
08:52 - 19/01/2017
Kẹt xe sao lại do dân?
Xe kẹt triền miên, bất kể giờ giấc đã được không ít các cơ quan chuyên môn đẩy hết trách nhiệm cho người dân và doanh nghiệp. Chuyện khó tin vậy đang xảy ra ở TPHCM.

Xe taxi vượt gấp đôi mức quy hoạch đã lấn sang cả làn xe gắn máy nhưng những nhà làm chính sách lại luôn luôn muốn dẹp xe gắn máy.
Bất kể giờ giấc
Cụ thể, trưa 16/1, dù không phải giờ cao điểm nhưng đường Trường Sơn, đoạn trước sân bay Tân Sơn Nhất, ôtô vẫn xếp hàng dài, nhích từng chút để di chuyển theo hướng đến vòng xoay Lăng Cha Cả.
Trong dòng ôtô chen chúc trên đường, lượng taxi chiếm phần lớn. Đa phần taxi lưu thông từ sân bay nối đuôi nhau chạy ra đường Trường Sơn liên tục chuyển làn, cắt mặt người đi xe máy khiến đoạn đường này luôn bị dồn ứ.
Các phương tiện từ đường Bạch Đằng quẹo trái qua đường Trường Sơn và các phương tiện đi ra từ sân bay Tân Sơn Nhất đều bị nghẽn lại tại khu vực trên do hướng lưu thông bị xung đột dù đèn tín hiệu giao thông đã được bố trí. Nhiều người đi xe máy phải di chuyển chậm chạp, mệt mỏi dưới cái nắng gay gắt giữa trưa dù chạy đúng làn đường.
Ở hướng ngược lại, các phương tiện cũng phải xếp thành hàng dài mỗi khi có đèn đỏ và nhiều thời điểm trở nên bát nháo khi đèn tín hiệu chuyển xanh. Lượng phương tiện quá nhiều nên chỉ cần một sự cố giao thông nhỏ cũng khiến trục đường Trường Sơn bị nghẽn, mà vụ kẹt xe nghiêm trọng vào ngày 9/1 là điển hình. Đáng chú ý, bãi đậu taxi ở số 58 Trường Sơn (đối diện cổng sân bay Tân Sơn Nhất) cũng là một yếu tố gây kẹt xe tại khu vực trên do taxi thường xuyên vào ra, chặn ngang các phương tiện đang lưu thông khác.
Còn ở đường Cộng Hoà, Trường Chinh, Âu Cơ thì chỉ có thể nói là hỗn loạn triền miên. Tương tự, ở cửa ngõ phía đông, ùn tắc, tai nạn liên tục xảy ra trên xa lộ Hà Nội và quốc lộ 13. “Giờ ai cũng có thể biết ở thành phố ám ảnh và sợ gì nhất rồi: kẹt xe không lối thoát”, anh Trần Hoàng Thắng, ngụ quận Bình Thạnh, nói.
Anh Thắng cho rằng, giờ chạy xe từ cầu Thị Nghè về cầu kinh Thanh Đa, đoạn đường chưa tới 3km nhưng trung bình phải mất 30 phút. Còn chị Hoàng Thị Hằng thì cho rằng rơi vào cảnh kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ cao điểm nếu có con nhỏ thì chỉ biết khóc, chứ chẳng thể biết làm gì. Cứ nhắc đến là sợ, là ớn.
Bi kịch: quýt làm cam chịu
Nói về vấn nạn kẹt xe đang hoành hành những ngày cận tết trên phương tiện truyền thông, lãnh đạo sở Giao thông vận tải TPHCM cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông là tối quan trọng, nhưng do ý thức chưa cao nên đã góp phần đẩy kẹt xe ngày càng thêm trầm trọng; rồi lực lượng thanh tra giao thông cũng cho rằng các loại taxi, xe tải giờ thường xuyên coi thường luật giao thông, hứng là dừng, hứng là quay đầu… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc ngày càng nhiều ở TPHCM.
Đặc biệt, mới đây không ít cơ quan chuyên môn đã buộc tội chính thân nhân những hành khách đi máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những nguyên nhân đẩy tình trạng ùn tắc ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào thế không lối thoát.
“Một người đi, đến sân bay mà cả chục người đưa tiễn, đón rước thì không kẹt mới lạ”, đó là nhìn nhận của cơ quan chức năng. Đặc biệt, sở Giao thông vận tải TPHCM còn cho rằng xe tải nhỏ là một trong những loại phương tiện góp phần gây ùn tắc giao thông. Theo đó, sở này đang lên kế hoạch cấm loại phương tiện này lưu thông vào khu vực nội ô TPHCM vào thời gian cao điểm để giảm ùn tắc.
Bình luận về những nhận định trên, ông Lê Trung Cường, cán bộ hưu trí ngành đường sắt cho rằng cơ quan chức năng đổ hết tội cho người dân và doanh nghiệp là không ổn. Đúng là có phần lỗi ở ý thức (nhưng lỗi này thực sự xuất phát từ việc bế tắc trong điều hành giao thông là chính – NV) nhưng lỗi lớn nhất ở đây ai cũng có thể nhìn thấy là việc quản lý quy hoạch của các cơ quan chức năng lỏng lẻo, từ giao thông cho đến đô thị.
Đơn cử như theo quy hoạch taxi đến năm 2020, số lượng taxi không vượt quá 12.700 xe. Thế nhưng, đến cuối năm 2016, lượng taxi hoạt động trên địa bàn đã vượt gấp đôi quy hoạch, với hơn 26.000 xe (gồm 11.060 taxi truyền thống và khoảng 15.300 xe Uber, Grab). Tình hình thêm trầm trọng khi một số lượng lớn taxi từ nhiều địa phương khác được các doanh nghiệp đưa về TPHCM hoạt động và rất nhiều taxi “dù” thoải mái hoạt động.
Hay theo quy hoạch đô thị thì khu trung tâm TPHCM phải hạn chế tối đa cấp phép xây dựng cao ốc, nhưng cao ốc hiện vẫn cứ thi nhau mọc lên kể cả ở những khu được quy hoạch là khu thấp tầng như quận 3, và tới đây cao ốc sẽ còn mọc đầy bờ sông Sài Gòn. Vậy thì rõ là thấy lỗi tại ai rồi!
Còn đa số các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, lỗi ở ý thức người dân chỉ là một phần, còn lại là chuyện phân luồng giao thông, bố trí dải phân cách của ngành chức năng chưa hợp lý nên đã khiến tình trạng giao thông ở TPHCM ngày càng rối. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng chính việc quản lý và điều hành giao thông còn nặng về thủ công; thiếu mô hình giao thông dự báo và điều hành là nguyên nhân gây bế tắc trên đường.
“Phải gỡ từ gốc thì may ra mới hạn chế được tình trạng ùn tắc ở TPHCM, chứ cứ lo đổ thừa là không ổn. Không ổn nhất là việc cấm xe tải lưu thông vào thành phố giờ cao điểm”, một chuyên gia giao thông khẳng định.
Bởi, xe tải nhỏ loại từ 0,5 – 1,2 tấn chở hàng hoá vào các quận nội thành như 3, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận là vô cùng thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá. Nếu cấm xe này thì chắc chắn sẽ đẻ thêm nhiều xe ba gác, nếu cấm luôn xe ba gác thì coi như bít đường làm ăn của người dân và doanh nghiệp.
Đừng để quýt làm nhưng cam phải chịu như vậy. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải nhận lỗi và tìm cách khắc phục bằng những giải pháp mang tính khoa học, hiệu quả.
Giang Thanh – Minh Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này