
10:52 - 07/07/2016
Liệu nguy cơ ‘giết’ sông Hậu của nhà máy giấy Lee&Man có hiện hữu?
Tập đoàn Lee&Man Paper Hongkong – Trung Quốc (doanh nghiệp mẹ của Dự án) đã bị Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới xếp vào danh sách “các nhà sản xuất không chịu cung cấp số liệu liên quan đến dấu chân môi trường”, tức là che giấu thông tin gây ô nhiễm môi trường ở những nơi có cơ sở hoạt động.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5510/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Cty TNHH Lee&Man Việt Nam tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A ở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang).
Thủ tướng giao Bộ TN-MT chủ trì, cùng UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do hoạt động của nhà máy giấy.
Hiện Tổng cục Môi trường đang tiến hành thanh tra.
Con số và phản đối
Tại lễ động thổ sáng 6/8/2007, đại diện chủ đầu tư giới thiệu đây là “một trong những nhà máy sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD”, 100% của nước ngoài.
Dự án gồm một nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng dùng trong ngành đóng gói hàng hóa có công suất 1 triệu tấn/năm, một nhà máy giấy công suất 1,5 triệu tấn/năm, một nhà máy điện, một nhà máy xử lý nước thải và một cảng sông.
Phát biểu tại lễ động thổ, vị đại diện Tập đoàn Lee&Man nói: “Điều quan trọng nhất, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra trong khi vẫn đảm bảo môi trường trong sạch và an toàn qua việc ứng dụng những công nghệ và phương pháp bảo vệ môi trường tốt nhất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thế giới”.
Có mặt dự lễ động thổ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng lúc đó, chỉ đạo tỉnh Hậu Giang ổn định cuộc sống cho 398 hộ dân phải di dời để lấy mặt bằng xây dựng Nhà máy và chỉ đạo các tỉnh trong vùng ĐBSCL tận dụng cơ hội trồng cây công nghiệp làm nguyên liệu cho Nhà máy để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Nhưng đúng một tháng sau, ngày 6/9/2007, Cục Lâm nghiệp có công văn cho rằng ĐBSCL không đủ nguyên liệu cung cấp cho nhà máy và mỗi năm đổ ra sông Hậu 28.500 tấn xút sẽ phá hủy môi trường.
Cục Lâm nghiệp kiến nghị Thủ tướng xem xét để có thể “cho dừng ngay việc xây dựng nhà máy”.
Cuộc họp đồng thuận
Ngày 19/9/2007, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức cuộc họp để giải thích về dự án, có đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, chủ đầu tư, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân và nhiều nhà báo.
Tài liệu tại cuộc họp giới thiệu 5 nhà máy giấy, bột giấy của Lee&Man đang hoạt động ở Trung Quốc và Mỹ, với giấy chứng nhận của các tổ chức bảo vệ môi trường có uy tín trên thế giới là Lee&Man bảo vệ môi trường tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lúc đó là ông Huỳnh Minh Chắc cho biết, đã sang Trung Quốc xem các nhà máy giấy và bột giấy của Lee&Man bên sông Dương Tử, được nhân dân và chính phủ Trung Quốc chấp nhận.
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, dây chuyền xử lý nước thải của Nhà máy Giấy Lee&Man ở Hậu Giang thuộc loại tiên tiến, có 22 công đoạn xử lý (hơn các nhà máy ở Trung Quốc 2 công đọan là xử lý mùi và Penton). Nước đổ ra ao nuôi được cá, “nên về môi trường là khá yên tâm”, ông Trân nói.
Về con số 28.500 tấn xút thải ra sông Hậu mỗi năm trong công văn phản đối của Cục Lâm nghiệp, TS Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho rằng đó là nhận định không hiểu biết về sản xuất giấy và bột giấy.
Theo ông Bảo, các nhà máy bột giấy hiện nay không dùng xút trong sản xuất.
Ý kiến chuyên gia
Sau lễ động thổ, qua nhiều lần điều chỉnh, diện tích còn hơn 62ha và do khó khăn về tài chính nên dừng lại đến năm 2014 mới tái khởi động, nay sắp đi vào hoạt động.
Tiến sỹ Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, Tập đoàn Lee&Man Paper Hongkong – Trung Quốc (doanh nghiệp mẹ của Dự án) đã bị Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới xếp vào danh sách “các nhà sản xuất không chịu cung cấp số liệu liên quan đến dấu chân môi trường”, tức là che giấu thông tin gây ô nhiễm môi trường ở những nơi có cơ sở hoạt động.
Theo ông Tuấn, Tập đoàn này có Nhà máy giấy Lee&Man xả thải bất hợp pháp ra sông Trường Giang, bị Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc yêu cầu ngưng sản xuất, sau đó biện bạch là “ngưng sản xuất vì vấn đề môi trường ở công trường xây dựng và nhà máy”.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008.
Nhận xét về ĐTM này, chuyên gia nghiên cứu sông Mekong và ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện nói: “Việc tham vấn cộng đồng quá mức sơ sài. Giám sát như chuyện đùa”.
Ông Thiện cho biết, văn bản ĐTM chỉ gửi cho UBND và Ủy ban MTTQ xã Phú Hữu A. Vì hai cơ quan cấp xã không đủ năng lực để phản hồi có ý nghĩa nên trong văn bản ngày 24/9/2007, bày tỏ ủng hộ Dự án và chỉ dặn dò “cần lưu ý thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường”.
Phần tham vấn cộng đồng dân cư do Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) tiến hành, chỉ khảo sát 20 người dân ở xã Phú Hữu A về tác động đối với đất, nhà và hoa màu.
Khảo sát không hề nói cho người dân biết về nguy cơ tác động đối với nguồn nước, thủy sản. Do đó, tất cả các ý kiến đều đánh giá tích cực sự hình thành và hoạt động của Dự án, người dân chỉ kiến nghị giải tỏa đền bù thỏa đáng.
“Tôi xin nhấn mạnh về thủy sản nước ngọt ĐBSCL. Nguồn thủy sản liên quan đến sông Mekong ước tính 220.000 – 440.000 tấn/năm và sản lượng đánh bắt thủy sản ven biển ĐBSCL khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm. Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, vào mùa khô, thủy sản tập trung rất nhiều ở cửa sông Hậu, nên thảm họa môi trường xảy ra tại đây sẽ có hậu quả cực kỳ nghiêm trọng”, ông Thiện nói.
Mối quan ngại chính nằm ở chất lượng nước thải của Dự án, nhưng ĐTM cho biết tổng kinh phí giành cho giám sát 15 chỉ tiêu chất lượng nước thải trong giai đoạn hoạt động, một năm chỉ 43.960.000 đồng với tần suất giám sát là 4 lần.
Ông Thiện nhấn mạnh: “Con số kinh phí dành cho giám sát chất lượng nước thải so với rủi ro những thiệt hại to lớn như vậy thì rõ ràng là như chuyện đùa”.
Sáu Nghệ
Theo Nongnghiep.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này