10:25 - 07/10/2021
Châu Á nhanh chóng đặt mua thuốc viên điều trị Covid Molnupiravir
Singapore là quốc gia mới nhất nhanh chóng đặt mua thuốc viên Molnupiravir của hãng dược Merck Sharp & Dohme (MSD) – hãng con phụ trách thị trường bên ngoài Mỹ và Canada của Merck.
Loại thuốc viên điều trị Covid-19 này sẽ được phân phối cho Singapore ngay sau khi cơ quan quản lý dược Mỹ và Singapore chuẩn thuận sử dụng khẩn cấp. MSD không tiết lộ số lượng liệu trình và giá trị của hợp đồng.
Pang Lai Li, Giám đốc phụ trách thị trường Singapore và Malaysia của MSD, nói rằng thỏa thuận cung cấp thuốc Molnupiravir là một ví dụ nữa cho thấy chiến lược hướng đến phía trước của Singapore trong nỗ lực quản lý đại dịch.
Bình luận về thuốc Molnupiravir, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam ở phòng khám Rophi thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore), nói: “Thuốc là sự hỗ trợ hữu ích cho tỷ lệ bao phủ vaccine đang ở mức cao của Singapore. Điều quan trọng là chúng tôi có thể cung cấp cho các bác sĩ tuyến đầu loại thuốc uống có thể tạo ra sự khác biệt ngay ở thời điểm chẩn đoán nhiễm Covid-19. Điều này có thể giúp chuyển việc điều trị bệnh nhân Covid-19 từ các bệnh từ viện sang các phòng khám đa khoa vì Singapore đang hướng tới việc sống chung với Covid-19”.
Các nhà nghiên cứu ở Singapore đã tiến hành cuộc nghiên cứu riêng cho thấy thuốc Molnupiravir có thể sử dụng để ngăn ngừa hiệu quả virus corona, các biến thể Beta, Delta.
Một nhóm nhiên cứu dưới sự điều hành của giáo sự Dean Ho, Giám đốc Viện Y học số hóa thuộc Đại học quốc gia Singapore và Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Singapore, DSO National Laboratories, phát hiện rằng khi thuốc Molnupiravir uống kết hợp với thuốc kháng viêm Baricitinib là liệu pháp điều trị hiệu quả Covid-19.
Singapore đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm lớn nhất trong đại dịch Covid-19 với số ca nhiễm lên mức kỷ lục 3.486 ca vào ngày 5-10 dù tỷ lệ dân số tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine đã vượt 80%.
Các nước châu Á khác cũng đang gấp rút tiến hành đặt mua thuốc Molnupiravir sau những chậm trễ và sai lầm trong việc đặt mua vaccine ngừa Covid-19, dù rằng Merck mới nộp dữ liệu lâm sàng giai đoạn 3 đầu tuần rồi.
Phê duyệt sử dụng khẩn cấp (EUA) cho phép Mỹ tiến hành điều trị tạm thời bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng các loại thuộc mà Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) chưa thông qua trong các tình huống phản ứng nhanh với đại dịch, khủng bố sinh học và các tình trạng khẩn cấp với sức khỏe cộng đồng. Quá trình này chỉ ba tuần trong khi FDA thường mất 6-12 tháng để rà sát các quy trình và chuẩn thuận. Và nhà chức trách cũng có thể hủy EUA nếu thuốc gây lo ngại về an toàn và hiệu quả.
Từ giờ đến cuối năm, Merck có thể sản xuất 10 triệu liệu trình Molnupiravir, trong đó Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liều với giá 1,2 tỷ USD, tương đương 705 USD mỗi liệu trình. Úc đã ký thỏa thuận với MSD để mua 300.000 liệu trình Molnupiravir. Úc có thể nhận thuốc Molnupiravir vào đầu năm tới nếu như thuốc này được cơ quan quản lý dược phẩm của Úc cấp phép sử dụng.
Các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia và Philippines cũng đã thảo luận đặt hàng.
Nếu căn cứ vào giá thuốc mà Merck bán cho Mỹ, giá Molnupiravir vẫn khá cao. Trong khi đó, sáng kiến chăm sóc y tế toàn cầu Unitaid đang gia tăng nỗ lực để đưa loại thuốc viên Molnuparavir đến các nước đang phát triển đang chật vật đối phó với Covid-19. Unitaid và các đối tác hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận mới để có được những viên kháng virus đầu tiên dành cho các nước đang phát triển, CEO Philippe Duneton nói với Bloomberg. Ông cũng cho biết Unitaid đã thảo luận với Merck và các công ty sản xuất thuốc từ biệt dược gốc.
Merck nói sẽ thi hành cách tiếp cận linh hoạt về giá dựa trên các quy chuẩn về thu nhập quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB). Các con số này sẽ phản ánh năng lực tài chính của các nước trong việc chi trả cho chữa trị Covid. Tức là các nước giàu như Mỹ phải trả giá sỉ 705 đô la mỗi liệu trình chẳng hạn, nhưng các nước có thu nhập thấp hơn sẽ có thuốc Molnuparavir giá rẻ hơn.
Tại Việt Nam, thuốc kháng virus Molnupiravir là loại thuốc sử dụng cho F0 điều trị tại nhà trong một chương trình thí điểm dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế từ cuối tháng 8/2021. F0 được điều trị bằng thuốc Molnupiravir là người có triệu chứng nhẹ (sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi), nhịp thở dưới 20 lần một phút, SpO2 trên 96% khi thở khí trời, từ 18-65 tuổi, không có dấu hiệu viêm phổi hay thiếu oxy.
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,7 – 57,4 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn đang ở mức 700.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.756,9 USD/ounce, giảm tới 13 USD, tương đương 0,73% so với chốt phiên trước. Hiện sự chú ý của nhà các nhà đầu tư kim loại quý đang tập trung về dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này.
2/ Infographic: Xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021
3/ Theo Tổng cục hải quan, xuất khẩu nhân điều trong nửa đầu tháng 9/2021 đạt 22.073 tấn, trị giá 149,921 triệu USD, so với nửa đầu tháng 9/2020 giảm gần 8% về lượng nhưng tăng 4,58% về giá trị. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu điều thô trong nửa đầu tháng 9/2021 đạt 107.760 tấn, trị giá 139.801.556 USD, so với nửa đầu tháng 9/2020 tăng hơn 1,5 lần về khối lượng và tăng 1,96 lần về giá trị. Trong 31 năm hoạt động, lần đầu tiên ngành điều đạt con số nhập siêu hơn 1 tỷ USD, chủ yếu nhập từ Campuchia. Được biết, khối lượng điều thô Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia đã vượt xa con số của năm 2020 và đạt 1.090.548 tấn, trị giá 1,829 tỷ USD.
4/ Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, ba tháng cuối năm sẽ là “cực kỳ khó khăn” khi mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD khó hoàn thành vì thiếu lao động, chuỗi cung ứng vẫn đứt gãy. Theo đó, khác với nửa đầu năm nay tăng trưởng dương, dệt may đối mặt khó khăn từ tháng 7 khi diễn biến dịch phức tạp và giãn cách kéo dài tại các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có TP HCM. Doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đã cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh” nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10-30% số lao động đi làm, chi phí phát sinh lớn. Đáng chú ý, khoản thời gian tháng 8 và 9 là thời điểm ghi nhận xuất khẩu giảm sâu của ngành dệt may.
5/ Sky Mavis, nhà phát hành tựa game Axie Infinity, công bố đã gọi vốn thành công 152 triệu USD ở vòng Serie B với sự tham gia của quỹ đầu tư Andreessen Horowitz (a16z Crypto). Theo The Information, sau vòng gọi vốn thứ hai, định giá công ty Sky Mavis đã được nâng lên mức 3 tỷ USD. Tech in Asia cho biết công ty này có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng quy mô dự án Axie Infinity, tuyển thêm nhân sự nhằm phát triển lĩnh vực game NFT và xây dựng nền tảng giao dịch riêng. Sky Mavis cũng chia sẻ rằng họ muốn đẩy nhanh tiến độ phát triển sản phẩm của mình. Hiện Axie Infinity có tổng cộng 2 triệu người chơi hoạt động hàng ngày. Lượng doanh thu đến từ việc giao dịch, mua bán các nhân vật trong game lên tới con số 2,2 tỷ USD.
6/ Theo WSJ, thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 8 đã tăng lên mức cao kỷ lục khi mà người tiêu dùng Mỹ tiếp tục quan tâm đến hàng hóa nhập khẩu ví như các sản phẩm dược phẩm, đồ chơi và quần áo. Theo đó, thâm hụt thương mại hàng hóa dịch vụ của quốc gia này trong tháng 8 đã tăng lên mức 73,3 tỷ USD từ mức 70,3 tỷ USD của tháng 7 khi mà biến chủng delta lây lan mạnh, ngoài ra, nhiều yếu tố liên quan đến nguồn cung gây ra nhiều sức ép lên thương mại toàn cầu. Được biết, nhập khẩu hàng hóa Mỹ tháng 8 đã tăng 1,4% lên 287 tỷ USD đồng thời là một mức kỷ lục, nó phản ánh cho việc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịch vụ của Mỹ tăng lên, ngoài ra nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng nhập mạnh các sản phẩm hàng hóa công nghiệp.
7/ Tạp chí Forbes đã chính thức đăng tải danh sách Forbes 400, tức danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ. Theo đó, lần đầu tiên sau 25 năm, cựu Tổng thống Donald Trump đã không nằm trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ. Được biết, tài sản của ông Trump đã giảm xuống còn 2,5 tỷ USD, tức là thiếu 400 triệu USD so với mức giới hạn cần thiết để lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes. Forbes cho biết tài sản của ông Trump lẽ ra có thể lên mức 7 tỷ USD vào tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, các quyết định tài chính đã khiến tài sản của ông Trump không đạt được con số này, tiêu biểu là việc tiêu tốn 2 tỷ USD tài sản khi nhậm chức vào năm 2017. Mặc dù tiền điện tử, cổ phiếu tăng trong thời kỳ đại dịch, nhưng phần lớn tài sản của cựu Tổng thống lại đến từ các tài sản bất động sản ở thành phố lớn của Mỹ.
8/ Sau 6 năm kể từ khi hệ điều hành Windows 10 được sử dụng, Microsoft đã chính thức ra mắt sản phẩm kế nhiệm mang tên Windows 11 với nhiều trải nghiệm hoàn toàn mới, cho phép nâng cấp miễn phí với những máy đủ điều kiện. Theo đó, mới đây, Microsoft chính thức công bố Windows 11 đã có thể đến tay người dùng thông qua bản nâng cấp miễn phí trên các máy tính chạy Windows 10 đủ điều kiện và máy tính mới đã cài sẵn Windows 11. Đáng chú ý, theo công bố, các thiết bị mới được cài sẵn Windows 11 cũng bắt đầu được ra mắt người dùng thông qua các đối tác của Microsoft trên thị trường Việt Nam là Asus, HP, Lenovo, Acer, Dell, Samsung, LG, Huawei, và MSI. Theo Microsoft, Windows 11 là thiết kế dành cho các game thủ với các tính năng tiên tiến có thể đưa trải nghiệm chơi game trên máy tính của người dùng lên một tầm cao mới.
9/ Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, các hãng bay toàn cầu sẽ thua lỗ 201 tỷ USD trong giai đoạn 2020 – 2022 do việc hạn chế đi lại vẫn chưa được nới lỏng. Theo đó, khoản lỗ này thổi bay thành quả 9 năm của toàn ngành. IATA dự đoán thiệt hại trong năm nay của các hãng sẽ gần 52 tỷ USD, tệ hơn mức 48 tỷ USD được đưa ra hồi tháng 4. Khoản lỗ năm ngoái đã được điều chỉnh từ 126 tỷ USD lên khoảng 138 tỷ USD. Ngoài ra, các hãng được dự đoán sẽ lỗ thêm 11,6 tỷ USD vào năm sau. Tuy nhiên, máy bay chở hàng vẫn tiếp tục là điểm sáng, với nhu cầu năm nay dự kiến sẽ cao hơn 8% so với mức năm 2019, tăng lên hơn 13% vào năm 2022 trong bối cảnh lượng hàng tăng vọt khi các nhà cung cấp hoạt động trở lại và người tiêu dùng đẩy mạnh mua hàng trực tuyến.
10/ Theo CNet, sự cố Facebook bị sập trên toàn cầu vừa qua đã ảnh hưởng tới gần 3 tỷ người dùng. Trong lúc chờ đợi Facebook giải quyết các vấn đề của họ, thì một lượng lớn người dùng đã tìm đến các giải pháp thay thế khác. Theo đó, Telegram cho biết nền tảng này đã có thêm 70 triệu người dùng sau khi sự cố của Facebook diễn ra. Thậm chí, CEO của Telegram đã nói rằng đây là sự gia tăng kỷ lục về số lượng người dùng đăng ký và hoạt động trên dịch vụ của họ. Được phát hành vào năm 2013, Telegram hiện có khoảng 500 triệu người dùng hàng tháng. Tại Việt Nam, ứng dụng này ngày càng được nhiều người tin dùng bởi nó sở hữu hàng loạt điểm mạnh như dễ sử dụng, tốc độ nhắn tin nhanh, miễn phí và đặc biệt là cơ chế mã hóa đầu cuối riêng biệt, giúp tăng tính bảo mật cho nội dung cuộc hội thoại.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này