13:54 - 04/06/2016
Trung Quốc đang tự cô lập tại Biển Đông
Với những yêu sách mới, cộng thêm các động thái quân sự hóa và bành trướng trên Biển Đông, Trung Quốc đang tự cô lập mình khi mà các quốc gia trong khu vực đang xích lại gần nhau hơn.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 15 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tiếp tục “bị gặm nhấm” bởi những yêu sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như âm mưu của Bắc Kinh tạo ra các căn cứ quân sự tại các đảo đang tranh chấp và tăng cường tuần tra biển để củng cố các yêu sách sai trái của mình.
Ông Carter khẳng định: “Các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang cô lập họ, vào đúng lúc toàn khu vực đang xích lại gần nhau”. Ông cũng cảnh báo “nếu các hành động này tiếp diễn, kết quả là Trung Quốc tự xây một bức Vạn lý trường thành cô lập mình”.
Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò) phi lý, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, khiến các nước láng giềng Đông Nam Á phẫn nộ, đồng thời đặt họ đối đầu với Mỹ vì yêu sách này gây ảnh hưởng tới hoạt động đi lại vô hại tại vùng biển quốc tế theo quy định của Công ước luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982. Washington đã điều tàu tuần tra tới các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định nước này không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Liên quan đến bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, Bộ trưởng Carter hối thúc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông để không làm phương hại tới tình hình an ninh khu vực.
Trước đó, truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một tiền đồn tại bãi cạn Scarborough, nằm cách bờ biển Philipines 230km, nơi Manila khẳng định nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ông Carter bày tỏ “hy vọng diễn biến này sẽ không xảy ra vì nó sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác phải hành động, không chỉ dẫn tới hậu quả là làm leo thang căng thẳng mà còn làm Trung Quốc bị cô lập thêm”.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Carter cho rằng chìa khóa của an ninh khu vực là tăng cường hợp tác quân sự trên toàn khu vực và tuân thủ các “nguyên tắc cốt lõi” như giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý và phát triển một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”. Ông nhấn mạnh: “Chỉ khi mọi người chơi theo cùng một luật, chúng ta mới có thể tránh phạm sai lầm trong quá khứ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng hưởng lợi từ các quan hệ quốc phòng tốt đẹp hơn, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau và tránh nguy cơ xảy ra sự cố. Ông cho biết “Mỹ mong muốn mở rộng các thỏa thuận giữa hai quân đội với Trung Quốc không chỉ nhằm giảm nguy cơ mà còn tăng cường hợp tác thiết thực”.
Đối thoại Shangri-La là diễn đàn then chốt để thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng, trong khu vực và xa hơn nữa.
Hơn 600 đại biểu đại diện cho các nước ASEAN, châu Á, châu Âu và Mỹ dự hội nghị an ninh cấp cao ở Singapore . Hơn 30 quốc gia đã cử phái đoàn tham dự, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này