10:00 - 03/02/2023
TP.HCM không có bất động sản ‘tồn kho’
Đó là một trong những nội dung vừa được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường bất đọng sản trên địa bàn TP trong quý 4/2022 và cả năm 2022.
Theo báo cáo, TP.HCM là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, trong đó thị trường bất động sản là một thị trường rộng lớn nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở, nhiều dự án được đầu tư, triển khai, thi công xây dựng. Trong lĩnh vực bất động sản, sản phẩm hoàn thiện tồn kho mới đáng lo ngại.
Bởi một dự án hay một căn hộ khi đã hoàn thiện mà không đưa vào sử dụng sẽ xuống cấp, chi phí bảo dưỡng…Còn tồn kho trong quá trình xây dựng thì không đáng lo ngại. “Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, sản phẩm tồn kho được tính từ thời điểm sau một năm kể từ ngày bất động sản đó đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, nhưng bất động sản đó không bán hoặc chưa bán được, TP.HCM không có số liệu này để báo cáo”- Văn bản nhấn mạnh.
Theo UBND TP, tình hình kinh tế – xã hội của TP.HCM quý 4 và cả năm 2022 giữ được sự ổn định, tăng trưởng GDP đạt kết quả tốt, chỉ số lạm phát vẫn được kiểm soát, các ngành kinh tế nhìn chung có sự phục hồi và tăng trưởng tốt. Sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, tập trung của chính quyền đã giúp cho thị trường bất động sản điều chỉnh được nhiều vấn đề. Cụ thể, thị trường bất động sản không còn tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ như những tháng đầu năm.
UBND TP đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư (dự án ảo), thiếu hệ thống hạ tầng. Hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS được tăng cường kiểm soát; kịp thời chấn chỉnh các hành vi mua bán trao tay, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường BĐS.
Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP.HCM đề xuất 10 giải pháp cần tháo gỡ từ các bộ, ngành Trung ương. Thứ nhất, phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP để đầu tư phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.
Thứ hai, dự án phát triển nhà ở chịu sự điều chỉnh, chi phối của rất nhiều luật khác nhau nhưng giữa các luật chưa có sự đồng bộ, thậm chí chồng chéo dẫn đến tình trạng xung đột, không thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước. Việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cần được nghiên cứu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và tháo gỡ các điểm nghẽn khi các luật được ban hành.
Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng xem xét gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình từ năm 2023 đến năm 2025.
Thứ tư, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp; cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng này.
Thứ năm, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh BĐS nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, hạn chế đầu cơ, động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Thứ sáu, rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh và phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ bảy, tăng cường kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán, ngăn chặn đầu cơ, thao túng, thổi giá… Tập trung kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS…
Thứ tám, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, cho vay đối với lĩnh vực BĐS bảo đảm đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.
Thứ chín, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp sổ hồng được phép chuyển nhượng dự án.
Cuối cùng là sớm ban hành quy định về thuế suất giao dịch BĐS và số lượng BĐS sở hữu chịu thuế để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, tăng nguồn thu từ giao dịch BĐS và đảm bảo hoạt động kinh doanh BĐS được minh bạch, lành mạnh.
Theo Đông Giang/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này