11:09 - 02/07/2020
Richard Moore: Design Thinking và sáng tạo ‘trong giới hạn’
Trong bài viết trước về các phương pháp sáng tạo, tôi đã mô tả quá trình ý tưởng được hình thành trong tâm trí con người và cũng mô tả một hệ thống sáng tạo phổ biến là CPS – Giải quyết vấn đề sáng tạo (Creative Problem Solving).
Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu một hệ thống khác cũng rất phổ biến là Design Thinking (Ứng dụng tư duy thiết kế), và bước đầu mô tả các phương pháp hình thành ý tưởng cốt lõi của mỗi hệ thống sáng tạo này, đặc biệt là các phương pháp tôi cho rằng mang lại nhiều lợi ích nhất cho việc phát triển và marketing các sản phẩm và dịch vụ mới.
Design Thinking
Design Thinking là một cái khái niệm thường bị hiểu sai vì bản thân nó gợi ấn tượng rằng hệ thống này liên quan đến khía cạnh mỹ thuật. Trên thực tế, từ “Design” trong Design Thinking mô tả việc tổ chức và sắp xếp các ý tưởng sáng tạo theo quy trình phi tuyến tính của các nhà thiết kế để nhằm giải quyết các vấn đề. Nó khác với phương pháp tư duy kinh doanh được dạy trong các khoá học marketing và hiện đang được sử dụng trong hầu hết các bộ phận marketing của doanh nghiệp.
Mặc dù Design Thinking ít được biết đến ở Việt Nam, nhưng vào đầu những năm 2000, nhiều tổ chức hàng đầu như Apple, Toyota, Philips, Nike…đã sử dụng rộng rãi quy trình này để phát triển ý tưởng cho sản phẩm và dịch vụ mới. Design Thinking khác biệt với tư duy kinh doanh và phần lớn các hệ thống sáng tạo ý tưởng khác ở nhiều góc độ, song chủ yếu khác biệt ở những đặc điểm sau:
– Giải pháp cho các vấn đề bắt nguồn từ phương pháp thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.
– Những phương thức riêng của Design Thinking thuộc hệ thống phi tuyến tính và tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình sáng tạo, chúng ta đều có thể quay trở lại những mốc đã điểm qua trước đó.
– Các giải pháp được phát triển từ quá trình phân tích logic kết hợp với ý tưởng sáng tạo, được chứng minh và thử nghiệm rất nhanh chóng.
Năm ngoái, đồng thời với việc cập nhật hệ thống nhận diện thương hiệu đã thiết kế cho Kangaroo gần 10 năm trước, tôi có dịp huấn luyện một nhóm nhỏ các nhà quản lý của Kangaroo về quy trình Design Thinking. Mục tiêu là phát triển các dòng sản phẩm gia dụng mới, từ đó hình thành triết lý thiết kế sản phẩm cho Kangaroo. Trong số các ý tưởng sản phẩm khác nhau được hình thành trong vòng 2 tháng, chúng tôi đã sáng tạo ra dòng sản phẩm tủ đông mềm đầu tiên cho phép người dùng dự trữ thực phẩm tươi được lâu hơn mà không cần rã đông.
Các phương pháp sáng tạo ý tưởng
Tới đây, chúng ta đã thấy được ý tưởng hình thành như thế nào qua việc xác định vấn đề của các hệ thống sáng tạo, hãy bắt đầu khám phá từng phương pháp hình thành ý tưởng cụ thể. Sáng tạo ý tưởng thường được biết đến như “tư duy vượt giới hạn” (thinking outside the box), nhưng trên thực tế, các ý tưởng thiết thực nhất được tạo ra chỉ bằng cách tìm hiểu sâu hơn những gì đã có “trong giới hạn”.
Sơ đồ Tư duy hình thành bằng việc đặt một nội dung duy nhất tại trung tâm và các ý tưởng liên quan sẽ được hình thành xung quanh đó. Chúng có thể được ghi lại bằng từ ngữ, hình ảnh hay biểu tượng tỏa ra từ nội dung trung tâm. Mỗi ý tưởng tiếp theo đó lại được hình thành bởi một nhóm các ý tưởng khác nhau bao quanh ý tưởng gốc ban đầu. Với nội dung ban đầu được coi là vấn đề cần giải quyết, Sơ đồ Tư duy là một phương pháp tốt để hình thành và sắp xếp các giải pháp cho vấn đề đó.
Sơ đồ Hoa sen cũng tương tự như vậy, nhưng có cấu trúc chặt chẽ hơn, trong đó 8 ý tưởng được xoay quanh vấn đề trung tâm giống như hình tám cánh hoa sen, và mỗi ý tưởng này lại được bao quanh bởi 8 ý tưởng nguyên sơ khác. Thật ngạc nhiên khi tuân thủ nghiêm quy luật vẽ sơ đồ hoa sen như thế này có thể tạo ra đến 64 ý tưởng, thường chỉ trong vòng 1 giờ.
Phân tích Hình thái là một phương pháp hình thành ý tưởng thường được sử dụng trong thiết kế sản phẩm mới. Tất cả các chất liệu mà một sản phẩm có thể cần sẽ được liệt kê trong cột đầu tiên của bảng. Cột tiếp theo sẽ liệt kê một khía cạnh khác, ví dụ như nơi sản phẩm có thể được sử dụng. Cột cuối cùng lại là một khía cạnh khác nữa, chẳng hạn như mục đích khác nhau của sản phẩm. Các ý tưởng sản phẩm mới được hình thành bằng việc kết hợp các tổ hợp gồm các khía cạnh khác nhau này trong mỗi cột.
Nhận định Trực giác bắt đầu bằng việc sử dụng cột đầu tiên với các tiêu đề là chính các động từ, danh từ và tính từ rút ra được từ câu đặt vấn đề. Mỗi kết hợp khác nhau của ba từ này sau đó được liệt kê vào dòng bên dưới. Bằng cách hình thành các tổ hợp từ mới được chọn kết hợp từ mỗi từ trong ba hàng, các cách thức tư duy mới về vấn đề sẽ được hình thành.
Phân tán & Hội tụ
Trong thuật ngữ sáng tạo, việc tạo ra những ý tưởng mới được gọi là phân tán đa chiều. Ngay cả khi đang nghiên cứu tìm tòi “trong giới hạn”, chúng ta vẫn mở rộng ra được nhiều khả năng khác nhau. Một phần quan trọng không kém bên cạnh hình thành ý tưởng, đó là việc lựa chọn ý tưởng tốt nhất trong số những ý tưởng được tạo ra. Trong quá trình hình thành ý tưởng, việc chọn lọc được ý tưởng tốt và hữu ích nhất được gọi là hội tụ trọng tâm.
Có một vài phương pháp hội tụ ý tưởng. Một trong những ứng dụng được sử dụng rộng rãi nhất là “Hits” (chạm đích thành công), khái niệm thường được sử dụng cho những bài hát nổi tiếng. Mỗi thành viên của nhóm lên ý tưởng sẽ nhận được số phiếu giống nhau, thường chiếm 10% tổng số ý tưởng. Những ý tưởng có nhiều số phiếu bình chọn nhất sẽ được chọn lọc để đưa ra được danh sách cuối cùng.
Ví dụ về những phương pháp này có thể tham khảo thêm tại http://RmooreA.com/ideation
Trong bài viết tháng tới, chúng ta sẽ tìm hiểu các phương pháp giúp tạo ra số lượng lớn các ý tưởng nhanh hơn, rộng hơn và phân tán “vượt giới hạn”. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu thêm các phương pháp hội tụ khác để lựa chọn và nâng cấp những ý tưởng đã tạo ra.
Richard Moore là Giám đốc Ý tưởng & Điều hành của Richard Moore Associates, đơn vị cung cấp Chiến lược thương hiệu, Nhận diện thương hiệu, Truyền thông tích hợp thương hiệu và các dịch vụ Ứng dụng Tư duy thiết kế với quy trình rút gọn.
Richard Moore (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này