09:31 - 27/09/2017
Kích hoạt thương hiệu tại điểm bán: nếu biết cách làm…
Khái niệm “kích hoạt thương hiệu”, nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ có những cách làm khôn khéo sẽ đem lại hiệu quả, không chỉ tại hội chợ mà còn ở từng điểm bán hàng trong hệ thống phân phối.
Tại phiên chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) vừa được tổ chức ở Biên Hoà (Đồng Nai), lần đầu tiên trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với nhóm chuyên gia thị trường bán lẻ quan sát và đánh giá sâu về chất lượng hoạt động các doanh nghiệp có gian hàng.
Dẫu còn rất nhiều việc phải làm, nhưng nhiều doanh nghiệp chịu tìm tòi để sản phẩm, thương hiệu đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp biết cách kể “câu chuyện thương hiệu” trong thiết kế gian hàng, tổ chức các hoạt động tương tác đến đào tạo đội ngũ nhân viên…
Khái niệm “kích hoạt thương hiệu”, nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ có những cách làm khôn khéo sẽ đem lại hiệu quả, không chỉ tại hội chợ mà còn ở từng điểm bán hàng trong hệ thống phân phối.
Xu hướng
Kích hoạt thương hiệu tại điểm bán (In store brand activation – IBA) là hoạt động tiếp thị để doanh nghiệp làm nổi bật sản phẩm, dịch vụ tại một mô hình bán hàng. Đây chính là cách giúp doanh nghiệp kể “câu chuyện thương hiệu” tại mỗi điểm bán hàng, từ đó gia tăng cơ hội đưa sản phẩm và xây dựng “lòng tin” thương hiệu với người tiêu dùng.
IBA đang là xu hướng cạnh tranh rất mạnh của các doanh nghiệp và liên tục biến đổi. Với tỷ lệ 20 – 30% khách hàng chưa quyết định nhãn hiệu, thậm chí tỷ lệ thấp hơn, 10 – 15%, IBA là cơ hội để các doanh nghiệp tranh giành thị phần.
Cách làm tiếp thị truyền thống (quảng cáo truyền hình, báo đài…) dù còn nhiều tranh cãi, nhưng đa số các chuyên gia tiếp thị đều đồng quan điểm rằng hiệu quả ngày càng giảm, trong khi phần nhiều quyết định mua hàng được diễn ra tại điểm bán, thông qua các hoạt động tiếp thị trực tiếp. Có nhiều doanh nghiệp thành công khi kiên trì đầu tư xây dựng kênh phân phối. Với sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ kỹ thuật số (digital tool) và xu hướng “smartphone hoá”, doanh nghiệp đã có nhiều công cụ và cách làm khi muốn kích hoạt thương hiệu tại điểm bán.
Hiếu đúng về IBA
Kích hoạt thương hiệu là thành phần của kế hoạch xây dựng chiến lược thương hiệu. Để có được kế hoạch tốt, cần có những đánh giá và phân tích về: chiến lược doanh nghiệp song hành chiến lược tiếp thị ngành hàng và nhãn hàng; đánh giá “sức khoẻ” của ngành hàng tại từng kênh bán hàng thông qua doanh số, thị phần, kết quả trước đây…; cập nhật các xu hướng mới nhất về người tiêu dùng, người mua hàng tại từng kênh bán hàng, nhà bán lẻ…; đánh giá toàn diện về hệ thống phân phối từng năm.
Từ các yếu tố đầu vào nêu trên, doanh nghiệp xác định cơ hội và nguy cơ của ngành hàng, nhãn hàng, cũng như biết được những công việc cần làm để tăng trưởng tại từng kênh bán hàng… Từ đó, bộ phận tiếp thị thương mại sẽ xác định kế hoạch IBA phù hợp cho từng ngành hàng, nhãn hàng hoặc sản phẩm cụ thể.
Qua thực tế, để có kế hoạch kích hoạt thương hiệu thành công, doanh nghiệp cần xác định danh mục hàng hoá phù hợp cho từng kênh bán hàng (đây là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh bền vững của doanh nghiệp tại từng kênh bán hàng); thiết kế công cụ và các hoạt động trưng bày để giúp thương hiệu thu hút người mua hàng; thiết kế các hoạt động tương tác với người mua hàng; tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng (họ chính là đại điện thương hiệu của doanh nghiệp tại các điểm kinh doanh; ứng dụng kỹ thuật số vào các hoạt động của IBA như: trưng bày, tương tác, tư vấn… Một kế hoạch IBA vô nghĩa nếu không được đo hiệu quả bằng những công cụ mà doanh nghiệp tin cậy.
Từ kinh nghiệm thị trường trong nhiều năm qua, ngay từ đầu doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu được tầm quan trọng của IBA. Nhưng đây là quá trình dài, đòi hỏi kiên trì và đầu tư bài bản (không có nghĩa là cần nhiều tiền).
Nhóm chuyên gia bán lẻ BSA
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này