10:13 - 27/06/2022
Cô thợ may xóm tôi sao phải biết về kinh tế tuần hoàn?
Cô ấy tên Nguyên, thợ may công nghiệp, có chồng làm nghề sửa xe ở góc đường và một con trai nhỏ. Mỗi ngày hai vợ chồng đi làm, chở con đi gửi bà ngoại ở xóm bên. Tôi cảm mến cô thợ này vì biết hoàn cảnh của cô, vừa đi làm cả ngày, vừa chăm con rất vất vả mà cô luôn nhẹ nhàng, thậm chí xởi lởi chào hỏi bà con lối xóm.
Tối qua, đọc bài nghiên cứu về “Chiến lược xanh và bền vững của EU sẽ hủy diệt thời trang nhanh”, tôi nghĩ đến Nguyên. Chuyện xa xôi và trừu tượng, chiến lược của vùng đất châu Âu xa lắc, sao tôi lại thấy lo âu và nặng đầu khi nghĩ về em?
Sao lại liên quan cô thợ may xóm tôi?
Chắc Nguyên cũng không biết hàng loạt sản phẩm mà em còng lưng đạp máy may suốt ngày rồi sẽ đi đến đâu? Có lẽ tôi biết. Hàng sẽ đến châu Âu, góp phần quan trọng vào kim ngạch lớn của ngành may xuất khẩu của kinh tế nước mình.
Tờ báo tôi đọc hàng ngày, Nikkei Asia, đưa tin: Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày trước Quốc hội của EU hôm 17/5 chiến lược “tuyên chiến” với thời trang nhanh. Đây là cách gọi ngành công nghiệp thời trang đang thống trị thế kỷ 21: “sản xuất thừa, mua ồ ạt, vứt bỏ nhanh”.
Những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid, EU đã cố gắng sử dụng sức mạnh của một thị trường lớn để nhấn mạnh yêu cầu của người tiêu dùng liên quan mấy chữ xanh và bền vững. Ban đầu là thuế đánh trên lượng phát thải carbon, đến mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải, môi trường, tài nguyên…
Mục đích chiến lược mới của ngành dệt may là để giảm tác động môi trường bằng cách tăng độ bền của sản phẩm. Đó có thể là lúc đánh dấu sự kết thúc của nguyên liệu bằng sợi tổng hợp chất lượng thấp, may kém chất lượng và các phụ liệu chất lượng kém khiến quần áo nhanh bị hỏng trong khi giặt, rồi vứt bỏ và dẫn tới nạn ô nhiễm trong các bãi rác và trong không khí. Đó còn là khí thải ra trong quá trình sản xuất quần áo thành phẩm sử dụng nguyên liệu từ polyester.
Thời trang nhanh được mô tả là ngành công nghiệp sản xuất trang phục dùng một lần, theo thị hiếu của người tiêu dùng trước đây thay đổi nhanh chóng. Nó được củng cố bởi cả những tín đồ thời trang, họ mua hàng chỉ một lần, mặc một lần rồi vứt…
Theo hãng tư vấn quản trị McKinsey, sản lượng hàng may mặc toàn cầu đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 – 2014, và hàng hóa được mua nhiều hơn 60% nhưng chỉ giữ và sử dụng được một nửa.
Nhưng cũng McKinsey, sau các cuộc khảo sát gần đây đã cho biết: Thái độ của người tiêu dùng đang thay đổi sau đại dịch. Cuộc khảo sát cho thấy 65% người mua sắm “có kế hoạch mua sắm hàng có độ bền dài hơn, chất lượng cao hơn”.
Chiến lược mới “dệt may bền vững” hiện bao gồm ba tiêu chuẩn: Thứ nhất là “độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng sửa chữa, khả năng tái chế sợi (bỏ đi) thành sợi (có thể sử dụng mới) và hàm lượng sợi tái chế bắt buộc.” Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ phải in dữ liệu liên quan tiêu chuẩn và quá trình sản xuất trên nhãn quần áo.Thứ ba, EU có thể cấm các công ty vứt bỏ hàng hóa không bán được, hoặc yêu cầu phải báo cáo số lượng họ thải bỏ.
Chiến lược qui định cụ thể “các yêu cầu có tính ràng buộc về thiết kế sinh thái” và phải bảo đảm xóa bỏ được các vấn nạn làm rút ngắn vòng đời của sản phẩm: màu sắc phai; dây kéo bị đứt; chất polyester pha trộn làm chất liệu vải khó tái chế.
Chiến lược mới này cũng là sự ủng hộ nền kinh tế tuần hoàn: chống lại tình trạng phí phạm nguyên liệu, sản xuất tràn lan, dùng nhanh, vứt nhanh, gây hại môi trường…
Trong hai thập niên qua, giá cả đã giảm theo cách làm hiện nay, nghề may xuất khẩu đã sống khá ổn định. Còn sắp tới chi phí chắc chắn tăng đáng kể, đồng thời, cách làm cũng khó khăn, sự kiểm soát về tiêu chuẩn sẽ ngặt nghèo hơn nữa.
Chuyển biến của những nhà mua hàng lớn
Dẫn dắt việc đặt hàng trong thời gian sắp tới theo chiến lược xanh và bền vững là từ mô hình căn gốc: hình kinh tế tuần hoàn.
Mô hình này vốn được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế nhằm giảm thiểu nguyên liệu dùng ở đầu vào, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm bằng cách tái chế, tái sử dụng từ đó góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường. Lâu nay, kinh tế Việt Nam vẫn theo mô hình tuyến tính, tiêu dùng được khuyến khích bất chấp, đang đối mặt với nhiều thách thức, dẫn tới thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tình trạng mất đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Những thách thức này thúc giục các nước phải chuyển đổi đến mô hình kinh tế mới, sự lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam để bảo vệ môi trường, thiên nhiên và đảm bảo chiến lược phát triển bền vững.
Các thương hiệu như Decathlon, Uniqlo và H&M cho biết họ đang làm việc với các nhà sản xuất châu Á từ Trung Quốc đến Ấn Độ để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu mới. Một số công ty cung ứng lớn của Trung Quốc nói với Nikkei Asia: “Sản xuất của chúng tôi cạnh tranh nhờ rẻ và nhanh” và không rõ họ sẽ chuyển mình thế nào.
Chiến lược mới này (đang dự thảo) sẽ phải giành được sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu và các chính phủ thành viên EU trước khi có hiệu lực vào năm 2024.
Uniqlo cho biết họ đã tổng hợp dữ liệu, bao gồm cả về lượng khí thải carbon và khả năng truy xuất nguồn gốc và có kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp châu Á để thực hiện. “Chúng tôi cũng sẽ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường và quyền con người để khách hàng an tâm mua hàng của chúng tôi”.
Chiến lược dệt may mới tập trung vào môi trường, nhưng cũng sẽ được kết hợp với các sáng kiến xã hội. Ví dụ, sẽ hướng tới giải quyết tận gốc “các tác động tiêu cực với nhân quyền, chẳng hạn như lao động trẻ em và bóc lột người lao động.” Các cáo buộc về lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Trung Quốc đang rất được chú ý. Mới đây, Hoa Kỳ bắt giữ một lô hàng áo sơ mi của một thương hiệu thời trang lớn do nghi ngờ dùng nguyên liệu có chứa bông từ tỉnh này. Nhiều công ty thời trang khác vì thế đã cắt đứt quan hệ với Tân Cương.
Đã bắt đầu xuất hiện những động thái mới ở các cửa hàng thời trang tại châu Âu. Như tại một số cửa hàng H&M, khách hàng có thể đem quần áo cũ gửi lại để được giảm giá trong lần mua tiếp theo. Hoặc chuỗi cửa hàng Uniqlo cung cấp dịch vụ sửa chữa tại chỗ ở một số cửa hàng.
Rahul Mehta, một doanh nhân lão luyện trong ngành công nghiệp may xuất khẩu, của Ấn Độ đã nói thẳng: “Ngành này sắp tới phải đối mặt với đủ thứ nhiêu khê, khó khăn vì phải thay thế vật liệu, làm lại quy trình, và phải chuyển đổi công nghệ”.
Tại Việt Nam, một nhà xuất khẩu lớn là thương hiệu quần áo thể thao Decathlon và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đang cùng nhau thúc giục các nhà máy thích ứng để đón đầu các quy định của EU. Ước lượng hiện nay là chỉ có 5% lực lượng ngành công nghiệp này trong nước có thể sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí này. Lâu nay, nhiều công ty may xuất khẩu cho biết, làm hàng xuất khẩu dễ và ổn định hơn làm hàng cho thị trường nội địa. Nhưng bây giờ, chắc là họ sẽ phải thở dài và suy nghĩ lại.
Dù phàn nàn lo ngại những khó khăn nhưng rồi Mehta cũng kết luận: “Đó là cách thế giới đang chuyển động, cho dù chúng ta muốn hay không…Và tôi đoán nếu chúng ta phải tiếp tục tham gia thị trường, chúng ta phải làm theo nhu cầu của người mua.”
Dệt may Việt Nam sẵn sàng thích ứng?
Tôi có đem thông tin về chiến lược này trao đổi với ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS. Ông trả lời: “Chúng tôi rất hiểu, đây là xu hướng tất yếu của thế giới, EU chỉ là nơi khởi đầu mà thôi”.
Hiểu như vậy, VITAS cũng đã thành lập Ủy ban phát triển bền vững gồm hai mảng môi trường và lao động xã hội từ năm 2017 và cũng đã tổng kết ba năm hoạt động vào năm ngoái.
Tuy nhiên, đến nay, hiệp hội cũng mới chỉ tập trung vào năng lượng xanh (điện mặt trời áp mái), tiết kiệm năng lượng, xử lý và tái sử dụng nước thải (có KCN dệt may đã tái sử dụng 80% nước thải), bùn thải, hóa chất. Còn về những vấn đề về thời trang bền vững (tái chế, sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng lại theo hướng tuần hoàn), phí carbon…thì chắc chắn các hãng dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây không phải là vấn đề của nhà cung cấp, mà của cả nhãn hàng và người tiêu dùng.Tôi nghĩ hầu hết các doanh nghiệp cũng đều đã ý thức được điều này để không bị lúng túng.
Sẽ rất khó nhưng muốn tiếp tục duy trì hoạt động thì phải cố gắng tìm mọi cách thích ứng.
Khi cả ngành đối mặt khó khăn, chính sách chung sẽ có sự hỗ trợ nhưng những cô thợ may như Nguyên, em có biết lại sẽ gặp nhiều khó khăn cho cuộc sống nữa không? Tiếp tục công việc hay… phải tìm việc khác? Xu hướng mới rồi sẽ diễn ra rộng khắp các lãnh vực.
Như vậy, cần có sự giúp đỡ rộng rãi người lao động từ khâu nhận thức cho đến hiểu biết về các khó khăn phải đối mặt…
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này