
17:20 - 06/09/2018
Burberry ngưng thiêu hủy hàng tồn trước chỉ trích gây ô nhiễm
Công ty sẽ tái sử dụng, sửa chữa hoặc tái chế các sản phẩm không bán được và ngưng sử dụng lông thú thật.

“Hàng cao cấp hiện đại phải mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội và môi trường,” giám đốc điều hành của Burberry, Marco Gobbetti, nói. Ảnh: TL
Burberry chấm dứt việc thiêu hủy các thứ quần áo, túi xách và nước hoa không bán được và cũng sẽ ngưng sử dụng lông thú thật sau khi bị chỉ trích từ các nhà vận động bảo vệ môi trường.
Nhà thời trang Anh quốc đã tiêu hủy các sản phẩm không bán được trị giá lên đến 28,6 triệu bảng hồi năm ngoái để bảo vệ thương hiệu của họ. Giá trị các mặt hàng bị tiêu hủy suốt năm năm qua lên đến hơn 90 triệu bảng.
Trước đây công ty bảo vệ cách làm của mình vì cho rằng năng lượng sản sinh từ việc đốt hàng hóa được giữ lại.
Tuy nhiên, giờ đây công ty cho rằng họ sẽ tái sử dụng, sửa chữa, tặng hoặc tái chế các sản phẩm không bán được. Công ty cũng chấm dứt sử dụng lông thú thật và cho rằng bộ sưu tập đầu tay từ giám đốc sáng tạo của công ty, Riccardo Tisci sẽ không có chút lông thú nào. Các sản phẩm lông thú hiện nay sẽ bị loại bỏ.
Giám đốc điều hành của Burberry, Marco Gobbetti, nói: “Hàng cao cấp hiện đại phải mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội và môi trường. Niềm tin này là cốt lõi đối với chúng tôi ở Berberry và là chìa khóa đối với sự thành công lâu dài của chúng tôi. Chúng tôi cam kết áp dụng tính sáng tạo tương tự cho tất cả các bộ phận của Burberry cũng như chúng tôi làm cho các sản phẩm của chúng tôi.”
Cách làm phổ biến của các công ty thời trang là đem tiêu hủy các mặt hàng để chúng không bị đánh cắp hoặc bán giá hời.
Đầu năm nay, hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Richemont đang sở hữu các thương hiệu Cartier và Montblanc, đã tiêu hủy gần 500 ngàn euro đồng hồ do hãng thiết kế trong hai năm qua để tránh sản phẩm bị bán với giá không tương xứng.
Tuy nhiên, các cổ đông của Burberry đặt câu hỏi tại sao các sản phẩm không bán được không đem cung cấp cho các nhà đầu tư tư nhân của công ty. Greenpeace cho rằng cách thiêu hủy hàng không bán được cho thấy “không tôn trọng sản phẩm của công ty và lao động nặng nhọc cùng với các tài nguyên được dùng để làm ra sản phẩm.”
Burberry nhắc lại rằng công ty có nghĩa vụ nghiêm túc về môi trường và hồi tháng 5 đã ủng hộ sáng kiến Make Fashion Circular (Làm cho thời trang lưu hành) của tổ chức Ellen MacArthur Foundation trong việc ngăn chận lãng phí trong ngành.
Trần Bích (The Guardian/MTG)
Có thể bạn quan tâm
Nhật Bản sẽ loại bỏ xe chạy bằng xăng trong 15 năm tới
Ước mơ bảo tồn của người thầy thành sự thật
Thái Lan: Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến người dân
TP.HCM: Ô nhiễm không khí gia tăng
Mitsubishi Corp. tính xây nhà máy điện gió ở Lào để bán điện cho Việt Nam
Tags:Burberrymôi trường
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này