
21:50 - 12/05/2017
Chưa xác định được nguyên nhân hải sản chết hàng loạt ở Kiên Giang
Chiều ngày 12/5, bà Võ Thị Vân, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có kết quả phân tích mẫu nước ở vùng biển có hải sản chết.
Vì vậy, theo bà Vân chưa thể kết luận nguyên nhân cá chết được. Khi có kết quả tỉnh sẽ thông báo cho bà con biết.
Sáng cùng ngày, sau khi đi thực tế kiểm tra về, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại các loài hải sản chết cơ bản đã giảm. Hiện chúng tôi cũng tập trung các cơ quan chuyên môn theo dõi nắm sát tình hình và thường xuyên kiểm tra cập nhật diễn biến. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra những khuyến cáo đối với những người nuôi tôm và hải sản lân cận để có những biện pháp thích hợp”.
Cũng theo ông Tâm ghi nhận thời gian qua cho thấy hải sản chết từ Hang Tiền (xã Bình An, huyện Kiên Lương) đến Thuận Yên (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) dài khoảng 30km.
Theo UBND thuyện Kiên Lương, hải sản chết được ghi nhận bắt đầu ngày 7-5. Cá chết bắt đầu từ kênh Tam Bản sau đó lan ra biển đến Hòn Một và cả khu vực bãi biển xã Dương Hòa. Các loại thủy sản chết rất nhiều, đa dạng về kích cỡ và chủng loại như cá mú, cá bóp, cá sơn, cá bống, cá đù, lịch, cua và nhuyễn thể…
Theo thống kê ban đầu, cá nuôi lồng bè thiệt hại khoảng 14.000 con. Về nghêu và sò lông: có hai tổ hợp tác nuôi ước tỉnh trên 280 tấn: trong đó, khu vực bãi Chà Và diện tích 15ha ước thiệt hại khoảng 180 tấn, khu vực Hòn Một đến bãi Tà Săng diện tích nuôi 540 ha, ước thiệt hại khoảng 42 tấn nghêu thương phẩm…
Ngoài ra, nghêu cũng chết trắng bãi ở ấp Hòa Phầu (xã Thuận Yên) và bãi biển Tô Châu (thị xã Hà Tiên). Tại khu vực bãi biển Ba Hòn Cò – Tân Tạo (thuộc thị trấn Kiên Lương) cũng có hiện tượng cá lồng bè và nghêu chết. Tại bãi biển Hang Tiền (xã Bình An) sò huyết cũng chết…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ đạo Tổng cục Môi trường cử ngay đoàn công tác vào khu vực xảy ra hiện tượng hải sản chết, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang kiểm tra thông tin; lấy mẫu nước biển và mẫu hải sản chết để phân tích, xác định nguyên nhân, báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 14/5
Đồng thời, ông Nhân cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn xả thải ra biển thuộc địa bàn các xã nêu trên, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 20/5.
Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết qua thông tin báo chí, đã nắm được hiện tượng hải sản chết hàng loạt dọc ven biển huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Khu vực cá chết nhiều nhất trải dài khoảng 10km thuộc các ấp Tà Săng, Mũi Dừa, Bãi Chà Và thuộc địa bàn xã Dương Hòa.
Ngoài một số loại cá sinh sống ở tầng mặt nước bị chết như cá bống, cá Sơn, cá Suốt… thì một số loài sống ở tầng đáy như lịch, tôm tích, cua, ghẹ… cũng bị chết. Thậm chí một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, sò, lụa… sinh sống vùi dưới lớp đất, cát cũng bị chết.
Tại hợp tác xã nuôi nghêu Thuận Yên (thị xã Hà Tiên) đã có khoảng 50 tấn nghêu bị chết, ước thiệt hại hơn 1,25 tỷ đồng. Chủ nhiệm hợp tác xã và các xã viên cho rằng nghêu nuôi chết nhiều là do nguồn nước bị ô nhiễm từ nước thải của một số doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn xả ra biển.
Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho biết một số ngành liên quan của huyện Kiên Lương và tỉnh Kiên Giang cũng đã xuống các hiện trường nắm bắt vụ việc và lấy mẫu nước tại khu vực cá chết để phân tích tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết nhiều như vừa qua.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm.
Theo SGGP/Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này