09:44 - 29/11/2022
Vì sao Hà Lan ‘đầu bảng’ hoa tulip?
Cuối tuần qua, đi mua hoa tươi ở Hasfarm, tôi đã thấy những chậu hoa tulip to, rực rỡ kiêu sa đứng sáng cả một góc phòng. Uất kim hương, loại hoa vương giả thường chọn nơi để xuất hiện. Đọc lại “tiểu sử” hoa tulip, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Bốn thế kỷ trước, loài hoa này từng “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán Hà Lan. Hiện tượng đó nổi tiếng đến nỗi khi tôi ướm hỏi cô bạn Nhật thường quan tâm văn hóa rằng “Này Mayu, bạn có bao giờ nghe đến từ ‘tulipmania’ chưa?”. Mayu bật cười: “Có chứ chị. Một hiện tượng thị trường nổi tiếng mà.Biết bao đại gia vì tham lãi mà sụp đổ đó chị”.
Vậy tulipmania là gì?
Tôi tạm dịch tulipmania là “sự mê đắm hoa tulip”. Loại hoa này khó trồng và thay vì xuất hoa cắt cành, thương nhân thường bán các củ của hoa để khách yêu hoa mua về, cho vào bình vài hôm là hoa bừng nở. Đọc nhiều tư liệu lịch sử thương mại, tôi xin tóm vài dòng. Hoa quý và rất “mong manh dễ vỡ”, đến châu Âu qua các tuyến đường buôn bán gia vị với vẻ đẹp không giống bất cứ loài hoa nào trước đó. Năm 1634, tulipmania tràn qua Hà Lan. Cơn say mê của người Hà Lan muốn sở hữu củ hoa tulip lớn đến mức ngành công nghiệp bình thường của đất nước bị bỏ quên. Ai cũng muốn tham gia vào việc buôn bán hoa tulip.
Một củ hoa tulip loại đẹp và quý có thể trị giá tới 5.500 florin. Trong cuốn sách “Hồi ký về những ảo tưởng phi thường và sự điên rồ của đám đông” nổi tiếng năm 1884, nhà báo người Scotland Charles Mackay đã cho mức giá tham khảo: mỗi củ hoa thường được giao dịch với giá 50.000-150.000 đô la!
Sàn giao dịch chứng khoán Hà Lan bấy giờ chứng kiến, mọi người dường như kiếm tiền chỉ đơn giản bằng cách sở hữu một số củ hoa tốt nhất. Rồi mọi người sử dụng các hợp đồng phái sinh ký quỹ để mua được hàng nhiều hơn mức họ có thể chi trả. Đến lúc số người mua quá đông, cuối năm 1637, giá củ hoa bắt đầu giảm.
Thật vậy, vào cuối năm 1637, bong bóng đã vỡ. Người mua thông báo rằng họ không thể trả mức giá cao đã thỏa thuận trước đó cho củ hoa, và thị trường tan rã.Dù không gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, nhưng đây là cú đấm đau điếng cho kỳ vọng phát triển của xã hội.
Theo tạp chí Smithsonian, lúc ấy, những người theo chủ nghĩa bi quan đã vẽ nên một cảnh tượng kinh tế điêu tàn vì họ lo ngại rằng sự bùng nổ chủ nghĩa tiêu dùng và sự theo đuổi lợi nhuận vô đạo đức do chạy theo hoa tulip như vậy sẽ dẫn đến sự suy đồi xã hội.
Nỗi ám ảnh tulipmania đã chiếm trọn trí tưởng tượng của công chúng EU qua nhiều thế hệ và là chủ đề của một số cuốn tiểu thuyết như “Cơn sốt hoa tulip” của Deborah Moggach. Ký giả Mackay đã viết rằng “ từ những thương gia giàu có nhất đến những người thợ quét ống khói nghèo nhất đều đã nhảy vào cuộc tranh giành hoa tulip, mua củ với giá cao và cố gắng bán chúng với giá cao hơn nữa”. Tulipmania là một mô hình cho chu kỳ chung của “bong bóng” tài chính: đầu cơ, nâng giá, đến khi tự nhận ra là đang nắm giữ tài sản được định giá phi lý thì bán tháo lớn gây phá sản hàng loạt.
Anne Goldgar, nhà sử học tại Đại học King’s College London, cũng đã viết về tulipmania và cho rằng dù tulipmania gây tổn thương cho người Hà Lan vì đó là một bài học đạo đức, rằng lòng tham là xấu và việc chạy theo kỳ vọng giá tăng mãi có thể là nguy hiểm.
Ngày nay, câu chuyện về tulipmania được ví như một câu chuyện ngụ ngôn về những cạm bẫy mà lòng tham và sự đầu cơ quá mức có thể dẫn đến sụp đổ.
Nghề khó nhọc thành ngành công nghiệp hùng mạnh
Tôi có cô bạn làm nghề bán hoa tươi, với tulip là một trong những mặt hàng chính. Tên của cô ấy là Mai Hồng, đầy đủ là Mai Lại Hồng. Tên Mai, tên Hồng như thế mà lại chỉ bán hoa ly và tulip. Hơn thế nữa, nói là bán hoa mà chỉ bán củ giống hoa là chính. Câu chuyện về “lý do” bán củ hoa giống thay vì bán hoa tươi cũng lý thú và “có đầu có đuôi” lắm. Nghe Mai Hồng kể chuyện đi gặp nhà cung cấp bên Hà Lan thật ấn tượng. Trên đường đi, họ cùng đi ngang một cánh đồng mênh mông như một rừng hoa mênh mông mà Mai Hồng ngẩn ngơ mê mệt luôn vì vẻ đẹp bát ngát của rừng hoa.
Bỗng Mai Hồng thấy một xe máy cày khổng lồ lừng lững tiến thẳng vào giữa cánh đồng hoa, chém lìa hàng loạt bông hoa tươi rực dưới nắng. “Tôi hốt hoảng la lên.Ối ối, sao lại làm thế, thu hoạch gì thế, còn gì mà thu hoạch?”Bấy giờ, các bạn ở công ty mới từ tốn giải thích rằng lúc đó là họ cần cắt tất cả hoa, chỉ lấy củ hoa thôi.Đó là khởi đầu của qui trình làm ra củ để bán sỉ cho những người như Mai Hồng.
Nghề trồng hoa tulip rất công phu và khó khăn. Theo tạp chí Smithsonian, người Hà Lan đã biết trồng hoa bằng hai cách: từ hạt hay từ những chồi mọc trên củ giống. Từ hạt sẽ mất 7 – 12 năm mới ra hoa, còn bằng củ có khi chỉ một năm.
Hà Lan hiện đang đứng vững vị trí hàng đầu, bán hoa khắp thế giới cho EU, Mỹ, Trung Quốc… Tuy vậy, ngoài một số lượng nhỏ hoa cắt cành, Hà Lan chủ yếu kinh doanh củ giống.
Bởi củ để được lâu hơn, trong khi hoa cắt cành vận chuyển khó và đắt, mong manh dễ hỏng và vòng đời cũng ngắn. Họ chọn kinh doanh củ giống vì: giữ được lâu hơn, vận chuyển an toàn và kinh tế hơn, giữ được bản quyền giống và tạo việc làm cho nhiều người trên toàn chuỗi trong Hà Lan cũng như nhiều nước khác.
Họ làm một việc mà ai yêu hoa, nhìn thấy lần đầu cũng ngạc nhiên: dùng xe máy cắt phạt ngang đầu tất cả bông hoa đang nở rộ tuyệt đẹp – thực tế là để dành dinh dưỡng cao nhất cho củ giống. Củ thường được giữ dưới đất qua một mùa đông phủ tuyết, sau đó được đào lên, làm sạch, phân loại theo kích thước và xử lý trong kho lạnh chuyên dùng, trước khi được chuyển tới khách hàng. Các đơn hàng về củ giống hoa tulip thường được đặt trước cả năm.
Công nghệ, có công nghệ cao trong nghề trồng hoa và bán hoa. Thật thế, các nhà nhân giống của Hà Lan thường xuyên nghiên cứu để duy trì các đặc tính tốt của những giống đã được công nhận. Hàng năm, nhiều loại giống mới với màu sắc, hình dáng cánh mới, cánh đơn, cánh kép, cánh tua rua… ra đời để hấp dẫn người yêu hoa toàn thế giới. Để giữ bản quyền, các củ giống đã bán để trồng hoa thương phẩm thường không được dùng để nhân giống tiếp.
Các công ty cung cấp củ giống hoa thường có độ bền vững cao, truyền qua nhiều thế hệ.Họ thường xuyên thăm hỏi khách sau khi bán hàng và chịu trách nhiệm về các vấn đề chất lượng và lắng nghe các phản hồi từ khách hàng.
Tóm lại họ kinh doanh bằng công nghệ giúp tăng năng suất, duy trì chất lượng, đảm bảo bí quyết chống cạnh tranh bất chính và bảo vệ bản quyền cũng như lợi ích của nhà nhân giống, nông dân trồng củ, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nông dân trồng hoa, người phân phối hoa và người tiêu dùng cuối.
Có thể nghĩ thế này về tính chuyên nghiệp của người bán hoa Hà Lan: hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng, chọn sản phẩm có lợi nhất để sản xuất và phân phối, có bí quyết công nghệ để tăng năng suất, đưa ra mẫu mã mới liên tục và bảo vệ bản quyền, đồng thời luôn đảm bảo thực hiện cam kết với sản phẩm mình bán ra.
Cả nước Hà Lan đang chiếm lĩnh thị trường hoa thế giới, nhưng cả ngành công nghiệp chỉ nằm trong tay một số gia đình chuyên trồng và bán từng loại hoa. Bao đời nay, ông, cha và thế hệ trẻ hiện giờ đều chăm chỉ làm tốt nhất nghề của mình.
Tâm Hải (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này