
15:19 - 22/03/2017
Kiện gà Mỹ bán phá giá, sau hồ hởi là phai nhạt
Mạnh mẽ lên tiếng khi gà Mỹ lấn át thị trường, giá quá rẻ, và tìm mọi cách thu thập thông tin, tìm luật sư để khởi kiện phía Mỹ bán phá giá; nhưng rồi, những người nuôi gà đành lực bất tòng tâm khi đụng đến chữ TIỀN.

Gà Mỹ vẫn còn nằm trên kệ hàng. Vụ kiện gà Mỹ đã dừng lại gần hai năm giờ đây lại nhen nhóm hy vọng cho những người như ông Nguyễn Văn Ngọc.
Cuối tháng này, nếu không có gì thay đổi, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ gặp các doanh nghiệp, hiệp hội chăn nuôi gia cầm để bàn thảo, xúc tiến lại vụ kiện gà Mỹ bán phá giá vào thị trường Việt Nam.
Đeo đuổi một vụ kiện, nhất là vụ kiện liên quan đến quốc tế, chưa nói đến tính pháp lý đúng sai, sẽ phải tốn bộn chi phí. Phần này, đang là gánh nặng với những người chăn nuôi gà trắng công nghiệp Việt Nam, vốn có quy mô nhỏ lẻ, yếu ớt…
Đầu tiên vẫn là tiền đâu
Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn nhất thời điểm đó là kinh phí thuê luật sư. Nghe thông tin, có khá nhiều văn phòng luật sư, cả trong nước và quốc tế tìm đến ngỏ ý tham gia vụ kiện, nhưng chi phí mà họ đưa ra đều cao ngất ngưởng.
Còn nhớ một ngày cuối tuần khoảng cuối tháng 10/2015, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Văn Kha, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cùng người viết đã tới văn phòng luật sư Mayer Brown trên đường Lê Duẩn, quận 1. Mayer Brown là hãng luật của Mỹ, đã tham gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong vụ kiện chống phá giá cá tra vào Mỹ. Họ có kinh nghiệm tham gia kiện tụng quốc tế nên hiệp hội cũng muốn mời họ tham gia.
Tiếp chúng tôi cả ngày hôm đó là luật sư Nguyễn Văn Hải, đại diện hãng luật Mayer Brown. Luật sư Hải rất nhiệt tình, sau khi nêu đầy đủ quy trình khởi kiện, những thuận lợi, khó khăn và khả năng thắng vụ kiện này tới đâu, ông Hải ra giá vụ kiện này theo ba phương án. Phương án 1 là chi phí cố định 130.000 USD. Thứ 2 là phí cơ bản cộng với thưởng (phí cơ bản là mức cố định 90.000 USD) và thưởng 30.000 USD nếu mức thuế chống bán phá giá trung bình là từ 3% đến dưới 10%; 50.000 USD nếu mức thuế chống bán phá giá trung bình là từ 10% đến dưới 15%; và 75.000 USD nếu mức thuế chống bán phá giá trung bình là từ 15% trở lên.
Phương án 3 là tính phí trần: nếu hiệp hội chọn phương án này thì phí sẽ được tính hàng tháng dựa trên số giờ làm việc của luật sư phát sinh trong tháng đó. Ví dụ, tháng 9/2015, phát sinh 10 giờ làm việc của luật sư Hải thì phí trong tháng đó là 10 giờ x 300 USD bằng 3.000 USD. Hoá đơn sẽ được phát hàng tháng dựa trên phí thực tế phát sinh và hiệp hội sẽ thanh toán từng tháng. Nghĩa là có tháng nhiều, có tháng ít và có tháng không phát sinh. Tuy nhiên, Mayer Brown sẽ áp mức phí trần cho toàn bộ vụ việc là 145.000 USD.
Sau khi nghe chi tiết yêu cầu từ Mayer Brown, ông Ngọc, và ông Kha vốn là những nông dân nuôi gà, bản chất muốn chắc ăn nên hỏi luật sư khả năng thắng tới đâu, liệu chi chừng ấy số tiền có thắng không? Luật sư Hải chỉ trả lời nguyên tắc vụ kiện là chưa biết trước được gì, chi tiền vẫn phải chi vì cần kinh phí làm hồ sơ. Thắng thua ở phía trước. Nghĩa là, khả năng thắng thua chưa biết tới đâu, có khi là 50/50 hoặc 0%.
130.000 USD, hay 200.000, thậm chí là 300.000 USD… là số tiền không quá lớn so với thiệt hại mà gà Mỹ bán phá giá, gây hậu quả nặng nề với ngành chăn nuôi gà Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ thắng thua vụ kiện, vốn là yêu cầu, mong muốn của người nông dân chân đất lại không có hãng luật nào đáp ứng được. Hiệp hội gà miền Đông quy tụ khoảng hơn 100 hội viên, số tiền này, nếu chấp nhận làm phải chia đều cho từng chủ trại, nên khi quyết định làm phải có sự thống nhất 100% hội viên. Ông Nguyễn Văn Ngọc thừa nhận đây là việc làm khó thuyết phục nhất. Và có nhiều khả năng, dù mất tiền, nhưng gà Mỹ vẫn tuồn vào là rất cao.
Vẫn nuôi hy vọng
Giải pháp sau đó, được hiệp hội thống nhất là đề nghị doanh nghiệp liên kết nuôi gà hỗ trợ kinh phí, vì hầu hết thành viên hiệp hội đều là người nuôi gia công gà cho các công ty nước ngoài. Giải pháp này, lúc đầu được các doanh nghiệp như C.P, Emivest, Japfa, De Heus hưởng ứng.
Thực tế, các doanh nghiệp này đã họp một số buổi, cùng thống nhất sẽ hỗ trợ hiệp hội thu thập thông tin. Phương án kinh phí được chốt lại là chia trên đầu gà giống. Doanh nghiệp thả nuôi mỗi con gà giống gia công với chủ trại sẽ chịu một số tiền nhất định, sao cho cộng lại đủ kinh phí thuê luật sư. Thời gian cũng được ấn định từ lúc ký kết đến lúc thu đủ số tiền thì thôi. Trong thời gian đó, doanh nghiệp nào thả nhiều thì đóng nhiều, thả ít đóng ít.
Sau hai cuộc họp, tất cả đếu thống nhất phương án tính phí thuê luật sư trên đầu gà giống. Tuy nhiên, một rắc rối khác lại xảy ra. Các doanh nghiệp, bên ngoài thì thống nhất chủ trương như vậy, nhưng sau cuộc họp thì không ai còn hồ hởi và sự hứng khởi cứ nhạt dần theo thời gian. Hiệp hội liên tục gửi thư yêu cầu nhưng doanh nghiệp với đủ thứ lý do để không trả lời. Hỏi riết phát nản, thế là vụ kiện cứ thế nhạt dần.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, người có tới hơn 20 năm nuôi gà, từng tâm sự cả đời ông gắn bó với con gà, nên mong muốn ngành này phát triển ổn định và ông xem vụ kiện là chất xúc tác để ngành gà cơ cấu lại sản xuất, đủ sức cạnh tranh với gà ngoại. Ông tin chắc đến khả năng thắng kiện, vì cho rằng có nhiều cơ sở pháp lý chứng minh được gà Mỹ bán phá giá. Tuy nhiên, dù bản thân ông Ngọc là người có uy tín nhất trong hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, nhưng một mình ông không thể quyết định được việc đeo đuổi vụ kiện.
Vụ kiện gà Mỹ, đã dừng lại gần hai năm nay, nhưng những người trong cuộc như ông Nguyễn Văn Ngọc vẫn nung nấu ý định nối lại và họ có thêm hy vọng khi bộ Công thương có động thái.
Chuẩn bị thông tin
Tháng 8/2015, lần đầu tiên hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, quyết định gửi đơn ra bộ Công thương, đề nghị tiến hành vụ kiện gà Mỹ bán phá giá. Các bước chuẩn bị sau đó, được hiệp hội chuẩn bị khá chu đáo, khẩn trương trên tinh thần quyết làm tới cùng vụ kiện. Hiệp hội đã bỏ chi phí, cử một thành viên ban chấp hành qua tận một số bang ở Mỹ, cùng với phóng viên đài Truyền hình Việt Nam tại Mỹ khảo sát giá gà nuôi tại trại và giá bán tới người dùng ở chợ, hệ thống siêu thị. Hình ảnh, giá cả gà Mỹ cũng như các thông tin cập nhật phục vụ cho vụ kiện tại Mỹ liên tục được gửi về Việt Nam để lưu vào hồ sơ. Qua thu thập, các bằng chứng về giá gà Mỹ bán lẻ tại Mỹ cao hơn gấp nhiều lần khi bán vào Việt Nam, càng làm tăng quyết tâm đeo đuổi vụ kiện của Việt Nam. Song song với đó, các thành viên của cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công thương, tổ chức nhiều cuộc họp nhằm hỗ trợ hiệp hội nắm rõ các nội dung, các bước chuẩn bị, xử lý hồ sơ cũng như trình tự xúc tiến một vụ kiện thương mại quốc tế. Đến cuối năm 2015, sau nhiều tháng nỗ lực thu thập chứng cớ, hiệp hội đã có trong tay cơ bản các dữ liệu để có thể thiết lập hồ sơ vụ kiện.
bài, ảnh Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này