10:01 - 23/06/2017
Nhà bán lẻ Hàn, Nhật âm thầm ‘cắm rễ’ thị trường Việt
Trong khi 7-Eleven thu hút sự chú ý của giới trẻ và công luận bởi khả năng gây tò mò của thương hiệu quốc tế khi xuất hiện lần đầu ở Việt Nam, thì có một thực tế diễn ra là trước sự hiện diện của cửa hàng tiện lợi gốc Nhật này, đã có rất nhiều thương hiệu bán lẻ Nhật hoặc Hàn Quốc âm thầm đến VN.
Nếu không tính các đồng hương kinh doanh cùng phân khúc, mô hình của 7-Eleven là cửa hàng tiện lợi như Ministop, Family Mart hay cao cấp và mở rộng hơn hơn là Aeon Mall, thì Miniso, Daiso, sớm hơn là HachiHachi… của Nhật, cũng đã và đang được giới trẻ Việt khá chào đón.
Tận dụng lợi thế như Miniso
Tại Việt Nam, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Miniso, một chuỗi cửa hàng tiêu dùng chuyên bán các phụ kiện và thời trang như nón, kính, găng tay, tất đến ví, túi, mỹ phẩm, gậy chụp sefie… hiện đã phát triển tới 7 điểm bán ở TPHCM, 10 điểm ở Hà Nội và 1 ở Vinh.
“Cửa hàng tiêu dùng phong cách thời trang” này chắc chắn sẽ là 1 đối thủ bán lẻ tuy không “tiện lợi” và đa dạng hàng hóa như các nhóm cửa hàng tiện lợi hiện nay, nhưng vẫn sẽ xẻ bớt doanh thu của các nhà bán lẻ nói chung lẫn chính các nhà phân phối tiện lợi. Lý do là giá thành và chất lượng hàng hóa được đánh giá “khá tốt”; dù rằng, Miniso gần như chỉ là cửa hàng mang mác Nhật nhưng phần lớn sản phẩm đều có gốc Made in China.
Đặc điểm hàng hóa của Miniso khiến người ta gợi nhớ tới các cửa hàng đồng giá 100 Yên ở Nhật với phần lớn sản phẩm cũng xuất xứ từ Trung Quốc. Các sản phẩm này được người Nhật ưa chuộng không thua gì hàng nội địa bởi mức giá, và giới du lịch cũng sẵn sàng “mua sắm hàng Nhật” mà chỉ mất 100 Yên/món.
Phương thức kinh doanh đồng giá, đa dạng hàng tiêu dùng và có cả các mặt hàng gia dụng, đã được áp dụng bởi Daiso với trên 4 điểm bán bắt đầu từ TPHCM. Trước Daiso, HachiHachi là người tiên phong đã “bê” đến VN và hiện HachiHachi vẫn là thương hiệu đồng giá được yêu thích trong quy mô chuỗi mini 4 điểm.
Cùng với người Nhật, Hàn Quốc có nhiều chuỗi cửa hàng tiêu dùng thời trang bán lẻ đến tận tay người Việt. Minigood, Mumuso… và nhiều thương hiệu khác “chuyên đề” mỹ phẩm, thời trang hứa hẹn tạo ra một vệt cắt trên thị trường, chia sẻ doanh thu của các phân khúc ngách xét về nhu cầu tiêu dùng. Có thể ví các cửa hàng bán lẻ này đã vẽ ra một mô hình bán lẻ mới sản phẩm ngoại tại thị trường Việt, và xóa mờ phần nào ranh giới giữa các nhóm phân phối hàng tiêu dùng ở các trung tâm thương mại, siêu thị và siêu thị mini với các nhóm phân phối hàng tiện lợi. Bởi đôi khi chính họ là những bán lẻ thuê lại của những chủ đầu tư bán lẻ lớn khác.
Hướng tới thị trường nông thôn
Vấn đề là tất cả các thương hiệu này, bao gồm 7-Eleven, dù cách thức kinh doanh có phần giống hoặc khác nhau, đều gần như chung nhau đối tượng khách hàng. Do đó, mọi mô hình mới đều sẽ phải ganh đua hoặc san sẻ thị phần cho cho những chuỗi lớn hoặc nhỏ đang được “nhân” lên với tốc độ khá nhanh.
Một đặc điểm nữa, do hướng vào phân khúc khách hàng tiêu dùng trẻ, có thể mở hầu bao chi dùng các món hàng mang phong cách thời trang, nên nhà bán lẻ Nhật, Hàn… đều đang khu trú tại các khu vực đô thị lớn, mức thu nhập bình quân cao hơn các khu vực vùng sâu, xa như TPHCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vinh… nên vẫn bỏ ngõ thị trường tiêu dùng với đại đa số người dân là khu vực nông thôn.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc và cố vấn cấp cao bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng Nielsen VN, bộ phận tiêu dùng nông thôn đang có nhiều động lực để tăng trưởng sức mua. Cụ thể nhất, nhóm người tiêu dùng tiến bộ có nhu cầu nâng tầm cuộc sống đang chiếm tới 37% ở nông thôn Việt Nam.
Liệu rằng tới đây, các nhà bán lẻ Nhật, Hàn, thậm chí các chủ cửa hàng tiện lợi lớn như 7-Eleven có tiến về nông thôn, song song với sự phát triển vũ bão ở khu vực đô thị, qua đó xây dựng được một mạng lưới điểm bán dày dặn và khởi động cuộc chinh phục hành vi tiêu dùng với thói quen mới của người dân, hứa hẹn cuộc cạnh tranh phủ sóng trên toàn thị trường bán lẻ của VN?
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này