15:54 - 28/11/2023
Thích nghi với phòng vệ thương mại
Bộ Thương mại Mỹ vừa gửi thông báo về việc thực hiện điều tra chống bán phá giá mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một trong những vụ việc mà doanh nghiệp xuất khẩu thường đối mặt trong thời gian qua.
Áp thuế cao nhiều mặt hàng
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), thông báo khởi kiện gần đây nhất là với sản phẩm nhập khẩu tôm nước ấm từ Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ đã cáo buộc sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh và tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam đang nhận được các chương trình trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất tôm nội địa của Mỹ.
Trong đơn cáo buộc, các doanh nghiệp Mỹ chỉ rõ, hiện Việt Nam đang có 40 chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm: cho vay và đảm bảo; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn các khoản phải thu; ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất; xúc tiến xuất khẩu và các chương trình hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, cấp vốn cho nghiên cứu phát triển và nuôi trồng giống mới…
Trước đó, vào tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia cũng tiến hành điều tra phòng vệ thương mại với hàng loạt sản phẩm nhập khẩu khác từ Việt Nam, lần lượt là: điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu; sản phẩm dây hàn bằng kim loại cơ bản, có lõi là chất trợ dung, dùng để hàn hồ quang điện; sản phẩm dệt may…
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ, không chỉ đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu còn đang phải đối mặt với hàng loạt rào cản xanh trên thị trường. Gần đây nhất là quy định về xanh hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tái sinh tái chế toàn bộ chất thải phát sinh và quan trọng hơn là sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường.
“Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 3.000 doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa vì không đáp ứng được các điều kiện xanh hóa sản xuất. Doanh nghiệp có quy mô lớn cũng rất chật vật khi vừa phải nhanh chóng chuyển đổi công nghệ sản xuất, vừa giữ chân đơn hàng đối tác. Điều này đủ để thấy những luật chơi mới trên thị trường xuất khẩu là rất khắc nghiệt”, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nhấn mạnh.
Chuẩn bị “hành trang” kỹ lưỡng
Nhằm thích nghi với thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại bám sát và cung cấp kịp thời hồ sơ theo yêu cầu của các nước đang điều tra phòng vệ thương mại.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trước đây do doanh nghiệp chưa thích ứng với các vụ kiện nên không có sự chuẩn bị trước hồ sơ pháp lý trong quá trình sản xuất, dẫn tới bị động khi bị khởi kiện. Việc không cung cấp đầy đủ và kịp thời hồ sơ cũng là nguyên nhân chính mà hàng hóa bị khởi kiện bởi các nước áp mức thuế phòng vệ thương mại rất cao, có nhóm hàng bị áp thuế lên đến 400%. Tuy nhiên, tình hình này đã được cải thiện trong năm nay. Phần lớn các doanh nghiệp đã thành lập bộ phận tư pháp, nhờ vậy việc đấu tranh với các vụ kiện cũng dễ dàng hơn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ kiện liên quan nhóm hàng dệt may, da giày, gỗ, thực phẩm… đã không bị các nước áp thuế phòng vệ thương mại.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Chủ tịch LNS International Corporation, cho rằng, sản phẩm Việt nói chung khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ… gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là năng lực cạnh tranh về giá thấp do khoảng cách địa lý quá xa, khiến các sản phẩm mất lợi thế về thời gian, gia tăng chi phí vận chuyển và khó khăn trong quá trình bảo quản sản phẩm. Đặc biệt với sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ vốn không sử dụng chất bảo quản và có thời hạn sử dụng rất ngắn, khó tiếp cận được các thị trường này. Do vậy, nếu muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thành công, doanh nghiệp phải đảm bảo bao bì sản phẩm đúng chuẩn, có đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, thông tin hiển thị phải được phiên âm tùy theo từng thị trường, có thêm thông tin cảnh báo về sản phẩm…
Về quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cho rằng, việc chậm đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử quốc gia cũng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp trong nước mất cơ hội mở rộng thị trường. Bản thân doanh nghiệp phải chủ động kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử như Amazon, TikTok, Walmart… để thiết lập kênh thương mại điện tử.
“Do không phải là sàn giao dịch chính thống của quốc gia nên thương hiệu Việt cũng gặp khó về tính xác thực thương hiệu, cơ hội tiếp cận nhà mua hàng toàn cầu cũng bị hạn chế. Trong khi đó, xu hướng mua hàng của đối tác toàn cầu đang ưu tiên thực hiện qua sàn giao dịch điện tử nói chung. Do vậy, việc sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành sàn giao dịch thương mại quốc gia cũng là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu”, ông Phạm Văn Việt nêu giải pháp.
Theo Ái Vân/SGGP
Có thể bạn quan tâm
Nông sản lại mắc kẹt ở cửa khẩu phía Bắc
Pháp tài trợ hơn 11 tỷ đồng cho dự án chợ đầu mối quốc tế nông sản Gia Lâm
Gà ngoại tung hoành, gà nội gặp khó
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh
Nông dân Tây Nguyên lao đao khi giá hồ tiêu giảm thấp nhất trong hơn 10 năm
Tags:phòng vệ thương mại
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này