08:51 - 29/06/2022
Đông Nam Á là thị trường màu mỡ cho các nhà khởi nghiệp ‘có gan làm giàu’
Trong khi thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu trở nên khó khăn vì bão hòa và đắt đỏ hơn, giới đầu tư mạo hiểm đang tích cực tìm kiếm các thị trường tăng trưởng mới.
Nhiều người đang để mắt đến Đông Nam Á bởi đây là thị trường đa dạng đầy tiềm năng, tập trung vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.
Trong vài năm qua, các ngành công nghiệp kỹ thuật số và công nghệ ở khu vực này đã có một sự bùng nổ lớn. Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures thì vào năm 2020, tổng định giá các công ty khởi nghiệp công nghệ của Đông Nam Á lên đến 340 tỷ USD và họ dự đoán vào năm 2025, con số này sẽ tăng gấp ba lần, tức là chạm ngưỡng trillion USD. Dưới đây là ba lý do giải thích vì sao Đông Nam Á là thị trường màu mỡ cho các nhà khởi nghiệp có gan làm giàu.
Ba lý do tạo động lực cho khởi nghiệp tại Đông Nam Á
Thứ nhất, dân số dùng internet ở Đông Nam Á ngày càng tăng mạnh. Các quốc gia Đông Nam Á có dân số khổng lồ – hơn 655 triệu người – và chiếm khoảng 8,5% dân số thế giới. Riêng Indonesia có dân số khoảng 273 triệu người, Philippines và Việt Nam xếp sau với lần lượt khoảng 109 triệu và 97 triệu người. Và những con số này đang tăng lên nhanh chóng vượt xa cả châu Mỹ và châu Âu. Theo McKinsey, dự kiến vào năm 2030, sẽ xuất hiện 163 triệu hộ gia đình trung lưu ở các nước Đông Nam Á.
Mỗi quốc gia ở một trình độ phát triển khác nhau, nhưng điểm chung của họ là có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các công nghệ mới và các mô hình kinh doanh đã được chứng minh. Tầng lớp trung lưu đang nổi lên nhanh chóng được phản ánh trong chất lượng tiêu dùng và tầng lớp này hiện nay đang định hình thị trường.
Bên cạnh sự gia tăng của nhóm người tiêu dùng trung lưu, sự tham gia của dân số vào môi trường kỹ thuật số cũng ngày càng tăng. Theo một nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co., chỉ trong năm 2020 đã có hơn 40 triệu người dùng mới tham gia internet. Và đáng chú ý hơn, 94% người dùng này cho biết họ có kế hoạch tiếp tục sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số một cách tích cực hơn nữa.
Chỉ một thập kỷ trước, bốn quốc gia Đông Nam Á bị cắt internet. Giờ đây, 90% người dùng internet trong khu vực kết nối thông qua điện thoại di động.Việc thị trường tại đây ưu tiên thiết bị di động có ý nghĩa gì?Người dùng internet đã bỏ qua nhiều làn sóng công nghệ, họ không cần tiếp xúc với PC, laptop mà tiến thẳng lên công nghệ dùng mạng qua thiết bị di động.Họ đang chuyên tâm sử dụng phần mềm nguồn mở cập nhật nhất. Do đó, chuyển đổi kỹ thuật số trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh đang diễn ra như vũ bão ở khu vực này.
Thứ hai, nền kinh tế của các nước Đông Nam Á đang phát triển vượt bậc. Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để các nhà khởi nghiệp tham gia và bắt đầu đón làn sóng tăng trưởng hiện tại. Nhiều thị trường vẫn đang phát triển và những người đột phá công nghệ có rất nhiều dư địa phát triển.
GDP của năm thành viên lớn nhất của ASEAN – Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam – sẽ tăng hơn 5% vào năm 2022. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Philippines gần đây đã được điều chỉnh từ 6,6% thành 7,1%, trong khi của Thái Lan được điều chỉnh từ 3,4% lên 3,7%.
Các quốc gia này đã có một bước nhảy vọt đáng kể về mức độ phát triển kinh tế cao trong hơn 30 năm qua, vượt xa các quốc gia phát triển hàng đầu về tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người. Ví dụ ở Việt Nam, GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương chưa tới 1.000 USD vào năm 1990, nhưng đã tăng lên gần 2.000 USD vào năm 2000 và đến năm 2020 là 8.651 USD. Theo dự đoán của Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, vốn đầu tư cho các startup trong khu vực sẽ vượt mốc 14 tỷ USD vào năm 2023.
Thứ ba, hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây đang phát triển nhảy vọt.Nền tảng vững chắc cho sự đổi mới đang tạo ra một sự thúc đẩy rất lớn cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp.Một yếu tố khác góp phần vào việc này là các biện pháp của chính phủ khuyến khích sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ mới. Chẳng hạn, Thái Lan cung cấp cho các công ty công nghệ một chương trình như vậy gọi là chương trình Thái Lan 4.0, gồm cả miễn thị thực và thuế.
Những tấm gương thành công nổi bật
Không có gì ngạc nhiên khi những gã khổng lồ công nghệ quốc tế đang chọn đặt văn phòng và thậm chí là trụ sở chính ở khu vực Đông Nam Á. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ trong các ví dụ nổi tiếng nhất thế giới về các trường hợp khởi nghiệp thành công trong khu vực này:
Anh cả về khởi nghiệp ở Đông Nam Á phải kể đến Grab, “kẻ khai tử Uber” ở Đông Nam Á. Ra mắt vào năm 2012 với nền tảng dịch vụ đặt chuyến đi, giao đồ ăn, đặt phòng khách sạn và các dịch vụ tài chính. Vào năm 2018, Grab đã hất Uber ra khỏi Đông Nam Á. Giờ đây, Grab trở thành kỳ lân công nghệ Đông Nam Á có giá trị nhất.
Một trường hợp khác là Gojek, một tập đoàn công nghệ thanh toán kỹ thuật số và nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu của Indonesia. Ra mắt vào năm 2010 dưới dạng trung tâm cuộc gọi, ứng dụng sau đó được phát triển để cung cấp bốn dịch vụ: GoRide, GoSend, GoShop và GoFood vào năm 2015. Vào tháng 5 năm 2021, Gojek hợp nhất với Tokopedia (một công ty thương mại điện tử) và tạo ra GoTo với giá trị hàng tỉ USD.
Và còn phải kể đến Shopee, một công ty công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Singapore.Nền tảng này bắt đầu như một thị trường kết nối người mua và người bán.Tính đến năm 2019, nền tảng này đã có 200 triệu lượt tải xuống.Tính đến năm 2021, nó được coi là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á, với 343 triệu người truy cập hàng tháng.
Ngoài những cái tên rất thành công và rất quen thuộc với người Việt Nam kể trên, còn có rất nhiều công ty khởi nghiệp khác đang nổi lên trong khu vực, thu hút đầu tư và đạt được thành công. Quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures báo cáo rằng họ đã thực hiện 393 khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2021, nhiều hơn 18 thương vụ so với kỷ lục trước đó ở khu vực. Theo dự đoán của Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, vốn đầu tư cho các startup trong khu vực sẽ vượt mốc 14 tỷ USD vào năm 2023.
Điển hình là Augustus Ilag của Sequoia Capital ở Singapore. Là sinh viên tốt nghiệp Stanford và từng là cố vấn của McKinsey, Ilag đã thúc đẩy sự mở rộng của Sequoia Capital sang các lĩnh vực và thị trường mới ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Ilag đã điều hành hoặc đồng lãnh đạo 21 khoản đầu tư, bao gồm các khoản đột phá như ngân hàng kỹ thuật số của Philippines Tonik, nền tảng tuyển dụng quốc tế Multiplier và nhà cung cấp phần mềm dịch vụ khách hàng WATI. Ilag cũng điều hành các khoản đầu tư của Sequoia vào các công ty khởi nghiệp blockchain được biết đến rộng rãi ở Đông Nam Á.
Shaun Hon cũng thành lập Quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore rất thành công. Vào năm 2021, Hon đồng sáng lập Motion Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 23 triệu USD chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đột phá ngành hàng hải. Được hỗ trợ bởi các công ty vận tải biển như Mitsui OSK Lines, Wilhelmsen và HHLA cũng như Enterprise Singapore’s SEEDS Capital, quỹ này chuyên giới thiệu các công nghệ tiên tiến để hỗ trợ quá trình khử carbon, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và an ninh trong ngành. Motion Ventures – nơi Hon là giám đốc từ năm 2020, được hỗ trợ bởi vườn ươm khởi nghiệp Rainmaking, với tổng giá trị danh mục đầu tư hơn 2 tỷ đô la.
Tại Indonesia, Pitra Harun là đồng sáng lập kiêm giám đốc quốc gia của Asia Partners có trụ sở tại Singapore, quản lý quỹ 384 triệu USD đầu tư vào các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng. Harun đã trực tiếp tham gia vào khoản tài trợ Series B trị giá 100 triệu đô la của Asia Partners vào công ty thương mại điện tử B2B của Indonesia, GudangAda vào tháng 7 năm 2021. Harun cũng tham gia đầu tư vào chuỗi khách sạn bình dân RedDoorz, nền tảng thương mại điện tử xe hơi Carsome và nền tảng dạy kèm trực tuyến SnapAsk.
Melvin Hade của Global Founders Capital, công ty đã hỗ trợ Canva, Lazada và Traveloka, cũng có trụ sở tại Indonesia. Năm 2021, Hade được bổ nhiệm làm đối tác của Global Founders Capital khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ở tuổi 26, khiến anh trở thành một trong những đối tác đầu tư mạo hiểm trẻ nhất trong khu vực. Tích cực trong các khoản đầu tư của GFC vào các công ty giai đoạn đầu như chuỗi thể dục Fithub và công ty thương mại nhanh Astro, Hade cũng nằm trong hội đồng quản trị của một số công ty danh mục đầu tư.
Ngay cả phụ nữ ở một nước Hồi giáo như Indonesia cũng có cơ hội khi tham gia khởi nghiệp công nghệ. Retno Dewati điều hành các khoản đầu tư ở Singapore và Indonesia tại Quỹ đầu tư mạo hiểm Access Ventures có trụ sở tại Hong Kong. Trở thành nhà đầu tư mạo hiểm ở tuổi 21, Dewati thực tập tại Pegasus Tech Ventures vào năm 2015 trước khi được thăng chức làm giám đốc khu vực Đông Nam Á. Tại đây, cô đã tham gia vào nhiều khoản đầu tư khởi nghiệp, bao gồm cả vào Moka POS, được Gojek mua lại với giá 130 triệu USD.
Anh Tú (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này