09:44 - 28/06/2022
Lữ hành trực tuyến nội: thua ngay trên sân nhà
Các thương hiệu lữ hành trực tuyến (OTA) nước ngoài đang lấn lướt các doanh nghiệp nội địa ngay trên thị trường lữ hành trong nước và ngoài nước.
Shark Louis Nguyễn – Chủ tịch HĐQT và TGĐ Cty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) – đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup Việt trong lĩnh vực OTA. Vài tháng sau đợt giãn cách kéo dài trong năm 2021, các điểm du lịch đã tràn ngập du khách Việt. Từ 15/3, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam đã khởi sắc dù rằng không thể đông như lúc trước Covid. “Cá mập” này đã nhận ra những tín hiệu tiềm năng cho thời gian tới.
OTA nội thất thế
Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ hôm 15/3, hiện khách nước ngoài cũng đông hơn. Dịch vụ lữ hành đã có thể mỉm cười trước doanh thu năm tháng đầu năm tăng 34,7% so cùng kỳ năm ngoái.
Shark Louis nói cuộc tìm kiếm các OTA trong nước để đầu tư vẫn chưa có hồi kết bởi “một công ty tạo ra doanh thu cao lúc này rất hiếm hoi”. Ông cho rằng các OTA ngoại đang chiếm ưu thế. Khách luôn quan tâm rằng các khiếu nại của họ có được quan tâm giải quyết hay không. Nếu hủy booking thì các OTA nước ngoài chắc chắn sẽ hoàn trả tiền. Vì vậy, OTA ngoại có thương hiệu lâu năm được khách trong nước ưu ái.
Thị trường vừa mở cửa và hồi phục đã chứng kiến ngay màn cạnh tranh mạnh mẽ giữa hai bên. Các OTA ngoại đang nằm ở chiếu trên với 80% miếng bánh thị phần lữ hành trực tuyến thuộc về tay Agoda.com, Booking.com, Traveloka và Expedia – theo Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM). Đó là phân khúc khách nội địa và nước ngoài tại thị trường nội địa. Đối với khách inbound, năm nền tảng chiếm phần lớn miếng bánh là Tubo, Expedia, Bookings.com, Agoda và Skyscanner – theo nghiên cứu của Mordor Intelligence. Nhờ các OTA ngoại mà hiệu quả kinh doanh lữ hành trực tuyến của Việt Nam lọt vào top 5 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng tiếc là không có công ty trong nước.
Nhiều OTA nội địa phàn nàn phải oằn mình chịu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp và 8% VAT còn OTA ngoại lại né được hai khoản thuế này. OTA nội than phiền nhờ chi phí thấp nên OTA ngoại có thể cạnh tranh bằng giá rẻ. Tuy nhiên, Chính phủ đang tiến hành quản lý thu thuế đối với hàng hóa, nền tảng dịch vụ xuyên biên giới, việc né thuế không còn là lợi thế của OTA ngoại nữa. Trên thực tế, OTA ngoại không hề ngủ đông trên lợi thế giá rẻ trong đại dịch.
Liên kết để cùng hưởng lợi
Nhiều nước đã mở cửa du lịch sớm hơn Việt Nam. Một số OTA quốc tế đã bắt nhịp với xu hướng mua trả góp (BNPL) để kích cầu người dân “du lịch trả thù” sau nhiều tháng bị giam hãm ở nhà – theo bà Conor Lynch, Giám đốc Giải pháp khách hàng của hãng thẻ thanh toán quốc tế Visa tại Asia Pacific. Trong lúc người dân thắt hầu bao, việc trả góp số tiền nhỏ mỗi tháng mà không làm ảnh hưởng đến chi tiêu sẽ kích thích du khách mở hầu bao hơn. Lần đầu tiên Visa ký trực tiếp với một OTA là Agoda thiết kế những chuyến du lịch trả góp 0% cho du khách châu Á mà không thông qua ngân hàng. Với liên kết này, Agoda tranh thủ được tệp khách hàng từ Visa và yên tâm về mức độ an toàn từ các khoản vay du lịch trả góp.
Traveloka cũng hợp tác cùng các nhà băng PT Bank Rakyat Indonesia Persero, PT Bank Negara Indonesia và Siam Commercial Bank để kích cầu trong đại dịch. Khi châu Á chìm trong những ngày giãn cách thì công ty đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi số cùng các địa phương trong khu vực để tìm ra thị trường mới.
Ở Malaysia, Traveloka liên kết cùng các tổ chức y tế để thực hiện các chương trình cách ly tại khách sạn đối tác và chương trình nghỉ dưỡng giảm giá dành cho nhân viên y tế. Ở Indonesia, công ty liên kết cùng Gojek và Grab để sắp xếp di chuyển cho khách đặt dịch vụ. Theo Bloomberg, sự linh hoạt trong đại dịch mang lại cho công ty số vốn lên tới 200 triệu USD từ các nhà đầu tư. Điều này giúp Traveloka được CB Insights định giá 3 tỷ USD. TP.HCM là địa phương đầu tiên tại Việt Nam thí điểm số hóa quy trình đặt dịch vụ khách sạn và dịch vụ vận chuyển dành cho người thuộc nhóm nguy cơ cao (F1). Traveloka đã nhanh nhạy liên kết cùng Sở Du lịch TP.HCM để thực hiện ứng dụng công nghệ đặt dịch vụ khách sạn và vận chuyển cách ly.
Khi du lịch mở cửa, Traveloka đã hợp tác với Sở Du lịch thành phố Hải Phòng để mở chiến dịch truyền thông số. Tại liên kết hợp tác này, Traveloka tạo mã QR để khách du lịch có thể quét và truy cập hướng dẫn du lịch, xem bản đồ, hoặc trải nghiệm các dịch vụ không chạm trên nền tảng. Các dịch vụ, tiện ích đều được tích hợp trên một nền tảng đã góp phần vào sự tăng trưởng của Traveloka ở thị trường Hải Phòng. Chưa kể liên kết với Sở Du lịch các địa phương, mạng lưới khách sạn cách ly đã thuộc về tay công ty.
Traveloka cũng được chính phủ Indonesia hỗ trợ trong các hoạt động trên thị trường Việt Nam. Tại một hội thảo về hồi phục kinh tế sau dịch tại TP.HCM năm ngoái, ông Agustaviano Sofjan – Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP.HCM – nói Indonesia sẽ tăng giá trị thương mại và đầu tư tại Việt Nam thông qua các hãng công nghệ, trong đó có Traveloka.
Trong khi OTA ngoại năng động tìm hướng đi mới, các công ty nội lại “lầm lũi” hay “tự kỷ”, thiếu hẳn những ý tưởng sáng tạo khi đối mặt với thách thức từ đại dịch. Dù được quỹ đầu tư trong và ngoài nước hậu thuẫn hơn hàng chục triệu USD, Luxstay vẫn báo lỗ liên tiếp từ 2018 đến nay. Nhưng vào đầu tháng 6 này, công ty phải đối mặt với sự cố “đóng băng” nền tảng, nhưng sau đó thông báo là “tạm đóng để định vị lại thương hiệu”. Chỉ còn IVIVU với hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng của tập đoàn mẹ Thiên Minh Group là “tươi rói” sau Covid. Nền tảng IVIVU này sở hữu 24 sản phẩm công nghệ và dùng 71 công nghệ khác nhau để tìm kiếm và thu hút khách hàng. Thiên Minh Group tuyên bố IVIVU đã nắm 7% thị phần mảng đặt phòng khách sạn trực tuyến sau hai năm ra đời. Tuy vậy, theo thống kê của Crunchbase, tăng trưởng người dùng của nền tảng này đã giảm hơn 18%.
“OTA ngoại có vốn mạnh hơn nên công nghệ của họ có thể làm chủ cuộc chơi. Họ cũng có đủ nguồn lực để tung chương trình ngay cả trong đại dịch, nên các công ty trong nước cần phải tìm được ra điểm khác biệt mới có thể giành được miếng bánh cho mình”, nhà đầu tư Louis Nguyễn nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng OTA nội phải tập trung vào nhu cầu của khách hàng nhiều hơn nữa để cạnh tranh với các đối thủ ngoại mạnh hơn, trường vốn hơn.
Nhà đầu tư này cũng cho rằng dù nguồn lực yếu hơn, cũng không có nghĩa là OTA Việt phải tự ti. Nhìn vào trường hợp Grab đã mua đứt thị trường từ Uber cũng là điều đáng để họ phải suy nghĩ.Số hóa không chỉ là công nghệ mà còn là chiến lược, nhưng startup muốn đạt được tầm cỡ này thì trước tiên phải có thị phần.
Để mở rộng hệ sinh thái và thị phần, shark Louis nói rằng thay vì đợi nhà nước hỗ trợ thì OTA nội có thể chủ động mở rộng trong hệ sinh thái du lịch. Các công ty quốc doanh như Vietravel, Vietnam Airlines hay Saigontourist… sẽ là các đối tác tiềm năng. Tuy nhiên, họ cần xác định ai sẽ là người đứng ra tập hợp các thành phần và giúp họ kết nối các nguồn lực này. Ông gợi mở nên đưa ra kế hoạch và trình các cơ quan hữu quan.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự đoán ngành hàng không Việt Nam sẽ đạt 70 – 80 triệu lượt khách trong năm nay, trong đó có 10 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng các số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy mức độ hồi phục nhanh hơn dự báo trong các tháng đầu 2022: lượng khách hàng không đạt 40,7 triệu, trong đó có 1,8 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước).
Huyền My (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này