
10:28 - 26/09/2018
Kinh doanh văn hoá với Kpop và… kimchi
Sáng nay, đang viết bài này, tôi đọc thấy bài mới của chị Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về bán lẻ và nhượng quyền, viết về BTS, một nhóm nhạc Hàn Quốc đang nói chuyện trước Đại hội đồng LHQ về “chống bạo lực, bảo vệ trẻ em”. Thật là trùng hợp với chủ đề bài này, viết về bản lĩnh kinh doanh văn hoá của Hàn Quốc.
Nhìn họ mà nể!
Từ lâu, tôi tìm hiểu về chiến lược xuất khẩu văn hoá toàn diện làm say mê cả thế giới của Hàn Quốc (HQ). Họ nhận thức và tổ chức quyền lực mềm này như thế nào mà thành công đến vậy?
Chiến lược chinh phục thế giới bằng văn hoá (ca nhạc, phim ảnh, thời trang, ẩm thực) là chiến lược quốc gia, được chính phủ hoạch định và đầu tư thực hiện với quy mô toàn cầu. Viết đầy đủ về chiến lược này, phải viết nhiều bài.Ở đây, tôi chỉ tóm lược các bước đi, bắt đầu từ thập niên 1990.
Năm 1996, xuất hiện nhóm nhạc huyền thoại HQ tên H.O.T, mở đầu cho nền văn hoá Kpop gọi là “thị trường thần tượng Hàn Quốc” lan nhanh khắp thế giới. Họ liên tục tạo ra các thế hệ thần tượng âm nhạc và các lĩnh vực văn hoá nhờ vào: internet, mạng xã hội và phương thức “nhượng quyền thương mại thần tượng”.
Hiện nay, nhóm nhạc NCT (tên viết tắt của “Neo Culture Technology”, thành lập năm 2016, với ngụ ý không giới hạn số lượng thành viên và cùng quảng bá ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới), đang được chia ra thành những nhóm nhỏ cho các thị trường khác nhau, đặt tên theo kinh độ quốc gia họ đến. NCT 127 là theo kinh độ Seoul, NCT 105 là theo kinh độ Hà Nội,…
Công ty JYP Entertainment vừa đạt mốc 1.000 tỷ won vốn hoá thị trường cuối tháng 8 vừa qua. Bứt phá, đầu năm 2018, một công ty giải trí của họ, SKT công bố avatar Wendy tại đại hội Di động thế giới 2018, được tạo ra bằng cách kỹ thuật ba chiều (hologram) theo hướng có thể ra đời một “lứa” thần tượng mới bằng AI (trí tuệ nhân tạo) để mọi gia đình cũng có thể đặt hàng, thưởng thức thần tượng avatar ngay trong nhà mình.
Họ thành công đến nỗi Trung Quốc phải ra chính sách hạn chế. Tháng 1.2016, làng giải trí dậy sóng khi Trung Quốc tuyên bố cấm các hoạt động của các ngôi sao Hàn trên lãnh thổ. Sản phẩm âm nhạc Hàn không được bày bán.Nghệ sĩ Hàn không được lên TV.Các đêm nhạc Hàn không được trên 10.000 khán giả. Lý do khá đơn giản, mỗi năm, HQ đang “kiếm” hàng tỷ USD lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc, “cướp đất làm ăn” của các nghệ sĩ người Hoa. Người ta hay nhắc sự kiện hoà nhạc kỷ niệm mười năm Big Bang của HQ, có tới 2 triệu người Trung Quốc tìm mọi cách mua được tấm vé để tham dự sự kiện này.
Quỹ giao lưu công nghiệp văn hoá HQ vừa công bố kết quả nghiên cứu về sự hâm mộ cuồng nhiệt của các nước với Kpop.Theo đó, VN xếp thứ 4 về mức độ yêu thích làn sóng HQ.Đi ngoài đường, thử nhìn kỹ, kiểu tóc nhọn, duỗi thẳng, nhuộm nâu đang chiếm đa số mái tóc của các cô gái trẻ VN. Thẩm mỹ viện HQ cũng đang chiếm thị phần lớn nhất ở VN…
Chúng ta còn nghe mọi người gọi HQ là “xứ kimchi” từ lâu.Món “quốc bảo” này vốn là món thích ứng của người Hàn. HQ có mùa đông dài lạnh khủng khiếp, không cây cỏ gì mọc được, nên họ phải muối củ cải để ăn dần. Vậy mà, kimchi giờ cũng thành “chiến lược quốc gia” với chuỗi kinh doanh cửa hàng ẩm thực HQ khắp thế giới (Chính phủ HQ đầu tư địa điểm để doanh nhân HQ kinh doanh), chưa kể phim ảnh, bảo tàng về kim chi…
Mình dở vì chưa biết cách làm
Một số sự kiện văn hoá tầm toàn cầu trong năm nay, đã có mặt giới trẻ làm văn hoá của VN tham gia. Tại triển lãm thiết kế London Design Biennale 2018 với hơn 40 quốc gia tham dự, có một nhóm thiết kế từ VN gồm: Vũ Thảo, Nguyễn Giang và Lê Thanh Tùng, tham gia với các khu trưng bày: một khu mô phỏng giếng Chăm và một phòng lab về nhuộm vải bằng các kỹ thuật truyền thống, và một khu tôn vinh bộ ký tự tiếng Việt truyền thống qua cách xử lý đương đại. Nhóm thiết kế Việt cho biết, họ muốn đưa ra một thông điệp về khả năng ứng tác của người Việt sử dụng các kỹ thuật truyền thống và biến hoá nó, để phù hợp với lối sống hiện đại, cũng như các nhu cầu về thiết kế đương đại.
Cũng giữa tháng 9, gần như cùng lúc với tuần thời trang London, một nhóm tác giả trẻ, trong đó chủ trì là một chuyên gia trẻ về trí tuệ nhân tạo VN: Vũ Duy Thức với robot Ohmni, loại robot gia đình lần đầu lên catwalk, gây chú ý đặc biệt.
Cách đây vài ngày, tại TP.HCM, diễn ra những buổi diễn cuối cùng của vở nhạc kịch Tiên Nga của một bộ đôi được quý trọng đặc biệt: nghệ sĩ Thành Lộc và nhạc sĩ Đức Trí. Chị Nguyễn Phi Vân viết những suy nghĩ về Tiên Nga: “Tối nay, đi xem vở The Lion King do Broadway lưu diễn tại Singapore. Vở diễn dàn dựng công phu quá, một festival màu sắc, ánh sáng, âm nhạc, vũ đạo, phục trang. Nhà hát Sands Theatre, có 1.680 ghế, full khoảng 90%, giá vé trung bình khoảng SGD 105/vé, tổng thu tương đương khoảng 2,7 tỷ đồng/đêm. Thu vậy mới đủ bù chi phí. Xem Lion King mà nhớ Tiên Nga. Vừa mới tối qua còn ở Sài Gòn, được đứa em dắt đi xem vở nhạc kịch Tiên Nga. Xem xong, cứ ngơ ngẩn tiếc tiếc… Kịch bản tốt, thoại hay, nhạc làm tôi khá bất ngờ, vì rất có bản sắc riêng nhưng lại rất hiện đại. Điều khiến tôi tiếc, Tiên Nga cần được đầu tư công phu, nghiêm túc hơn nữa, tức cần có sự quan tâm đầu tư văn hoá nghệ thuật của những ai đang quản lý, khai thác văn hoá nghệ thuật tại Việt Nam, để vở nhạc kịch trở thành một trong những vở diễn chính cho khách nước ngoài đến tham quan Việt Nam, hay đi lưu diễn trên thế giới”. Chị viết thêm: “Muốn xuất khẩu văn hoá để qua đó xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ Việt, có một cách là đầu tư vào nghệ thuật cho thật “tới”. Bằng bản sắc văn hoá, dân tộc và bản lĩnh nghệ thuật được hiện đại hoá.Thậm chí cứ bắt chước y xì cách Hàn Quốc mà làm đi”.
Thấy gì từ cách làm của xứ sở kim chi? Ý chí dân tộc, tính kỷ luật và khả năng tổ chức thực hiện của HQ đáng nể. Cứ nghĩ tới những gian hàng bán lèo tèo vài món “quốc túy” của Việt Nam trong các lễ hội quốc tế, mới thấy “cần phải có chiến lược quốc gia và vai trò tổng đạo diễn từ đầu tư tới tổ chức thực hiện mới quan trọng, thay vì chỉ ra tuyên ngôn”.
Kim Hạnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này