11:13 - 26/01/2023
Miêu thành, xứ của ‘quàng thượng’
Trên thế giới nhiều nơi tôn vinh mèo, nhưng để có tên Miêu thành, rồi tất tần tật thứ về chúng, Kuching có lẽ duy nhất.
Kuching nằm góc tây bắc Borneo, đảo lớn thứ ba địa cầu, nơi ba nước Malaysia, Indonesia, Brunei cùng chia sẻ. Khá ít khách Việt biết Kuching so với Kuala Lumpur, Langkawi, Melaka… dù thủ phủ bang Sarawak, Malaysia này vốn rất được khách Âu Mỹ ưa thích vì nhiều loại hình du lịch, trải nghiệm độc đáo dễ phối chung nhau.
Theo hướng dẫn, tôi tranh thủ tới Kuching tháng 10, để tránh mùa mưa dầm dề từ tháng 11 – tháng 2, nào ngờ nước trời đã trút xuống khá nhiều. Mưa nguồn chớp bể, không đi được hang Nai, từng đứng đầu thế giới trước khi Sơn Đoòng được phát hiện, hay vô đại ngàn thăm nhà dài của bộ tộc săn đầu người Iban xưa lừng lẫy, kiếm ngó đười ươi lông đỏ… lại có nhiều thời gian lê la phố. Để gặp nhiều nét quen, lạ giao hòa ở phố ven sông, gần biển, kế rừng nhiều thú vị này.
Phố hương xưa lẫn đô thị mới đều của mèo
Cái tên Kuching – Miêu thành – mới được đặt từ TK 19, dù dấu vết người cổ 40.000 năm trước được thấy quanh quanh, trong rừng rậm, hang động Borneo. Các xóm chài ven biển cùng mấy ngôi làng sơn cước không cũng xa nhau lắm tới TK 16 thuộc về Đế quốc Brunei hùng mạnh thời đó. Mãi tới 1841, người Anh trở thành chủ nhân mới, đặt tên mới.
Tên Kuching bắt nguồn từ “kucing” – mèo trong tiếng Mã Lai. Trước đó là thành Sarawk do nằm bên con sông cùng tên, từ khi có tên mới tới giờ Kuching đúng là miền đất của mèo. Đâu cũng thấy, từ cửa ngõ phố hay hang cùng góc hẻm… còn có riêng bảo tàng mấy cô chú meo meo…
Ngay vườn hoa Padungan trước cái cổng thành rực sắc đậm nét Hoa là chú mèo trắng tinh, vô trong phố ở mỗi tiểu cảnh, bùng binh… hầu như đều có tượng, hình lớn nhỏ các cô chú Tiểu hổ. Không xa lắm trung tâm là bảo tàng mèo, nơi từ xác ướp mèo Ai Cập từ năm 3.000 trCN, tới cô mèo hồng Hello Kitty, mèo máy Doraemon, mèo phim Garfield… đề huề sánh vai, kèm theo thông tin chi tiết. Theo tín ngưỡng địa phương, mèo mang lại may mắn, nên ngoài tượng, ảnh, mèo cũng được nuôi dưỡng, chăm sóc… như là “cư dân” bản địa. Với nhiều bạn trẻ Sài Gòn hay tự nhận là “con sen” để phục vụ cho “hoàng thượng” – cách gọi mèo, có lẽ Miêu thành là điểm đến thú vị, chưa kể nhiều điều hay khác.
Giao hòa giữa cũ và mới
Sự giao hòa sắc tộc, tôn giáo ở Kuching mang đến nhiều điều độc đáo. Có lẽ do các sắc dân ở đây đều say đắm màu. Tính yêu màu đậm của người sơn cước như thường thấy, ngư dân miền biển chẳng kém, cả những di dân cũng từ các quốc gia, miền đất khác… nào kém thua.
Ngư dân Hoa kiều mang theo các đền thờ Quan âm cầu biển yên gió lặng, cả miễu Đạo giáo, chùa Phật giáo… đều không khó nhận với sắc đỏ luôn nổi trội. Không thua độ rực rỡ, dù thiên về ánh vàng lấp lánh, là thánh đường Hồi giáo người Malay. Không nổi trội theo từng màu, mà không thiếu sắc nào hết là các đền Hindu với hằng hà tượng nhỏ lớn các thần xứ Ấn chi li hoa văn, màu sắc. Ngay cả giáo đường Thiên chúa St. Joseph kiến trúc mái vát lạ rất nghệ thuật. Thoáng ngoài là nét xám thâm trầm, vô trong viếng sẽ bất ngờ với các mảng tường tranh kiếng, lộng lẫy màu đẹp…
Lần đầu dự triển lãm “Luận về cái chết”, với câu chủ đề “Life is what you celebrate. All of it. Event its end” – tạm dịch “Cuộc sống là để chúc mừng. Mọi điều. Cả cái chết.” – trích dẫn hay được dùng trong tác phẩm Chocolat của nữ văn sĩ Joanne Harris. Các cách tiễn đưa, chia tay người quá cố… đa dạng lễ nghi, sắc màu, hình thức… của các dân tộc Borneo và nhiều dân tộc khác, cùng những lý giải nhân văn, lý thú.
Ngoài các cảnh quan rờ rỡ, Kuching ẩn nhiều nét duyên dễ bị lướt. Như không chỉ Tua Pek Kong mà còn vài chùa khác có ba bốn mặt tiền do làm đường mới vẫn giữ nguyên chùa cổ. Hay cái bùng binh từng lớn nhất thế giới có cả cái nhà trẻ bên trong. Hay như Kuching là thành phố sạch nhất đất Malay…
Điều rất thú vị phải kể là ẩm thực. Giao hòa sắc tộc cùng tính tìm tòi, duy nhất ở Malaysia, Kuching được UNESCO vinh danh trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo về ẩm thực, tạm dịch từ “UNESCO Creative Cities Network”. Nên đêm ngồi quán gần sân miếu coi ké Kinh kịch, nhấm nháp bột chiên mà ngỡ ở Chợ Lớn. Hay sớm vô chợ ăn tô mì Laksa Sarawak, mà chuyên gia ẩm thực quá cố Anthony Bourdain, người thiết kế món “bún chả Obama” từng ví von là “bữa ăn sáng của thần linh” – “breakfast of gods”, lại ảo tưởng chốn thiên thai. May mà tiếng các “hoàng thượng” meo meo mới sực nhớ mình đang ở Miêu thành!
Bài và ảnh Trần Thái Hoãn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Dán nhãn Cần Giờ cho cơm rang
Ngỡ ngàng Chùa Trắng xứ Ấn
Ngày chậm trôi trên Changu Narayan
Đùi heo hầm đậu đen xanh lòng… lắm luôn
Boudhanath ngày thu xanh an yên
Tags:Miêu thành
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này