10:49 - 19/08/2020
Tỷ lệ thanh niên Việt Nam thất nghiệp có thể tăng 13,2%
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố mới đây cho biết, tỷ lệ thanh niên Việt Nam thất nghiệp có thể lên tới 13,2% (cao gần gấp đôi năm 2019 là 6,9%).
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và ADB cho rằng, triển vọng việc làm của 660 triệu thanh niên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bị thách thức nghiêm trọng. Họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người lớn và có nguy cơ chịu các chi phí kinh tế và xã hội dài hạn hơn.
Theo báo cáo, trước đại dịch, giới trẻ đã phải đối mặt với thách thức trên thị trường lao động. Thách thức này trở nên tồi tệ khi gần một nửa số lao động trẻ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực đang tăng nhanh chóng.
Dự kiến đến cuối năm 2020, có 13 quốc gia sẽ chứng kiến sự nhảy vọt đáng kể của tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên. Mức tăng của tỷ lệ thất nghiệp có thể gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp cả chục lần so với năm 2019.
Việt Nam là một trong số những quốc gia như vậy. Báo cáo cho biết năm 2019, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của Việt Nam là 6,9%. Năm 2020, tỷ lệ này có thể đạt 10,8% (trường hợp ngăn chặn dịch trong ngắn hạn) và 13,2% (trường hợp ngăn chặn dịch trong dài hạn).
Nhưng theo ADB, Việt Nam chưa hẳn đã là trường hợp tồi tệ nhất. Trong số 13 quốc gia mà ADB đưa ra số liệu, tốc độ tăng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Campuchia. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp năm 2020 ở 2 trường hợp ngăn chặn dịch ngắn hạn và dài hạn của nước này lần lượt 9,4% và 13,1% – so với 1,1% năm 2019, tức mức tăng cao nhất là 13 lần.
Những quốc gia có tốc độ tăng tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 cao gồm: Bangladesh (20,5% hoặc 24,8% so với 11,9% năm 2019); Fiji (29,8% hoặc 36,8% so với 14,8% năm 2019); Pakistan (17,3% hoặc 21,5% so với 8,9% năm 2019); Philippines (15,1% hoặc 19,5% so với 6,8% năm 2019); Thái Lan (16,4% hoặc 22,1% so với 4,2% năm 2019)…
Quốc gia duy nhất có tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng chậm trong năm 2020 là Lào (2,4% hoặc 2,7% so với 1,7% năm 2019).
Để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm cho thanh niên, ADB khuyến nghị các chính phủ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần khẩn trương áp dụng quy mô lớn và các phản ứng có mục tiêu, tập trung vào 2 nội dung: Một là, cần có các chính sách toàn diện về thị trường lao động bao gồm trợ cấp tiền lương và các chương trình việc làm khu vực công. Hai là, cần giảm thiểu các tác động đối với các sinh viên trẻ tuổi do họ bị gián đoạn quá trình giáo dục và đào tạo.
“Ưu tiên việc làm của thanh niên và tối đa hóa năng suất của thanh niên trong quá trình phục hồi Covid-19 sẽ cải thiện triển vọng tương lai của châu Á và Thái Bình Dương đối với tăng trưởng đồng đều và bền vững, chuyển đổi nhân khẩu học và ổn định xã hội. Khi những người trẻ tuổi cảm thấy được trao quyền để kiếm sống thông qua hoàn thành công việc, năng lượng, sự sáng tạo và tài năng của họ được nuôi dưỡng, họ có thể đảm nhận vai trò của mình như một công dân tích cực. Điều này góp phần vào chu trình tích cực của tăng trưởng kinh tế, đầu tư và công bằng xã hội” – báo cáo của ADB khuyến nghị.
Theo Lưu Thủy/SGGP/ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này