22:55 - 03/05/2017
Ba bộ kiểm tra kho nhôm Trung Quốc tại Vũng Tàu
Dự kiến trung tuần tháng 5/2017, các Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng vào cuộc làm rõ vụ vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Trong văn bản của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết việc kiểm tra thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 3207/VPCP ngày 3/4.
Từ thông tin trên báo Wall Street Journal (WSJ) về 500.000 tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được âm thầm chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam, tháng 12/2016 phóng viên đã tìm hiểu thêm về kho nhôm khổng lồ được canh phòng cẩn thận tại một nhà máy ở Vũng Tàu.
Có khoảng “vài ngàn container” được chứa ở kho ngoại quan của Công ty Cổ phần Thành Chí ở khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hải quan Bịa Rịa – Vũng Tàu xác nhận lượng nhôm được gửi ở kho ngoại quan nói trên là của Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam. Hiện công ty này đang đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình, dự án do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc góp vốn đầu tư.
Được biết, toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm, dự án có tổng vốn đầu tư gần 250 triệu USD.
Nhiều nghi vấn về việc Việt Nam có thể bị lợi dụng trong việc cấp CO để xuất sang nước thứ ba nhằm tận dụng lợi thế về thuế đối với sản phẩm nhôm đã được các chuyên gia, quản lý đặt ra.
Một đại diện của cơ quan quản lý có chức năng cấp CO cho biết cần phải giám sát và làm rõ nhà máy sản xuất mà doanh nghiệp này xây dựng thực hiện chức năng gì.
Trong trường hợp đăng ký kinh doanh là nhà máy sản xuất, chế biến nhôm thành phẩm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thì nhà máy này hoạt đồng sẽ có lợi cho Việt Nam bởi làm tăng giá trị chế biến khi xuất khẩu.
Còn trường hợp nhà máy này chỉ được xây dựng như một bình phong, đội lốt là nhà máy sản xuất nhưng với công nghệ rất sơ sài, không có nhiều công nhân, và chế biến qua loa để lấy xuất xứ Việt Nam thì có dấu hiệu gian lận.
Việc kiểm soát có gian lận hay không trong quy trình cấp CO hiện nay thông thường đều dựa vào khai báo của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với trường hợp những doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận như trên thì cần phải có kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ từ quá trình nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, chế biến ở VN.
“Cơ quan chức năng phải kiểm tra tận nơi, xem quy trình sản xuất có đúng sản phẩm được làm ra có phù hơp khai báo hay không, nhà máy thực sự hoạt động hay không, công nghệ gì, có đủ đáp ứng hàm lượng công nghệ, gia tăng giá trị để được tính hàm lượng xuất xứ của VN hay không?” – vị này nêu vấn đề.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này