11:30 - 27/10/2022
Người Mỹ dùng hàng Mỹ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ yêu cầu tăng số lượng hàng hóa mua sắm liên bang có nguồn gốc trong nước để thúc đẩy chuỗi cung ứng và sản xuất của Mỹ.
Tiếp cận chiến lược
Chính phủ Mỹ sẽ công bố bản cập nhật, trong đó có quy định 60% hàng hóa được đấu thầu liên bang phải được sản xuất tại Mỹ, tăng từ 55% theo Đạo luật Mua hàng Mỹ. Theo bà Livia Shmavonian, Giám đốc Văn phòng Made in America của Nhà Trắng, tăng tỷ lệ hàng hóa nội địa trong mua sắm liên bang là một phần quan trọng trong cách tiếp cận chiến lược của chính quyền nhằm tận dụng sức mua liên bang để đầu tư vào ngành công nghiệp Mỹ và tất cả người lao động ở Mỹ. Bà Shmavonian cũng cho biết thêm rằng, chính quyền Mỹ đang gửi tín hiệu rõ ràng tới cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy các khoản đầu tư mới, tạo công việc được trả lương cao, lấp đầy những khoảng trống trong chuỗi cung ứng và kế hoạch này đang hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden coi sự thay đổi này là cách để tăng cường sản xuất trong nước, củng cố chuỗi cung ứng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài và tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm do Mỹ sản xuất. Thông báo được đưa ra khoảng 8 tháng sau khi Nhà Trắng công bố quy tắc nhằm tăng cường các yêu cầu của Đạo luật Mua hàng Mỹ, điều chỉnh cách các cơ quan liên bang sử dụng phân bổ chi tiêu của họ. Mục đích đặt ra là tăng tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước trong mua sắm liên bang lên mức 75% vào năm 2029, tương đương với tăng 20% trong 7 năm tới.
Không đơn giản
Hồi đầu năm nay, Nhà Trắng đã công bố các bước tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng dài hạn. 7 cơ quan nội các có nhiệm vụ xác định những điểm yếu chính trong chuỗi cung ứng, đề ra các chiến lược kéo dài nhiều năm để “giải cứu nước Mỹ”. Trong đó, hướng tới một chuỗi cung ứng thịt và gia cầm có tính cạnh tranh và linh hoạt hơn, bao gồm việc cung cấp 25 triệu USD tài trợ cho lực lượng lao động chế biến thực phẩm. Chính phủ Mỹ cũng mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các nhà sản xuất nhỏ, nâng cao năng lực lãnh đạo công nghệ của các nhà sản xuất; đồng thời đầu tư vào sản xuất bền vững trong nước và chế biến các khoáng sản quan trọng.
Đạo luật Mua hàng Mỹ tạo ra một danh mục sản phẩm quan trọng mới đủ điều kiện để được hưởng các ưu đãi về giá. Đạo luật này cũng sẽ cho phép chính phủ liên bang trả thêm phí bảo hiểm cho các sản phẩm quan trọng sản xuất trong nước cần thiết cho chuỗi cung ứng và cho phép các nhà sản xuất Mỹ có thời gian hơn trong việc đảm bảo các hợp đồng với chính phủ. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp mở rộng Đạo luật Sản phẩm quốc phòng của Bộ Y tế để cung cấp các khoản vay và trợ cấp nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời các nguồn công nghiệp thiết yếu trong nước. Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ phát triển Văn phòng chuỗi cung ứng năng lượng để đảm bảo chuỗi cung ứng năng lượng cần thiết, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng…
Các thành viên của Công ty Luật Holland Knight LLP nhận định, chính sách Made in America của chính phủ đương nhiệm Mỹ tương tự như chủ trương American First của chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài không hề đơn giản, cần phải có thời gian với chi phí đắt đỏ. Tờ SCMP dẫn lời chuyên gia Liu Kaiming cho hay, đại dịch Covid-19 đã cho thấy mức độ dễ tổn thương của chuỗi cung ứng chủ chốt ở Mỹ khi phải phụ thuộc vào nước ngoài. “Giờ đây, họ nhận ra mức độ nghiêm trọng khi phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài. Nhưng sau rất nhiều năm toàn cầu hóa, sự phụ thuộc này không thể thay đổi nhanh chóng trong một sớm một chiều”, chuyên gia Liu Kaiming nhận định.
Theo Minh Châu/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này