
09:06 - 17/03/2023
AI và được mất trong nền kinh tế chia sẻ?
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) định nghĩa rằng nền kinh tế chia sẻ (gig economy) liên quan đến việc trao đổi lao động để nhận được tiền hay thù lao giữa các cá nhân hoặc công ty thông qua các nền tảng kỹ thuật số.

Trí tuệ nhân tạo có thể khiến nhiều người mất việc, nhiều nghề biến mất. Nhưng nhân sự cắt giảm chỗ này sẽ phình to ở chỗ khác. Ảnh: Metamorworks.
Vậy, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại lợi ích dài hạn khi mà trước mắt nó có thể cướp đi công ăn việc làm của nhiều người, khiến nhiều nghề nghiệp biến mất?
Hồi tháng 2 vừa rồi, khi ChatGPT bắt đầu khuấy đảo ở Việt Nam đã có nhiều startup chớp lấy thời cơ, dùng công nghệ này để làm cầu nối cho dịch vụ của mình với khách hàng. ABIT sử dụng ChatGPT trong quá trình giảng dạy.DearAimii có chatbot đóng vai người bạn trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần trong tình yêu. UpBase là công cụ quản lý công việc, dự án cho các công ty vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vui mừng vì các nền tảng cầu nối với ChatGPT này có thể giảm bớt chi phí, tối ưu hiệu suất và cắt giảm giờ lao động.
Cơn sốt ChatGPT khiến nhiều người lo lắng nhiều công việc sẽ mất đi. Nhưng điều các doanh nghiệp không để ý tới là các nền tảng cầu nối này và ngay cả ChatGPT của OpenAI đang phải sử dụng con người để hoàn thiện dữ liệu trước khi đến tay người dùng. Nhân công được cắt giảm chỗ này thì phình to ra chỗ khác. Đơn cử UpBase cũng phải có đội ngũ công nghệ và chuyên gia trong lĩnh vực quản lý dự án để xử lý dữ liệu trước khi đến tay người dùng.
Chia sẻ là phải cộng sinh
Bà Ngọc Lê – quản lý dự án và là nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) – bình luận: “Khó tránh khỏi việc một số công việc có thể biến mất do sự thay thế của AI. Nhưng sẽ có một số công việc khác xuất hiện và hợp tác cộng sinh”.
Trong nền kinh tế chia sẻ, mối quan hệ giữa một tổ chức và các nền tảng dịch vụ ứng dụng công nghệ cộng sinh với nhau để tối ưu hoá chi phí. Mô hình kinh tế chia sẻ tuy không nhắm vào giảm chi phí lao động nhưng làm thay đổi phương thức làm việc của người lao động và quan hệ cung – cầu trên thị trường việc làm. Một người thay vì làm việc toàn thời gian cho một tổ chức, có thể đồng thời làm việc với nhiều doanh nghiệp. Nhiều loại công việc được kết nối ngẫu nhiên giữa doanh nghiệp và người lao động hợp đồng – theo lời bà Ngọc Lê.
Kết nối hoàn hảo sẽ hoàn hảo hơn khi người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi. GS.TS. Andreas Stoffers, giám đốc quốc gia tại Viện FNF, thấy rất cần có quy định của chính phủ đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động chi phí thấp như ChatGPT để bảo vệ người lao động, giống như mọi công việc khác trong nền kinh tế. Các công ty này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế – xã hội vì là thành phần trung gian mang đến định hướng và thói quen của người dùng. Đặc biệt là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Câu hỏi đặt ra là chính sách sẽ được xây dựng theo xu hướng nào để phù hợp và bảo vệ người lao động một cách tối ưu? Trên thực tế, các doanh nghiệp đều mong muốn cắt giảm chi phí, giảm thiểu sự ràng buộc giữa nhân viên và nhà tuyển dụng. Hợp đồng với người lao động, do đó, không quy định trách nhiệm rõ ràng, hoặc thậm chí không ký hợp đồng với người lao động thời vụ.
Trong khi đó, một số quốc gia đã có những động thái chính sách rõ ràng để bảo vệ người lao động. Chẳng hạn, Anh là thị trường đầu tiên Uber cam kết trả lương hưu và đảm bảo nghỉ phép có lương cũng như đảm bảo mức lương tối thiểu cho tài xế công nghệ. Do đó, cần xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội cho lao động tự do và quy định mức lương tối thiểu theo giờ.
Việc giao kết hợp đồng phải là hoạt động bắt buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để tránh chồng chéo giữa các cơ quan chi trả bảo hiểm xã hội, các nhà cung cấp nền tảng cần có khả năng phối hợp với các cơ quan nhà nước để đảm bảo hệ thống quản lý bảo hiểm được cập nhật dữ liệu liên tục.
Tiến sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã tại Đại học San Francisco, Mỹ lại cho rằng những công ty có trách nhiệm nên tạo điều kiện cho người lao động bị mất việc do AI được tái đào tạo nhằm phù hợp với môi trường làm việc mới. AI còn mang lại thách thức cho các loại hình kinh doanh truyền thống, chưa kịp bắt nhịp công nghệ. Có khả năng những doanh nghiệp chậm chân cạnh tranh này sẽ dần biến mất trên thị trường vì doanh thu và nhu cầu sụt giảm. Các mô hình truyền thống sẽ phải chuyển đổi mô hình với điều kiện chịu nổi gánh nặng chi phí, bà Ngọc Lê nhận xét.
Hoặc doanh nghiệp truyền thống phải kết hợp với các nền tảng công nghệ.Trong bối cảnh nền kinh tế chạm ngưỡng suy thoái, đại diện một nền tảng giao nhận thực phẩm cho hay rất nhiều nhà hàng phải đóng cửa chi nhánh. Công ty đã nhanh chóng mở một bếp chung ở trung tâm cho nhiều nhà hàng khác nhau. Các nhà hàng giảm được chi phí mặt bằng, marketing bằng công nghệ và nhân công nhờ sự hợp tác này.
Nếu không có các nhược điểm, xét về toàn cảnh, nền kinh tế chia sẻ do AI mang lại có nhiều ưu điểm. Tiết giảm chi phí vận hành và tối ưu hóa nguồn lực xã hội là những mặt tích cực mà AI mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp.Thương mại điện tử và tài chính – ngân hàng là hai lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất.Đối với thương mại điện tử, người dùng cuối tiếp cận với các sản phẩm đa dạng hơn và tự động hóa việc mua hàng và thanh toán.Đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các nền tảng giúp giảm thiểu đáng kể các thao tác lặp đi lặp lại cho hàng triệu khách hàng.
Đối với tất cả các ngành dịch vụ, nền kinh tế chia sẻ ứng dụng AI giúp mọi người được phục vụ với tốc độ nhanh nhất, 24/7, người lao động làm việc hiệu quả hơn, người dùng dịch vụ được tận hưởng trải nghiệm cá nhân hóa và nâng cao năng suất của nhân viên. Với tài sản hay nguồn lực nhàn rỗi, “người có chủ” và “người có nhu cầu” tìm thấy nhau thông qua nền kinh tế chia sẻ có ứng dụng AI.
Bản quyền trong tay ai?
Theo Tiến sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã, AI đang và sẽ tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho nền kinh tế.Mặt trái là công cụ này sẽ tập trung quyền lực và tài sản chỉ vào một số ít người, khiến bất bình đẳng xã hội gia tăng. Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu không xây dựng được hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của những người tạo ra thông tin và dữ liệu sơ cấp, dẫn đến tất cả giá trị thặng dư tạo ra sẽ nằm trong tay một số ít người nắm giữ các công cụ AI.
Vị tiến sĩ cũng nhấn mạnh về việc thông tin dữ liệu của nhiều người tạo ra như văn bản, hình ảnh và âm thanh… trên Internet đang bị một số công ty công nghệ kinh doanh mà không trả thù lao hay tiền bản quyền. Đây còn là vấn đề pháp lý, mà pháp lý thường lúc nào cũng đi sau công nghệ.
Mô hình kinh tế chia sẻ từ AI còn rất mới mà hệ thống luật pháp Việt Nam chưa sẵn sàng. Nếu chính sách của nhà nước không được tuân thủ chặt chẽ, an toàn thông tin và lừa đảo sẽ gây ra hệ luỵ trong kinh tế. Tiến sĩ Ngã cho rằng các quốc gia sẽ cho ra đời hành lang pháp lý để giải quyết chuyện này trong thời gian tới.
Hiện nay, Úc đã ký thỏa thuận buộc Google phải trả tiền cho các hãng thông tấn và các tờ báo. Bà Ngọc Lê nói rằng các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã hành động để chống lại quyền lực tập trung quá mức vào tay của những gã khổng lồ công nghệ. Đây cũng là điều nên làm đối với các hãng công nghệ đang sử dụng thông tin các nguồn khác nhau.Trên thực tế, mối quan hệ giữa công cụ tìm kiếm và đơn vị cung cấp thông tin là mối quan hệ cộng sinh.
Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu tại Việt Nam phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ thu nhập để làm căn cứ tính thuế. Thu nhập từ loại hình kinh doanh trực tuyến theo mô hình kinh tế chia sẻ rất khó tách biệt rạch ròi, đặc biệt là thu nhập từ bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.
Ngoài ra, cần có quy định về bảo vệ người tiêu dùng và bảo mật thông tin cá nhân.Nhà nước cần sửa luật bảo vệ người tiêu dùng để cập nhật tác động của mô hình kinh tế mới. Quy định về quyền riêng tư dữ liệu phải đạt được sự cân bằng giữa việc tạo điều kiện đổi mới cho nền kinh tế chia sẻ và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mỹ Huyền (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này