
11:22 - 14/06/2016
Tại sao có 100 tỷ USD, Microsoft lại đi vay tiền mua LinkedIn?
Microsoft có trong tay 100 tỉ USD, tức gấp 4 lần số tiền họ bỏ ra để mua lại mạng LinkedIn, vậy tại sao họ lại đi vay ngân hàng chứ không bỏ tiền túi ra? Câu trả lời có lẽ là để giảm tiền thuế phải đóng?

LindkedIn đang được Microsoft thương lượng mua lại với giá có thể là 26,2 tỷ USD bằng tiền vay để né thuế.
Lý do Microsoft vay tiền mua LinkedIn
Thoạt tiên, có thể thấy, hãng công nghệ khổng lồ này sẽ né không phải đóng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 35% nếu điều tiền từ các tài khoản nước ngoài về Mỹ.
Sự thực là Microsoft đang có hơn 100 tỷ USD, hầu hết số tiền này nằm ở nước ngoài, và nếu lấy khoản tiền này về Mỹ để chi trả cho thương vụ mua LinkedIn đến 26,2 tỷ USD, thì hãng sẽ phải đóng thuế.
Nhưng đó không chỉ là chuyện lợi ích duy nhất khiến Microsoft phải làm như thế.
Vay vốn cũng giúp cho Microsoft khấu trừ các khoản chi lãi suất, nhờ vậy tổng số thuế phải đóng ở Mỹ trong tương lai sẽ hạ thấp.
Và như vậy, thanh toán khoản tiền mua bằng nợ, Microsoft có thể hợp pháp né được khoảng 9 tỷ USD tiền thuế phải đóng ở Mỹ trong năm nay, và tiết kiệm được thêm hàng triệu USD trong những năm tới nhờ khấu trừ lãi suất để giảm thuế thu nhập.
“Đúng là một thế giới kỳ cục khi một
“Một công ty thừa mứa tiền mặt mà lại chọn cách đi vay nợ để né đóng thuế thì quả là chẳng ra làm sao cả”, Robert McIntyre, Giám đốc điều hành Citizens for Tax Justice nói.
Microsoft dự định chi trả tiền cho thương vụ mua LinkedIn “chủ yếu bằng nợ mới,” Giám đốc tài chính của Microsoft Amy Hood phát biểu trong một cuộc họp hôm thứ Hai khi nói về thương vụ này, nhưng không cho biết cụ thể số tiền bao nhiêu.
Một người phát ngôn của Microsoft đã không bình luận ngay về việc này khi được hỏi ý kiến.
Với động thái mới nhất này, Microsoft đứng vào hàng ngũ các công ty lắm tiền dựa vào đòn bẩy tài chỉnh để né thuế ở Mỹ.
Chẳng hạn trong năm 2015, Apple với hơn 180 tỷ USD ở hải ngoại, đã vay 6,5 tỷ USD để chi trả cổ tức.
Né thuế
Edward Kleinbard, một chuyên gia về thuế và giáo sư chuyên ngành luật và kinh doanh tại Đại học Southern California, cho rằng theo chính sách thuế hiện hành, việc vay tiền của Microsoft tương đương với “điều tiền về nước miễn thuế”.
“Tiền ở hải ngoại tiếp tục nằm yên, được đầu tư vào các danh mục tài sản, có được lợi nhuận – và số tiền vay mới cấn vào chi phí thu nhập, nên cả hai bù sớt cho nhau,” Kleinbard, cựu chánh văn phòng Uỷ ban Thuế hỗn hợp của quốc hội Mỹ, nói.
Các biện pháp kế toán phức tạp đó là kết quả của một chính sách đánh thuế thu nhập doanh nghiệp kiểu Mỹ: các công ty đa quốc gia của nước này bị đánh thuế dựa trên lợi nhuận thu được bất kỳ ở đâu trên thế giới, nhưng chỉ khi nào số tiền đó được chuyển về Mỹ.
Điều đó có thể giải thích tại sao các công ty với các cửa hiệu to đùng ở nước ngoài cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng tiền mặt. Ngược lại, hầu như các chính phủ khác miễn trừ lợi nhuận ở nước ngoài không tính thuế.
Tích trữ tiền
Các quy định về thuế đó khiến cho các tập đoàn của Mỹ tích trữ hơn 2.000 tỷ USD thu nhập trong các công ty con ở nước ngoài, và nếu lượng tiền này được đưa về Mỹ thì phải đóng thuế lên tới 300 tỷ USD, theo phân tích của hãng Bloomberg.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức vào năm 2009 đến cuối năm 2015, số tiền được các công ty đa quốc gia của Mỹ tích trữ đã tăng gần gấp đôi, lên đến 2,4 ngàn tỷ USD, theo một nghiên cứu hồ sơ của Citizens for Tax Justice.
Hãng dược Pfizer báo cáo hơn 193 tỷ USD lợi nhuận không đưa về nước vào cuối năm 2015. Còn Apple có hơn 200 tỷ USD. General Electric 104 tỷ USD, Google 58 tỷ USD và Goldman Sachs 28 tỷ USD…
Nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ, đặc biệt là trong ngành công nghệ và dược, trong nhiều năm qua đã vận động hành lang các quan chức liên bang để ban hành cái gọi là “kỳ nghỉ hồi hương”, nghĩa là cho phép họ chuyển tiền về nước với một mức thuế thấp hơn rất nhiều so mức hiện hành 35%. Theo đó thì các công ty sẽ đầu tư ở trong nước.
Nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Vào 2005, khi Quốc hội và Chính quyền của ông Bush tạm thời giảm mức thuế từ 35% xuống 5,25% trong trường hợp mang tiền về Mỹ, thì có 800 công ty đã chuyển về nước 300 tỷ USD.
Nhưng 92% số tiền đó được sử dụng để mua lại cổ phần và thưởng điều hành, theo một nghiên cứu sau đó của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia, và một số công ty trong số đó thu được các khoản lớn nhất từ giảm thuế đã đóng cửa nhà máy và sa thải hàng chục ngàn công nhân ở Mỹ.
Với một quốc hội chia rẽ sâu sắc và với cuộc chạy đua tranh cử tổng thống đầy tranh cãi đang diễn ra, các chuyên gia thuế đánh giá triển vọng về bất kỳ sự thay đổi lớn nào đối với chính sách thuế thì hầu như mù mịt.
Bằng cách vay tiền để thanh toán việc mua lại LinkedIn, Microsoft bảo lưu sự lựa chọn của mình tận dụng ưu thế không đem tiền về nước để né thuế trước khi quốc hội khoá tới và tổng thống mới thay đổi luật.
Trần Bích (Theo Bloomberg)
Theo VietQ.vn
Có thể bạn quan tâm
Thương lượng M&A: Đừng quá quan tâm đến lợi ích ngắn hạn
Danh sách thành phần trên nhãn thực phẩm
Hụt TPP có thể khiến FDI vào Việt Nam sụt giảm
Vinamilk khánh thành nhà máy sữa đầu tiên ở Campuchia
Người Thái lấn lướt trong làn sóng thâu tóm thị trường Việt
Tin khác


Giày Thượng Đình bất ngờ ‘hot’ nhờ màn lăng xê vô tình của các Tiktoker

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này