Như vậy, cạnh tranh trên thị trường Mỹ cũng gay go và căng thẳng không kém thị trường trong nước, nếu không nói là khắc nghiệt hơn bởi các chuỗi Việt Nam còn đối diện với tuân thủ pháp luật, các nhóm bảo vệ môi trường và cả ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại đây.
“Highlands Coffee từng đau đầu về chuyện người tiêu dùng trong nước phản đổi việc dùng các vật dụng bằng nhựa sử dụng chỉ một lần. Các chuỗi khác ở Việt Nam cũng gặp vấn đề tương tự. Ở một nước có các tiêu chuẩn môi trường và ý thức thân thiện môi trường cao hơn, các chuỗi của Việt Nam sẽ phải gặp sức ép nhiều hơn”, một chuyên gia tiếp thị tại TP.HCM nói.
Nhưng tiềm năng của thị trường nước ngoài luôn kích thích máu mạo hiểm của các doanh nghiệp Việt.
“Mở cửa tiệm đầu tiên ở thị trường Mỹ là bước phát triển lớn của TNI King Coffee trên thị trường toàn cầu”, người sáng lập kiêm CEO Lê Hoàng Diệp Thảo phát biểu. Vị CEO này cũng đã từng tuyên bố có 1.000 tiệm ở Hàn Quốc, nhưng đã không nói rõ thời gian cụ thể cho lịch trình phát triển này.
Cho dù 100 hay 1.000, khả năng phát triển quá nhanh chưa chắc là dấu hiệu của thành công về mặt tài chính. Lấy ví dụ Highlands Coffee. Chuỗi này hiện đứng đầu các chuỗi cà phê tại Việt Nam với 437 cửa hàng. Nhưng trong 10 năm qua, Highlands chỉ phát triển được 39 tiệm franchise tại Philippines dù đứng đầu sau công ty sở hữu chuỗi Viet Thai International là gã khổng lồ Jollibee của Philippines.
Nhưng cũng có khi một chuỗi Việt Nam đủ sức mạnh thâu tóm một chuỗi nước ngoài thì sao, dù rằng chỉ là cổ đông nhỏ hơn?
Tập đoàn Jollibee từng cùng với Viet Thai International góp 100 triệu USD (tỷ lệ 80 – 20) trong thương vụ mua lại chuỗi Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ hồi tháng 7-2019. Sau đó, Jollibee phải chi thêm 250 triệu USD để thanh toán các khoản nợ của Coffee Bean & Tea Leaf.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,25 – 56,85 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá hai đầu là 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.764,1 USD/ounce, giảm 17,3 USD, tương đương 0,97% so với chốt phiên trước. Được biết, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao đã gây sức ép lớn lên giá vàng và diễn biến của đồng USD cũng tạo ra nhiều áp lực.
2/ Trong buổi làm việc với đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, tập đoàn giải pháp công nghệ của Bỉ John Cockerill đã bày tỏ mong muốn được chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất than hoạt tính từ gáo, xơ dừa. Theo tập đoàn cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế trong năng lượng tái tạo, sản xuất nhiệt sinh khối từ rác thải công nghiệp. Được biết, Miền Trung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cây dừa phát triển mạnh. Theo ước tính, mỗi năm, Việt Nam thu hoạch từ 1,3-1,4 tỷ trái dừa. Tuy nhiên, do chưa có công nghệ xử lý bài bản nên các phụ phẩm từ dừa gây ô nhiễm môi trường và đang là vấn đề lớn. Gáo dừa và xơ dừa sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất than hoạt tính xuất khẩu. Do đó, John Cockerill muốn chuyển giao công nghệ tiên tiến cho Việt Nam để xử lý rác dừa cũng như các loại rơm rạ sau thu hoạch thành nhiên liệu sinh khối, từ đó chuyển thành khí sinh học và nhiên liệu sinh học.
3/ Ngày 30/6, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã phê duyệt hai chương trình chính sách phát triển (DPO) với tổng giá trị 321,5 triệu USD, qua đó khẳng định cam kết hỗ trợ các nỗ lực phục hồi của Việt Nam. Theo đó, hai chương trình này được xây dựng nhằm hỗ trợ chính quyền trung ương và TP.HCM trong nỗ lực tăng cường quản trị đô thị, cũng như thúc đẩy phục hồi toàn diện dựa trên chuyển đổi số và bền vững. Theo World Bank, khoản tín dụng đầu tiên trị giá 221,5 triệu USD tập trung vào hỗ trợ các hành động chính sách giúp phục hồi toàn diện hơn, từ chính phủ điện tử và năng lượng tái tạo cho tới hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ và thanh toán di động. Chương trình thứ hai của World Bank sử dụng khoản vay 100 triệu USD, trong đó hỗ trợ TP.HCM thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu không gian tích hợp và minh bạch cho quản lý đô thị.
4/ Infographic: GDP 6 tháng đầu năm 2021
Việc nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng 5,64% trong 6 tháng là mức khá so với các nước trong khu vực và thế giới, với việc kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
5/ Ví điện tử MoMo cho biết đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique (tên trước đây là NextSmarty), chuyên cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Sau khi thương vụ hoàn tất, MoMo đã tiếp nhận toàn bộ tài sản sở hữu trí tuệ của Pique và đội ngũ công nghệ. Đặc biệt, ông Trịnh Xuân Tuân (nhà sáng lập Pique) đã gia nhập MoMo. Thương vụ này sẽ giúp MoMo tiếp tục đổi mới sáng tạo, hướng đến tối ưu hóa trải nghiệm của 25 triệu người dùng, hỗ trợ hàng chục ngàn đối tác, đặc biệt là giúp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. MoMo hiện đang nhắm đến phát triển Siêu ứng dụng (Super App) dựa trên nền tảng công nghệ AI vững mạnh mà đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt xây dựng và sáng tạo.
6/ Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch tung ra đợt cứu trợ đại dịch mới, với 80% hộ gia đình sẽ được phát tiền mặt. Theo đó, các quan chức chính phủ đang đề xuất chi 33.000 tỷ won (29,2 tỷ USD) từ nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ cho các hộ gia đình. Ngoài ra, một phần gói ngân sách cũng sẽ dùng để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn vì đại dịch. Theo kế hoạch, toàn bộ người dân Hàn Quốc sẽ được hỗ trợ. Cụ thể, 20% dân số thu nhập cao nhất được hoàn tiền khi chi tiêu thẻ tín dụng. Trong khi đó, 80% dân số còn lại sẽ được phát tiền mặt. Nếu được thông qua, thì đây sẽ là khoản ngân sách bổ sung thứ sáu của Hàn Quốc kể từ khi đại dịch xảy ra, và là gói có quy mô lớn thứ hai trong số đó.
7/ Theo Wall Street Journal, chỉ số giá nhà Mỹ S&P CoreLogic Case-Shiller, đo lường giá nhà trung bình tại các đô thị lớn trên toàn quốc, đã tăng từ 13,3% trong tháng 3 lên 14,6% vào tháng 4. Tháng 4 ghi nhận tốc độ tăng giá nhanh nhất kể từ khi chỉ số này được công bố vào năm 1987. Giá nhà Mỹ hiện đang tăng chóng mặt trong năm nay do lãi suất cho vay thế chấp cực thấp và nguồn cung khan hiếm. Nhiều căn nhà được tranh mua, giá bán ra vượt xa mức chào ban đầu. Giá nhà tăng mạnh ở cả các thành phố lớn, vùng ngoại ô và thị trấn nhỏ tại Mỹ. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ, giá nhà trung bình trong tháng 5 tăng gần 24% so với một năm trước, lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 350.000 USD/căn. Doanh số bán nhà tại Mỹ giảm trong những tháng gần đây do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Giá tăng cao được coi là rào cản lớn với người mua.
8/ Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá rằng cùng với việc tiếp tục trở lại bình thường của các hoạt động kinh tế, phạm vi phục hồi của Trung Quốc đã mở rộng. Tăng trưởng kinh tế nước này dự kiến đạt 8,5% trong năm nay và 5,4% vào năm 2022. Được biết, WB đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 8,1% lên 8,5% trong năm nay, đồng thời chỉ ra rằng Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng để thúc đẩy kinh tế phục hồi hoàn toàn. WB cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên, thị trường lao động đang được cải thiện, điều này sẽ hỗ trợ Bắc Kinh chuyển hướng từ đầu tư công và xuất khẩu sang tiêu dùng tư nhân trong nước. Về phía cung, dự báo động lực tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chuyển dần từ sản xuất công nghiệp sang ngành dịch vụ.
9/ Vừa qua, hãng hàng không của Mỹ United Airlines đã công bố đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử của hãng trong nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh sau khoảng thời gian khó khăn vì dịch Covid-19. Theo đó, United Airlines dự kiến sẽ mua 270 máy bay mới, bao gồm 200 máy bay Boeing và 70 máy bay Airbus, với tổng giá trị lên tới 35,4 tỷ USD, tính theo giá niêm yết. Đáng chú ý, trong đơn đặt hàng của United Airlines có 150 chiếc 737 MAX 10 phiên bản mới của Boeing, vốn đang được thử nghiệm trong một quy trình được các cơ quan quản lý an toàn hàng không Mỹ giám sát chặt chẽ. Các lãnh đạo của của United Airlines mô tả đơn đặt hàng này có ý nghĩa bước ngoặt, là biểu tượng cho triển vọng du lịch được cải thiện nhờ vắc xin ngừa Covid-19.
10/ Nếu dự đoán xe điện sẽ sớm chiếm lĩnh đường phố là chính xác thì ngành này sẽ phải vượt qua một trở ngại lớn đang khiến nhiều người không mấy “mặn mà” với loại xe này là lo ngại hết điện khi đang di chuyển. Theo đó, hiện nay các mẫu xe điện có thể phải mất khoảng 8 tiếng để sạc đầy một chiếc vì phần lớn các trạm sạc hiện nay đều dùng dòng điện xoay chiều như ở các hộ gia đình. Các trạm sạc nhanh dùng điện một chiều có thể sạc nhanh hơn nhiều, nhưng chi phí xây dựng có thể tăng thêm hàng chục ngàn USD. Vì vậy, các nhà sản xuất hiện đang tìm cách giải quyết những lo ngại này bằng cách phát triển các loại xe điện có thể chạy được dài hơn sau mỗi lần sạc và sạc nhanh hơn. Được biết, phần lớn các trạm sạc nhanh cũng chỉ có thể truyền tải khoảng 50 kW/giờ, tức mất khoảng một tiếng để sạc một chiếc EV trung bình lên mức 80% dung lượng pin, dù nhiều loại xe điện mới hiện này có khả năng tiếp nhận điện nhanh hơn nhiều.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này