09:05 - 05/01/2021
Châu Á tăng trưởng nhưng cần cải thiện năng suất lao động
Tăng trưởng của châu Á dự báo trong năm 2021 sẽ đạt 4%. Tuy nhiên, khu vực này cần cải thiện năng suất lao động – theo nhà kinh tế Patrick Artus thuộc ngân hàng Natixis của Pháp.
Giới quan sát dự báo năm 2021, châu Á sẽ là đầu tàu kinh tế thế giới nhờ việc nhiều nước châu Á đã phần nào kiểm soát được dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và bắt đầu khởi động lại nền sản xuất, trong khi nền kinh tế Mỹ và nhiều nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Sự năng động của châu Á được thể hiện rõ qua việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa Trung Quốc và 14 nước châu Á-Thái Bình Dương được ký kết tháng 11/2020. Việc ký kết RCEP cho thấy có sự thay đổi về chiến lược kinh tế của toàn khu vực. Các nước châu Á – Thái Bình Dương hiểu rằng việc tạo ra một thị trường lớn trong lòng khu vực là một giải pháp hiệu quả cho phát triển kinh tế.
RCEP chiếm tới 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 28% thương mại thế giới và có liên quan đến 2,2 tỷ dân. Sự phát triển trong tương lai của khu vực không còn lệ thuộc nhiều vào việc phải tìm kiếm các thị trường Mỹ và châu Âu, mà là tạo ra một thị trường lớn trong lòng châu Á. Nhu cầu nội địa sẽ là động cơ thúc đẩy phát triển khu vực.
Mặt khác, dân số đông và mức sống đa dạng tuy là hạn chế nhưng cũng mang lại lợi thế lớn cho khu vực. Đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia, RCEP tạo nhiều thuận lợi cho việc tìm kiếm những nước mới có chi phí nhân công thấp.
Một ưu điểm khác của châu Á là khu vực này chi cho nghiên cứu và phát triển cao hơn cả Mỹ, nên từ góc độ này, châu Á có thể có được lợi thế công nghệ mà châu Âu và cả Mỹ cũng trông chừng.
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 55,90- 56,45 triệu đồng/lượng, tăng tới 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu 550.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1919,6 USD/ounce, tăng 21,6 USD, tương đương 1,14% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, trong năm 2021, các động lực chính đằng sau đà tăng giá của vàng sẽ bao gồm các gói kích thích tài khóa, chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng USD suy yếu, lo ngại lạm phát và phá giá tiền tệ.
2/ Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã cho biết Việt Nam hiện đang đàm phán mua vắc xin Covid-19 với 4 nước: Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trong đó, đàm phán với Anh là khả thi nhất. Với Anh, Việt Nam đàm phán mua vắc xin AstraZeneca; với Mỹ, Việt Nam đàm phán mua Pfizer; với Nga đàm phán mua vắc xin Sputnik V. Trong khi đó, thông tin về vắc xin của Trung Quốc không được đề cập. Nói về giá, ông Cường nói chênh lệch không nhiều giữa các đối tác đàm phán. Việc mua vắc xin còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng… Ngoài vắc xin thương mại, trên thế giới còn có Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), mua vắc xin của một số công ty, để cung cấp cho 90 nước trong đó có Việt Nam. Bộ Y tế cũng đang đàm phán để mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca (Anh) để đảm bảo tiêm cho 15 triệu dân, mỗi người tiêm hai liều.
3/ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 1/1/2021, theo quy định của Thông tư số 09/2020/TT-BCT, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương). Đặc biệt, các quy định này được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
4/ Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2021. Trong khi đó, mức này được hạ xuống 6,5% trong dự báo của các chuyên gia nghiên cứu vĩ mô của Công ty chứng khoán SSI.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, ông Jacques Morisset hồi cuối tháng 12/2021 cho biết, trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.
5/ Theo Hiệp hội những người chăn nuôi heo Thái Lan, sản lượng heo Thái Lan năm 2021 dự báo tăng 10% so với mức 22 triệu con heo trong năm 2020; quy mô đàn heo nái dự báo tăng 10% từ mức khoảng 1 triệu con trong năm 2020. Niềm tin về triển vọng xuất khẩu của các nhà chăn nuôi heo, tình hình kinh tế và khả năng ngăn ngừa dịch bệnh là các động lực thúc đẩy mở rộng sản xuất heo ở Thái Lan. Dự báo năm 2021, Thái Lan sẽ xuất khẩu khoảng 2,4 triệu heo sống sang Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar, tăng 20% so với năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt heo chế biến của Thái Lan trong năm 2021 sang thị trường Hong Kong, Nhật Bản và Ma Cao có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng lên từ các nhà cung cấp của Hoa Kỳ và châu Âu.
6/ Thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và Mauritius, thỏa thuận đầu tiên của Bắc Kinh với một quốc gia châu Phi, đã có hiệu lực vào 1/1/2021, mở ra một thị trường với 1,4 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc cho đảo quốc nhỏ bé ở Ấn Độ Dương. Theo thỏa thuận này, trong vòng bảy năm, 96% trong số hơn 8.500 sản phẩm mà Mauritius bán cho Trung Quốc sẽ được miễn thuế, với 88% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, số còn lại sẽ được xóa bỏ trong khoảng thời gian từ 5-7 năm. Các mặt hàng xuất khẩu bao gồm rượu rum, cá đông lạnh, mì và mì ống, bánh xốp và bánh quy, trái cây tươi, nước trái cây, nước khoáng, vải lanh, quần áo, đồng hồ và đồ da. Bên cạnh hiệp định này, Trung Quốc cũng đã đồng ý cấp cho Mauritius một hạn ngạch thuế quan đối với 50.000 tấn đường, sẽ được thực hiện trong thời hạn 8 năm. Hai nước cũng nhất trí xóa bỏ các hạn chế đối với hơn 100 lĩnh vực dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ chuyên môn, dịch vụ xây dựng và y tế.
7/ Tổng sản phẩm quốc nội của Singapore đã giảm 5,8% trong năm 2020 so với mức tăng trưởng 0,7% vào năm trước. Đây là kết quả tồi tệ nhất kể từ khi nước này độc lập vào năm 1965. Theo Báo cáo từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, trong quý cuối cùng của năm 2020, GDP nước này chỉ giảm 3,8% được coi là sự tạo tiền đề cho năm mới 2021. Tuy nhiên, việc giảm tới 5,8% trong năm nay vẫn là con số tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, cao hơn cả khủng hoảng tài chính châu Á với mức sụt giảm GDP 2,2% vào năm 1998. Là một quốc gia nhỏ phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, Singapore đã bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. GDP của nước này giảm 0,2% trong quý đầu tiên tiếp đó là mức kỷ lục 13,4% vào quý 2 và 5,6% vào quý 3.
8/ Kết thúc năm 2020, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ của Israel đạt doanh thu hơn 10,6 tỷ USD, tăng 27,7% so với mức 8,3 tỷ USD trong năm 2019. Tại Israel, riêng trong tháng 12/2020, các startup công nghệ đã đạt doanh thu hơn 900 triệu USD. Đứng đầu về doanh thu trong tháng 12 với doanh thu 138 triệu USD là nền tảng hội thảo và tổ chức sự kiện trực tuyến Bizaboo, được trang Globes bình chọn là startup của năm 2020. Trong khi đó, hãng cung cấp dịch vụ bảo mật điện toán đám mây Wiz đạt doanh số 100 triệu USD, hãng bảo mật dữ liệu BigID và hãng phần mềm quản lý Hibob cùng đạt 70 triệu USD, hãng thanh toán thông minh Trigo đạt 60 triệu USD, hãng an ninh mạng Orca đạt 55 triệu USD… Từ năm 2017 đến nay, lĩnh vực startup công nghệ của Israel đã liên tục tăng trưởng ấn tượng với hai con số.
9/ Bitcoin đã lần đầu tiên tăng vượt mức 34.000 USD, chỉ vài tuần sau khi phá mốc quan trọng 20.000 USD. Theo Bloomberg, giá trị của đồng tiền này đã tăng 7,8% trong phiên giao dịch ngày 3/1, lên mức 34.182,75 USD, trước khi giảm xuống trở lại mức 33.970 USD vào lúc 15h (giờ Singapore). Năm ngoái, giá trị đồng tiền ảo này tăng hơn 300%, riêng tháng 12 đã là 50%. Theo các chuyên gia, Bitcoin tăng giá mạnh do ngày càng được coi là vàng số, thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức, như các quỹ Skybridge Capital, MassMutual và Guggenheim. Không như lần tăng giá vào năm 2017, các nhà phân tích cho rằng “bong bóng” giá Bitcoin sẽ không sớm vỡ. Giám đốc điều hành công ty đầu tư Galaxy Digital, Mike Novogratz, sự phục hồi lần này chỉ mới bắt đầu. Ông dự báo đồng Bitcoin sẽ tăng lên 60.000 USD trong năm nay.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này