09:27 - 17/05/2017
Thủy điện Pak Beng: Có quyền lựa chọn phương án tổn thất
Vùng hạ lưu sông Mekong sẽ còn tổ chức bao nhiêu cuộc tham vấn nữa khi thượng nguồn xác định xây dựng ít nhất 11 đập thuỷ điện trên dòng chính?
Tại buổi Tham vấn quốc gia về dự án thuỷ điện Pak Beng diễn ra tại Cần Thơ ngày 12/5/2017, báo cáo kỹ thuật do công ty kỹ thuật Côn Minh sử dụng số liệu từ thập niên 1960 – 1970, trong khi những thay đổi gần như hoàn toàn đặc điểm thuỷ văn, thuỷ lực ở trung và hạ lưu sông Mekong khi Trung Quốc xây dựng sáu đập thuỷ điện trên dòng chính.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, giám đốc viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói việc tham vấn là cách đặt người dân ĐBSCL vào chuyện đã rồi, chỉ hướng tới giảm tác động chứ không có mục đích ngăn ngừa. 20 triệu dân vùng ĐBSCL mong muốn có được thông tin đầy đủ về an ninh nguồn nước, các thông báo và khả năng ứng phó, chứ hiện nay mỗi bộ một kế hoạch riêng, không lồng ghép nhau nên việc sử dụng nguồn nước và sinh kế và những tác động kép giữa biến đổi khí hậu và đập thuỷ điện không được cung cấp đầy đủ.
Ông Lâm Quang Thi, phó chủ tịch UBND An Giang, yêu cầu trong quá trình tham vấn và xây dựng các đập, các thông tin phải được công khai minh bạch. Riêng ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng Đồng Tháp có 123km dọc bờ sông Tiền kéo dài đến giáp Campuchia, sạt lở hết 60 – 100km, nên đưa ra kịch bản nào phù hợp với tình hình và xu hướng nước biển dâng là rất quan trọng. Nếu cuộc tham vấn không cản được các dự án ở thượng nguồn thì phải có cách tác động về chính trị, khoa học và kinh tế như thế nào cho phù hợp. Câu chuyện bức xúc của đồng bằng như vậy, nhưng cũng chỉ có lãnh đạo 3/13 tỉnh ĐBSCL có mặt tại buổi tham vấn để đưa ra ý kiến. Ông Đào Anh Dũng, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: hạn hán xâm nhập mặn gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất sinh hoạt của người dân trong năm 2016. Các địa phương như chúng tôi rất thiếu thông tin, trong khi sự phối phối hợp các thành viên uỷ ban Sông Mekong chưa được tốt, cần cung cấp thêm thông tin để địa phương đưa vào những kịch bản và kế hoạch kinh tế xã hội. Uỷ hội Sông Mekong nên có cuộc họp thường xuyên hơn để chia sẻ thông tin và lắng nghe ý kiến đóng góp của các địa phương.
Ông Trần Thanh Huân, bộ Ngoại giao, cho rằng các cuộc gặp gỡ giữa hai nước đều đề cập sử dụng nước hợp lý, an ninh nguồn nước Mekong luôn được nhắc tới. Tất cả dự án nước bạn có đã điều chỉnh nhưng điều chỉnh tương đối. Việt Nam là nước đóng góp 11% nguồn nước, trong khi Lào đóng góp vào 40%. Và phía thượng nguồn, họ không muốn bị ràng buộc bởi các cam kết này.
TS Dương Văn Ni: cách đây nửa thế kỷ, nguồn năng lượng thuỷ điện được cho là sạch và xanh. Tư duy lúc đó là vậy. Các nước thượng nguồn đang dựa vào đó như tấm bình phong uy hiếp các nước bên dưới. Đó là lỗ hổng lớn, phải đàm phán để sửa đổi cam kết năm 1995.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: trong vấn đề ngoại giao, đấu tranh có lý có tình. Việt Nam là nước góp phần an ninh lương thực thế giới nhờ ĐBSCL, không phải cho Việt Nam mà cho cả cộng đồng quốc tế. Thông lệ, cách đặt vấn đề là người nào gây thảm hoạ thì phải đền bù. Lào có đền bù thiệt hại cho Việt Nam không? Vì vậy Lào nên tập trung thuỷ điện trên vùng dòng nhánh, vì ở đó tiềm năng thuỷ điện đến 13.000MW, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn. Riêng TS Nguyễn Văn Sánh: nên đa dạng hoá giải pháp về kinh tế, giúp cho Lào có nhiều lựa chọn thuỷ điện, gió, mặt trời.
PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng để đảm bảo lợi ích của quốc gia và nước bạn, chúng ta nên kêu gọi hoãn xây dựng đề có đánh giá về mặt kỹ thuật đầy đủ hơn nữa, vì nhà đầu tư thiếu đánh giá tác động xuyên biên giới đến các quốc gia cuối nguồn, thông tin cung cấp sơ sài, số điểm lấy mẫu ít, phương pháp tính toán không tin cậy, chỉ ưu tiên điện, không ưu tiên bảo vệ môi trường.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân: nguồn nước là vấn đề sống còn, khó khăn cách mấy cũng kiên trì yêu cầu họ làm lại đánh giá thật chính xác. Logic của họ là lợi nhuận chứ không tôn trọng môi trường, lẽ ra phải đánh giá thật kỹ tác động tích luỹ theo thời gian, mực nước trước mắt và trầm tích giữ lại tác động trong 5 – 10 năm, nhưng điều đó và cơ chế vận hành các đập là một khoảng trống trong báo cáo. Họ cũng lờ đi yếu tố đập Pak Beng hoạt động trên vùng có nguy cơ động đất chu kỳ 5 – 10 năm ở 5 – 6 độ Richter. Nếu chu kỳ 50 năm có thể có những cơn động đất lên đến 7 độ Richter. Vỡ đập sẽ tác động dây chuyền.
Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, chủ tịch uỷ hội Sông Mekong Việt Nam, nói về cách ứng xử: mục tiêu là đảm bảo quyền lợi quốc gia Việt Nam, cân bằng lợi ích của Lào và các nước thượng nguồn. Cũng phải nhìn nhận bối cảnh xu thế phát triển năng lượng Lào và các nước thượng nguồn là tất yếu và tác động cũng là tất yếu đối với Việt Nam. Chúng ta nên đưa ra các phương án tổn thất và lựa chọn chủ trương phù hợp nhất (!).
Hà My – Nam Việt
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này