09:23 - 24/10/2016
Lỗi không chỉ của Hố Hô
Thuỷ điện Hố Hô vừa là nguyên nhân trực tiếp gây hậu quả xấu cho xã hội, nhưng cũng là nạn nhân của một quá trình “phát triển nóng”, với nhiều sai lầm, thiếu sót trong quản lý điều hành của cơ quan chức năng.
Trong mấy ngày nay, ảnh hưởng của việc xả lũ thuỷ điện Hố Hô (Hà Tĩnh), đã gây ra những luồng dư luận trái chiều. Vậy bản chất vấn đề này như thế nào?
Công trình thuỷ điện Hố Hô với công suất 14MW, là loại thuỷ điện nhỏ dưới 30MW (theo phân loại của Bộ Công Thương), do UBND tỉnh lập quy hoạch, được Bộ Công Thương đồng ý đưa vào thiết kế, thi công và chính thức hoạt động từ năm 2010.
Sai lầm “cơ bản” trong công tác quy hoạch
Điều đáng lưu ý là dự án này đã được Bộ Công Thương rà soát và đồng ý cho tiếp tục hoạt động, không đưa vào danh sách hơn 400 dự án thuỷ điện nhỏ để Quốc hội loại bỏ.
Như vậy, rõ ràng hậu quả xả lũ, gây thiệt hại tài sản của nhà dân và những công trình công cộng ở hạ du, thì trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà máy thuỷ điện, mà còn có liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc duyệt quy hoạch đó.
Vì sao? Khi có chủ trương của Chính phủ rà soát quy hoạch xây dựng thuỷ điện, đối với dự án thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Hố Hô, đã được coi là không hiệu quả về kinh tế và có nhiều rủi ro khi vận hành.
Lý do không hiệu quả thì đã được báo chí nêu ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương khi vào xem xét hậu quả xả lũ của thuỷ điện này.
Còn lý do về kỹ thuật khiến cho nhà máy này được xếp trong loại cần phải theo dõi khi xả lũ, chính là bắt nguồn từ đặc điểm nhiệm vụ thiết kế.
Dự án này nằm trên sông nhánh lòng dẫn hẹp, độ dốc lớn, không có địa hình thuận lợi làm hồ chứa lớn, nên dự án chỉ có nhiệm vụ tích nước để phát điện, không có dung tích phòng lũ như các hồ thuỷ lợi.
Đó là lý do giải thích vì sao trong trận lũ vừa qua, nhà máy phải mở hết 3 cửa tràn để xả liên tục với Q lớn nhất tới trên 1800m3/giây, mặc dù biết hạ lưu đang gây ngập nặng cho người dân.
Theo kinh nghiệm của những chuyên gia về quản lý dự án thuỷ lợi – thuỷ điện, thì khi có sai lầm về quy hoạch thì cơ bản không còn cách nào chữa được.
Ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, khi xây dựng hồ chứa, là phải đảm bảo quyền lợi của cả công đồng ở hạ lưu của hồ chứa. Nói một cách khác, hồ chứa phải mang tính tổng hợp về nguồn nước.
Như vậy chỉ quan tâm đến dung tích nước cho phát điện, bỏ qua dung tích phòng lũ, có nghĩa treo trên đầu người dân hạ du “hàng triệu m3 nước”, giống như “quả bom nổ chậm”, không biết lúc nào phát hoả. Khi chưa có hồ chứa thuỷ điện, quy luật lũ lên, xuống, người dân đã quen thích nghi.
Họ biết rất rõ, ví dụ, lũ lên chỉ trong phạm vi 1 – 3 ngày sau đó trong khoảng 7 – 10 ngày nước sẽ rút, mức nước sẽ ngập sâu cao nhất bao nhiêu… Người dân hoàn toàn chủ động ứng phó với lũ. Còn khi xây dựng hồ chứa, họ hoàn toàn bị động với cái gọi là “xả lũ đúng quy trình”.
Từ phân tích trên, thì trách nhiệm về hậu quả xả lũ, trước tiên thuộc về nhà máy, sau đó có liên quan đến Bộ Công Thương. Còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao?
Như trên đã phân tích, dự án thuỷ điện này, chính do địa phương xây dựng quy hoạch. Ngay từ lúc khảo sát làm quy hoạch thuỷ điện, địa phương biết rất rõ, dự án này, chủ yếu nằm trong địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, nên tài liệu cơ bản thu thập để lập quy hoạch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi.
Địa phương còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn, sự phối hợp giữa các sở ngành trong quá trình lập, thẩm định hoặc phê duyệt quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ. Nhận xét này có thể làm rõ mối nguy hiểm vỡ đập của nhà máy khi nào không biết?
Theo đánh giá về chất lượng công trình đập dâng nước, hạng mục quan trọng nhất của hồ chứa, thì hiện nay hai vai đập đều là những đá diệp thạch.
Đặc điểm loại đá này khi khô thì rất cứng, song khi ngâm nước thì bị tan rã, do vậy các lớp đá đó ngâm nước lâu ngày, khi rút nước trong hồ nhanh thì đá sẽ bị sạt trượt.
Nhận xét của đoàn kiểm tra Bộ Công Thương vừa qua đã nêu vấn đề này. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia địa chất, không cho phép xây đập trên những lớp diệp thạch đó.
Vậy cũng theo “xả lũ đúng quy trình” như vừa qua, nếu lũ còn lớn, vẫn phải tiếp tục mở cửa tràn để mức nước trong hồ rút nhanh, thì chắc chắn đập sẽ bị đẩy trượt và hậu quả lại càng nghiêm trọng hơn.
Chỉ cần những dẫn chứng nêu trên, cũng có thể đồng cảm với dư luận là “xả lũ không đúng quy trình”, bởi lẽ, người dân biết đâu nội tình của quá trình khảo sát, lập và phê duyệt quy hoạch, thiết kế, nhà máy thuỷ điện này có nhiều điều rủi ro như vậy.
Giải quyết thế nào với Hố Hô?
Phương án trước mắt và cụ thể là phải điều chỉnh lại qui trình xả lũ này. Theo TCVN 8414:2010 về quy trình quản lý vận hành, khai thác và kiểm tra hồ chứa.
Quy định chung là các hồ chứa phải được vận hành khai và khai thác theo quy trình đã được phê duyệt và có phương án phòng chống lụt bão, lũ lụt cho vùng hạ du, phương án bảo vệ đập theo quy định.
Như vậy, theo tiêu chuẩn này, cái quy trình được gọi là “đúng”, đã bỏ mất phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du.
Những quy trình xả lũ đều được lập theo đầu năm và được phê duyệt, xong trong mùa lũ, căn cứ vào tình hình khí tượng thuỷ văn thực tế và dự báo ngắn hạn để điều chỉnh kế hoạch tích, xả nước cho thích hợp.
Đây là kỹ thuật khó nhất để điều tiết lượng nước trong hồ chứa, vừa phải xả nước để bảo vệ đập khỏi bị nước tràn qua, như thuỷ điện Hố Hô đã bị sự cố năm 2010, mà còn phải tích lại để bảo vệ hạ du không bị ngập.
Nếu chỉ theo dự báo của ngành khí tượng thuỷ văn thì rất khó xử lý, như dư luận nêu “nhà máy hứa báo trước 2 ngày để xả lũ, song chỉ báo trước được gần hai giờ đồng hồ”. Lý do chính là dự báo, có thể đúng và cũng có thể sai.
Do vậy nhà máy phải chủ động nắm được diễn biến mực nước trong hồ, để biết khi nào phải xả nước, khi nào phải tích nước. Để giải quyết kỹ thuật này, các nhà khoa học của trường đại học thuỷ lợi đã xây dựng biểu đồ tích nước mùa lũ để an toàn cho đập và hạ du.
Biểu đồ có cấu tạo, gồm ba vùng được giới hạn bởi hai đường giới hạn dưới và giới hạn trên. Ngay khi có mưa lũ, mực nước hồ bắt đầu dâng cao, người quản lý phải tiến hành theo dõi, đo đạc mực nước hồ và cập nhật thông tin vào biểu đồ với tần suất 15 phút /1 lần. Liên tục phân tích và xử lý theo 3 tình huống sau:
Thứ nhất, nếu tại thời điểm quan trắc, mực nước hồ rơi vào vùng “an toàn cao” thì có nghĩa lũ đến hồ nhỏ hơn lũ thiết kế, mực nước trong hồ sẽ nhỏ hơn mực nước dâng bình thường. Hồ làm việc bình thường;
Thứ hai, nếu tại thời điểm quan trắc, mực nước hồ rơi vào vùng “an toàn”. Cảnh báo lũ đến hồ vượt lũ thiết kế, mực nước hồ có nguy cơ vượt mực nước dâng bình thường, nhưng vẫn thấp hơn mực nước lũ kiểm tra. Mặc dù hồ vẫn nằm trong phạm vi an toàn, tuy nhiên cần thao dõi sát sao và để phòng mưa lũ bất thường…
Thứ ba, nếu tại thời điểm quan trắc, mực nước hồ rơi vào vùng “mất an toàn”. Cảnh báo nguy cơ mực nước hồ sẽ vượt mực nước lũ kiểm tra, hồ đang trong tình trạng nguy cơ cao về mất an toàn. Cần khẩn trương có pương án ứng phó khẩn cấp, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Từ những tính toán trên, DN đầu tư thủy điện Hố Hô phải thông báo diễn biến với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương để có kế hoạch sơ tán dân kịp thời lên cao.
Phương án lâu dài, Nhà nước cần yêu cầu Bộ chủ quản có lộ trình để nhà máy thuỷ điện Hố Hô chấm dứt hoạt động vì có nhiều tiềm ẩn rủi ro về công trình. Lộ trình này được thực hiện theo phương châm “chia sẻ rủi ro” giữa nhà nước và doanh nghiệp nhỏ này. Mục tiêu là nhà máy phải mau chóng thu hồi vốn để chấm dứt hoạt động.
Song theo kinh nghiệm của những nhà quản lý dự án về thuỷ điện, thì những nhà máy nhỏ như thuỷ điện Hố Hô, cũng cần ít nhất 30 năm mới thu hồi đủ vốn.
Chúng ta chỉ nhìn doanh số bán điện của nhà máy trong những năm 2013, 2014, 2015, thì số giờ chạy tổ máy luôn thấp hơn số giờ tính toán.
Lý do chính là lượng nước đến ít hơn tính toán. Ngoài ra giá bán của thuỷ điện nhỏ cũng quá thấp so với thuỷ điện vừa và lớn.
Nếu để chờ thu hồi xong vốn, với tình trạng trên, thì chắc chắn thời gian còn dài nữa. Do vậy ở đây cần bàn tay nhà nước hỗ trợ trong việc giải quyết nguồn vốn vay mà doanh nghiệp đang nợ.
Chúng ta đã áp dụng lộ trình cho những DN nhỏ phá sản, do vậy thuỷ điện Hố Hô cần được đưa vào danh sách hỗ trợ này. Việc làm này hàm ý, những phần tiền đóng thuế của DN này trước đây sẽ được hoàn lại một phần, để họ trang trải nợ nần.
Mặt khác cũng mau chóng chấm dứt những đau khổ của người dân ở hạ lưu công trình bằng cách “tháo quả bom nổ chậm” trên đầu của họ.
GS.TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thuỷ lợi VN
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này