09:39 - 10/11/2021
Phập phồng lo vé Tết: cả người dân và doanh nghiệp cùng dè dặt
Thay vì rục rịch lên kế hoạch mua vé về quê ăn tết, nhiều người dân tại TP.HCM tỏ ra khá e dè, chờ diễn biến dịch bệnh.
Mọi năm, cứ khoảng đầu tháng 11 là chị Thanh An (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu gọi điện hỏi vài hãng xe quen lịch bán vé xe khách về Phú Yên dịp Tết Nguyên đán. Công việc linh hoạt, có thể làm online từ xa nên chị An thường chọn mua vé sớm cho rẻ. Thế nhưng năm nay, hỏi đến vé tết, chị dửng dưng bảo: “Tình hình dịch thế này, biết tết có được về hay không mà mua sớm”.
Theo chị An, thực tế vé xe tết từ khi bắt đầu mở bán thì giá đã tăng gấp 2 – 3 lần. Tất nhiên mua muộn thì khả năng không còn chỗ hoặc phải ngồi ghế phụ, còn giá vé cũng không chênh lệch bao nhiêu. Trong khi đó, một số nhà xe chỉ bán vé tết trực tiếp, không cho đặt qua điện thoại hoặc online. Khách đi mua vé rất cực, phải đến tận nơi ngồi chực chờ cả buổi. Do đó, nếu mua vé mà không đi được thì cũng khó đổi vì không ai có thời gian lên chờ đợi thêm 1 buổi nữa để đổi vé. Thông thường, mọi người hay đăng lên các nhóm cộng đồng, đồng hương trên Facebook để tìm người bán lại.
“Như thế cũng rất tốn công, tốn sức. Năm nay lại càng không biết thế nào, nhiều người đã về từ đợt dịch, ở luôn đến tết không vào. Có nhiều người lại sợ đi xe khách, tự lái xe máy hoặc thuê xe riêng về nên có khi khó bán lại. Tốt nhất là cứ chờ thêm tới gần tết xem tình hình dịch bệnh thế nào rồi tính. Cứ từ từ cho chắc…”, chị An nói.
Ngoài phương tiện xe khách, nhiều người con xa xứ như trường hợp anh Trần Thanh Tùng (ngụ quận 7) cũng cho biết chưa hề nghĩ tới chuyện canh mua vé máy bay ra Hà Nội ăn tết vì lý do “bài học từ năm ngoái”. Năm 2020, ngay khi các hãng hàng không đua nhau “tung” vé tết từ giữa quý 3, anh Tùng đã vội vàng đặt vé về ngày 27 tháng chạp với giá của Hãng Vietnam Airlines là hơn 2 triệu đồng/chiều, rẻ hơn nhiều so với những người mua giai đoạn sau đó. Thế nhưng gần tới ngày về thì dịch bùng phát, anh phải vội vàng đổi vé, về trước 2 ngày để “thoát dịch”.
“Nếu muốn săn được vé rẻ thì phải mua từ rất sớm. Như thế thì sau mỗi lần kiểm tra lại thông tin, lại thấy chuyến bay bị dời lại một chút. Mua vé sáng mà có khi đến lúc bay đã chuyển thành bay đêm. Chưa kể giờ còn chưa biết tới gần tết tình hình dịch bệnh ra sao. Lỡ dịch có bùng lại thì khó về, đổi vé phức tạp lắm”, anh Tùng chia sẻ.
Ghi nhận tại ga Sài Gòn chiều 9/11 chỉ có lác đác vài khách hàng tới hỏi mua vé tết. Hầu hết đều là những người lao động đã mua vé từ tết năm ngoái và trong năm rồi nhưng không về được, tới để hỏi thông tin việc bảo lưu, đổi vé cho dịp tết năm nay.
Doanh nghiệp cũng dè dặt chờ đợi
Không chỉ người dân có tâm lý chờ đợi diễn biến của dịch bệnh, các hãng máy bay, tàu xe cũng đang cẩn trọng chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Năm ngoái, từ tháng 8, cả 4 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã đua nhau tung hàng triệu vé trên tất cả các chặng nội địa. Thậm chí, dù dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý và kinh tế của người dân thời điểm đó nhưng tại một số chặng “hot” như Hà Nội – TP.HCM, TP.HCM – Đà Nẵng… số chỗ mở bán Tết Tân Sửu 2021 còn cao hơn so với tết năm Canh Tý 2020. Hết đợt bán đầu, các hãng lại mở thêm nhiều đợt sau, nguồn cung dồi dào. Vậy mà năm nay đã gần tới giữa tháng 11 vẫn chưa có hãng hàng không nào công bố kế hoạch mở bán vé tết.
Đại diện Bamboo Airways thông tin hãng đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực để phục vụ, đáp ứng đủ nhu cầu người dân tăng cao dịp tết. Tuy nhiên, một phần do hàng không mới mở cửa trở lại nên mở bán vé tết muộn hơn, một phần do kế hoạch bán vé hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch tổ chức của Bộ GTVT và số lượng slot được cấp cho giai đoạn tới từ Cục Hàng không. Đồng thời, hãng cũng phải nương theo các quy định, yêu cầu phòng chống dịch của từng địa phương để lên kế hoạch tổ chức mạng bay cho phù hợp. “Có thể trong một vài ngày tới, Bamboo Airways sẽ công bố chính thức kế hoạch bán vé tết”, vị này nói.
Một số nhà xe chạy tuyến TP.HCM – Tuy Hòa, Đà Nẵng cũng cho biết chưa mở bán vé tết. Hiện nay tuy các nhà xe đã chạy lại gần như với tần suất bình thường nhưng vẫn giới hạn số phương tiện. Các nhà xe dự kiến tới tháng 11 âm lịch, tùy theo tình hình dịch bệnh mới tổ chức mở bán vé tết.
Như vậy, cho đến nay mới chỉ có đường sắt là ngành đầu tiên nhận đăng ký vé tàu tết. Theo kế hoạch của Tổng công ty Đường sắt VN, từ 4 – 12/11, ngành đường sắt nhận đăng ký vé tập thể (ưu tiên cho hành khách bảo lưu tiền vé trong năm 2021). Từ 8 giờ ngày 15/11 bán vé cho các tập thể đã đăng ký và bán vé cá nhân. Lịch chạy tàu từ ngày 20/1/2022 đến hết 13/2/2022 (tức từ 18 tháng chạp năm Tân Sửu đến 13 tháng giêng năm Nhâm Dần).
Trong đợt đầu này, ngành đường sắt sẽ mở bán vé các tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 và các tàu địa phương khác. Hành khách được giảm 10% giá vé nếu mua từ 15 – 24/11 trong thời gian cao điểm (tàu chẵn trước tết, tàu lẻ sau tết); giảm 20% giá vé cho sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề. Bên cạnh đó, hành khách cũng sẽ được giảm 5% giá vé khi mua vé khứ hồi lượt về; giảm đến 40% giá vé trong thời gian thấp điểm.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết: Theo quy định của Bộ GTVT hiện nay đường sắt vẫn được tổ chức chở khách với số lượng như bình thường. Hành khách đi tàu chỉ cần khai báo y tế và tuân thủ 5K. Chỉ những khách đi từ vùng dịch cấp độ 4 mới yêu cầu có chứng nhận tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19.
Theo Hà Mai/Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này