08:50 - 02/02/2024
Về đây khởi nghiệp cùng Gin Việt
Gin là một trong những loại rượu mạnh kinh điển của phương Tây, nhưng điều đó không thể ngăn cản các dòng gin Việt của Sông Cái Distillery lên ngôi ở các giải đấu thế giới.
Theo doanh nhân người Mỹ gốc Việt – Daniel Nguyễn, để các tài nguyên bản địa Việt có thể chinh phục thế giới, Sông Cái phải chịu thiệt thời gian đầu và kiên nhẫn gấp 100 lần người khác
Hành trình về nguồn
Có những người Việt quyết dùng cả đời để chạm đến ‘giấc mơ Mỹ’ nhưng lại có những người Việt khác lại từ bỏ nước Mỹ hoa lệ để về khởi nghiệp ở Việt Nam. Daniel Nguyễn Hoài Tiến chính là một người như vậy.
Theo lời kể của anh với báo giới, dù sinh ra và lớn lên tại quận Cam – bang California – thủ phủ của dân nhập cư Việt ở Mỹ; và phải vào Đại học California thì anh mới bắt đầu học tiếng Việt một cách tử tế, khi chọn Tiếng Việt như một môn ngoại ngữ; song cuộc đời của anh dường như gắn liền với cộng đồng người Việt tha hương và Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Daniel Nguyễn đến thành phố New Orleans – Louisiana để làm việc. Anh làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng.
Trong nhiều năm, anh đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Anh sáng lập một hợp tác xã nông nghiệp tên VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị, chợ ngoài trời ở California.
Vì những đóng góp thiết thực cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, năm 2012, anh được một tổ chức phi chính phủ mời về Việt Nam để tư vấn định hướng phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Trở lại Việt Nam năm 2014, tôi tìm cơ hội việc làm ở lĩnh vực phát triển chuỗi nông sản bền vững. Đến 2015, tôi tham gia một dự án cộng đồng ở Bắc Trung bộ về vấn đề quản trị đất đai và tài nguyên môi trường. Dự án đánh giá hiệu quả việc giao đất giao rừng cho người dân, sau đó tư vấn cho Quốc hội về luật bảo vệ phát triển rừng.
Đấy là công việc thú vị vì tôi có điều kiện tiếp cận với bà con dân tộc thời gian dài, ở với bà con để khảo sát yếu tố tín ngưỡng, văn hóa, tập quán sinh hoạt xem chúng có ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý đất đai và rừng. Dự án hoàn thiện năm 2017.
Qua đó, tôi phát hiện ra rằng: nhiều dự án về phát triển nông lâm nghiệp ở Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu – thực hành bước đầu, xong dự án là xóa sổ hoặc bị bỏ mặc. Vậy nên, tôi nghĩ mình cần phải thay đổi cách làm, như tạo ra một doanh nghiệp để thực hiện các dự án dài hơi kéo dài vài chục năm, thì mới có thể mang lại ích lợi thực sự cho đồng bào bản địa”, Daniel Nguyễn giải thích lý do khởi sự với Sông Cái Distillery năm 2018.
Hơn nữa, việc biến đổi khí hậu và hiện đại hóa nông nghiệp ở các vùng nông thôn của Việt Nam đang diễn ra quá nhanh. Trong khi ở các nước phát triển phương Tây luôn tìm cách nâng niu, giữ gìn và trân trọng những giống cây bản địa; thì Việt Nam chúng ta ngược lại. Nếu thấy cây trồng gì mới có năng suất cao hơn là giống cây cũ/cây bản địa bị rủ bỏ hoàn toàn.
Daniel Nguyễn kể: một năm sau khi anh trở lại cộng đồng nọ thì thấy giống ngô bản địa thơm lành dẻo ngọt mà anh từng ăn trước đó đã bị bôi xóa sạch sẽ và họ chuyển sang trồng một giống ngô lai – mà theo anh, ngoài năng suất cao thì không có nhiều giá trị.
Vì sao lấy tên là Sông Cái? Vì ‘Sông Cái’ – dòng sông mẹ, trong tín ngưỡng văn hóa Việt Nam nghĩa là dòng sông có thể ‘ôm’ được cả vạn vật, hơn nữa ‘Sông Cái’ cũng khá dễ phát âm với người nước ngoài. Sông mẹ chảy từ trên cao xuống để mang tinh túy Việt Nam ra thế giới.
Tinh hoa cây trái bản địa và kỹ thuật ủ rượu Việt Nam – phương Tây
Là một công dân toàn cầu, tầm nhìn hay tư duy kinh doanh của Daniel Nguyễn không khu biệt trong biên giới Việt Nam hay Đông Nam Á. Để có thể phát huy hết giá trị của các tài nguyên bản địa hay văn hóa đặc sắc của Việt Nam, sản phẩm làm ra cần phải tiêu thụ được ở cả những thị trường giá trị cao nhưng khó tính nhất thế giới như châu Âu, Bắc Mỹ hay Nhật Bản.
Khi Daniel Nguyễn chọn rượu gin để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình, hẳn anh đã được nghe khá nhiều lời can gián. Lề lối mà nhiều người chọn khi muốn bán đặc sản bản địa Việt ra thế giới là chọn những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, chứ hiếm khi mạo hiểm sáng tạo một thứ hoàn toàn mới.
Nhưng, cách nghĩ của anh hoàn toàn khác: nếu anh mang rượu gạo Việt đến New York để thuyết phục giới mộ điệu hay ngành bar thưởng thức – đánh giá – tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn. Đầu tiên là phải giáo dục thị trường để người ta biết rượu gạo có hương sắc như thế nào và cách sử dụng – uống không và pha cocktail ra sao, tiếp theo là vì sao nên chọn rượu gạo Việt thay vì của Thái hay Lào.
Nếu Sông Cái bắt đầu với 1 loại rượu đã phổ biến ở phương Tây như vang, brandy, whisky, rhum, vodka hay gin; thì họ sẽ đỡ được 2 công đoạn đầu. Hơn nữa, sự tò mò về ‘gin thương hiệu Việt’ cũng sẽ giúp Sông Cái trong giai đoạn đầu tiếp cận thị trường. Còn sở dĩ chọn rượu gin, vì đây là lựa chọn tốt nhất phù hợp với 2 thế mạnh của nguyên liệu bản địa Việt là lúa gạo/ngô và thảo mộc.
Năm 2019, Dry Gin Sông Cái bắt đầu có mặt trên thị trường, với vị cay nồng thanh dịu của vỏ – lá quế, gừng, hạt dỗi, thảo quả, tiêu và nghệ. Đến năm 2020, họ ra mắt tiếp dòng Floral Gin.
“Giữ bản sắc của Sông Cái Distillery đến từ các loài kỳ hoa dị thảo, trái cây và gỗ được hái lượm thủ công từ vùng núi cao Tây Bắc Việt Nam. Nhưng làm nên dấu ấn cho Sông Cái Việt Nam Floral Gin chính là hương thơm nồng nàn từ những loại hoa đặc sắc nhất của Hà Nội: hoa bưởi Diễn, hoa ngọc lan và hoa hoàng lan.
Floral Gin thể hiện rất rõ sự cân bằng khi kết hợp thảo mộc núi rừng, táo bạo với những loại hoa đặc trưng của Hà Nội tươi mát đầy tinh tế. Để khi nếm thử là vấn vương nơi vòm miệng các nốt hương thanh mát của cam quýt và mít đan xen với hương hoa nhài nhẹ nhàng, rồi đọng lại hậu vị hương gừng cay, vỏ chanh và gia vị vùng cao ấm nồng”, Sông Cái giới thiệu.
Sau khi chinh phục được nông sản bản địa phía Bắc, Sông Cái bắt đầu tiến về Tây Nguyên, sáng tạo thêm Rose Myrtle Gin vào 2021. Với nguồn cảm hứng từ các loại rượu ngâm quả truyền thống của Việt Nam, Sông Cái đã lấy hương vị, màu sắc và tên của quả sim, để đưa vào Rose Myrtle Gin.
Loại Gin mới này của Sông Cái mang trọn vẹn sắc hương và tinh thần Tây Nguyên – với gia vị nồng ấm, vị dịu dàng của quả khô, pha trộn với chút ngọt của rễ, cân bằng với vị chát nhẹ và độ chua dịu. Rượu mang sắc đỏ mận của quả sim, gợi nhớ đến màu đất đỏ Bazan và cả những họa tiết dệt trên trang phục của người dân vùng đất này.
Năm 2023, họ ra mắt thêm dòng Khà. Khà là loại rượu vang đầu tiên được làm từ nếp cái hoa vàng, giống gạo bản địa vừa đặc trưng lại vừa quen thuộc trong ẩm thực và văn hoá Việt. Nhờ nếp cái hoa vàng, Khà có được hương vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng của đồng ruộng.
“Khà lấy cảm hứng từ rượu cái, lên men từ nếp cái hoa vàng và nếp cẩm bằng các loại nấm, men, vi sinh vật thuần Việt, không qua chưng cất. Kết hợp những kỹ thuật lâu đời của Việt Nam và phương Tây vào quá trình ủ, Khà bắt đầu từ thùng gỗ, sau đó chuyển sang chum sành, trong hơn 18 tháng.
Rượu sau khi lên men sẽ được ủ theo phương pháp giữ lại một phần của mẻ cũ để ủ cùng mẻ mới, giống như cách ông bà ta muối dưa cà. Phương pháp này cũng tương đồng với solera, là phương pháp ủ phổ biến của nhiều dòng vang, bia, giấm, brandy, whisky, đặc biệt là của dòng rượu sherry của Tây Ban Nha.
Vị rượu dày, chua đậm đà, cùng hương gạo nếp, hương quả chua, hạt óc chó, Khà dễ dàng kết hợp cùng các món ăn Việt hơn so với các dòng vang trắng làm từ nho của nước ngoài”, Sông Cái tiếp tục giới thiệu.
Sản phẩm mới nhất của Sông Cái là Mẩy, một loại rượu thuốc được họ kết hợp cùng Lý Lờ Mẩy (cô Chạn) – một người phụ nữ Dao Đỏ chuyên bốc thuốc nam ở Tả Phìn – Lào Cai. Như chúng ta đã biết, người Dao Đỏ nổi tiếng với các bài thuốc dân gian từ lá rừng dùng để tắm và uống nhằm phòng ngừa – chữa nhức mỏi xương khớp, bệnh tật.
“Mẩy là một loại rượu như rượu ngâm thuốc Bắc thuyền thống của Việt Nam. Đây cũng là loại rượu có lâu đời ở nước ngoài, được xếp vào loại sản phẩm rượu thuốc. Vậy nên, rượu thuốc Việt sẽ không bị đánh giá thấp khi ra nước ngoài, quan trọng là mình phải kết nối đúng thị trường ngách”, Daniel Nguyễn cho hay.
Phải biết chịu thiệt cùng bà con
Để có thể cạnh tranh và phát triển ở thị trường phương Tây, thì bền vững chính là yếu tố tiên quyết mà các doanh nghiệp cần phải tuân thủ. Tuy nhiên, mỗi thị trường khác nhau có một khái niệm bền vững khác nhau, nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng không được làm hời hợt.
Còn doanh nghiệp bền vững theo quan điểm của Sông Cái sẽ là: sản xuất không ảnh hưởng xấu lên môi trường, nguyên liệu không dùng thuốc trừ sâu và 100% là nông sản bản địa Việt Nam.
Thứ hai là thành quả phải trả lại cho cộng đồng, Sông Cái hiện tuyển dụng rất nhiều lao động địa phương và hầu hết trong đó là nữ. Thứ ba, Sông Cái sẽ luôn giao dịch công bằng với bà con, không ép giá kể cả khi nông sản được mùa.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải hỗ trợ nâng cao giá trị văn hóa – xã hội cho người dân địa phương. Vậy nên, trên fanpage của mình, Sông Cái có rất nhiều dự án nhỏ giới thiệu những nét đặc sắc trong văn hóa nói chung và kinh nghiệm ủ rượu nói riêng của các dân tộc trên khắp Việt Nam, cũng như tôn vinh các loại thảo mộc bản địa quý hiếm của thiên nhiên Việt Nam.
“Trong thời gian đầu, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn, phải đánh xe từ Hà Nội lên vùng núi phía Bắc như Hà Giang để mua nông sản/thảo mộc của người Mông. Lúc này, quyết định bán hàng cho Sông Cái là bà con phải chịu rủi ro lớn, chúng tôi dù chưa có doanh thu cũng phải chịu rủi ro cùng bà con. Có như vậy, sau này chúng tôi cùng với bà con mới đi đường dài được”, Founder Sông Cái nhớ lại.
Bên cạnh đó, sản phẩm rượu muốn được thị trường phương Tây chào đón, cần có 4 tiêu chí sau: gắn liền với cam kết phát triển bền vững, chất lượng cao cấp, coi trọng văn hóa – nghệ thuật, nguyên liệu thuần Việt.
Chinh phục giới mộ rượu phương Tây
Cũng trong buổi nói chuyện ở Mekong Connect 2023, Daniel Nguyễn luôn nhấn mạnh đến ‘cá tính thương hiệu’. Theo anh, ‘cá tính thương hiệu’ sẽ thể hiện ở cái tên thương hiệu, bao bì sản phẩm, mùi vị – sắc hương và những câu chuyện kể đằng sau từng dòng sản phẩm.
Về thiết kế bao bì sản phẩm: Sông Cái đã mời nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống – cụ Lê Đình Nghiên đến để thiết kế bao bì cho dòng gin của mình. Việt Nam từng đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tranh Hàng Trống là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
“Nhãn sau và hương vị của Floral Gin thể hiện rõ triết lý Âm và Dương trong tín ngưỡng cổ xưa của Việt Nam: Âm Dương là gốc của vạn vật và là đạo lý của khởi nguyên. Mỗi sự vật đều có hai mặt đối lập mâu thuẫn, nhưng cũng tương hỗ và nương tựa nhau mà tạo nên vũ trụ”, Sông Cái giới thiệu về bao bì của Floral Gin.
Về marketing thị trường ngách – rượu mạnh: Sông Cái đã tích cực tham gia các sự kiện trong ngành rượu và bar ở các thành phố lớn trên thế giới. Đầu tiên là để sản phẩm gin có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, thứ hai là để xem phản ứng của người tiêu dùng với sản phẩm của mình hay gin thương hiệu Việt như thế nào.
“Mặc dù gin là một loại rượu phổ biến ở thị trường phương Tây, nhưng gin thương hiệu Việt Nam là số 0 ở thị trường này. Trong tất cả, Mỹ là một thị trường đầy thách thức với Sông Cái. Chúng tôi đã luôn phải tự hỏi mình: người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng gì ở một sản phẩm gin đến từ Việt Nam? Chúng tôi đã mất từ 2 đến 3 năm liên tục tương tác trực tiếp với người tiêu dùng, giáo dục thị trường thì mới phần nào có chỗ đứng ở phương Tây”, Daniel Nguyễn tiết lộ.
Tham gia các cuộc thi về rượu cũng là một cách marketing hay khi ra thị trường nước ngoài. Sau khi có một vài giải thưởng ở các giải đấu rượu chuyên nghiệp ở châu Âu và Mỹ, Sông Cái được nhiều tạp chí lớn đến hỏi thông tin – phỏng vấn viết bài, như Bloomberg, Traveller, The New York Times, Obsessions…
Các sản phẩm của Sông Cái cũng xuất hiện trong MV This IS Our Time của ca sỹ Dolly Ave. Ở Việt Nam, mỗi năm DN này còn tổ chức các cuộc thi pha chế cocktail với rượu nền Sông Cái, như một cách để giới thiệu sản phẩm của mình với thị trường nội địa và tiếp xúc gần gũi hơn với các batender Việt Nam.
Một cách rất hay nữa để tương tác với khách hàng và khiến câu chuyện về thương hiệu sống động hơn là mời họ đến các vùng cung cấp nguyên liệu – cộng đồng bản địa có sự gắn kết với Sông Cái. Sau chuyến thăm Việt Nam với Sông Cái, nhiều khả năng mỗi khách hàng trong chuyến đi sẽ là một sứ giả kể chuyện cho Sông Cái khi quay trở về trời Tây.
Về chiến lược sản phẩm: mặc dù dry gin không phải là một sản phẩm thuần Việt, nhưng nó lại là kinh điển ở thị trường phương Tây nên sẽ dễ xâm chiếm thị trường hơn. Và sau khi những sản phẩm tiên phong như gin có chỗ đứng khiến thương hiệu Sông Cái được biết đến rộng rãi hơn, DN này mới phát triển thêm các sản phẩm thuần Việt như rượu sim, rượu từ nếp cái hoa vàng, rượu thuốc của người Dao Đỏ…
Hơn nữa, chúng ta phải biết thế mạnh của mình ở đâu. Chúng ta có thể kết hợp hoa hồng vào rượu, nhưng khi nói đến hoa hồng người ra sẽ nghĩ đến Pháp chứ không phải Việt Nam. Vậy nên, Sông Cái đã chọn hoa ngọc lan và hoàng lan – 2 loại hoa khá đặc trưng của thành phố Hà Nội để đưa vào Floral Gin.
“Theo quan sát của tôi, cơ hội của các sản phẩm sử dụng các nguyên liệu bản địa Việt Nam ở phương Tây là rất lớn. Càng ngày người tiêu dùng khắp thế giới càng khát những sản phẩm đặc biệt – quý hiếm mà không phải cứ có tiền là sẽ mua được. Các giống nho bản địa của Pháp không bị cạnh tranh và có cách khai thác hiệu quả, hiện các dòng rượu vang từ các giống nho bản địa Pháp rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên, sở dĩ có ít sản phẩm thương hiệu Việt Nam có thể vang danh thế giới là vì chúng ta khai thác – tiếp thị đúng cách để tạo ra được tính cách thương hiệu. Ngoài ra, Việt Nam chúng ta vẫn chưa có chính sách phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của mình.
Muốn tìm được chỗ đứng khi ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp phải thật sự kiên nhẫn và phát triển từ từ như Sông Cái. Nói chung là chúng ta phải kiên nhẫn gấp 100 lần người khác”, Founder Sông Cái cho hay.
Cái mà anh lo lắng nhất ở thời điểm hiện tại, là tốc độ biến mất của các giống cây bản địa cũng như các kiến thức sản xuất truyền thống của Việt Nam đang ngày càng nhanh. Một Sông Cái Distillery là không đủ!
Quỳnh Như (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này