11:36 - 25/08/2021
Doanh nghiệp Việt có thể học gì từ những livestreamer ở Trung Quốc?
Tại Trung Quốc, bán hàng trực tuyến qua hình thức phát hình trực tiếp trên mạng (live streaming hay live commerce) chiếm hơn 60 tỷ USD giá trị hàng hóa. Trong đó 46% đến từ sản phẩm quần áo, trang sức, 23% là phụ kiện, 18% là mỹ phẩm , 13% các sản phẩm khác.
Cơ cấu của thị trường live streaming Trung Quốc có thể áp dụng tại Việt Nam, bởi có nhiều sự tương đồng.
Đó là một trong những nội dung được ông Phạm Liêm – nhà sáng lập GoStream chia sẻ trong buổi tập huấn trực tuyến với chủ đề: “Ứng dụng live treaming chốt đơn hàng hiệu quả”, do mạng lưới Sáng tạo Khởi nghiệp của Trung tâm BSA tổ chức. Buổi trực tuyến này với sự tham gia của gần 60 bạn trẻ, doanh nghiệp đang khởi nghiệp.
Theo ông Phạm Liêm, ngành công nghiệp livestream Trung Quốc rất phát triển, với những học viện đào tạo chuyên biệt. Cuối năm 2019, Trung Quốc có khoảng 1.000 học viện.
“Khi họ đào tạo ra những người nổi tiếng ở mức độ nhất định, người đó mới chuyển sang livestream bán hàng. Họ luôn chọn những sản phẩm bán phù hợp, có uy tín”, ông nói
Ông Phạm Liêm phân tích, những người vào các nền tảng trên mua hàng bản chất đã đi shopping rồi, nên xác suất mua hàng cao. Như live streaming trên Taobao có tỷ lệ chốt đơn lên đến 32%, nghĩa là 100 người xem thì có 32 người mua hàng. Một con số rất ấn tượng.
Điểm mạnh tiếp theo của live streaming là khách hàng thấy được sản phẩm hoạt động, sống động qua các thao tác. Điều này khác với các bài post thông thường. Nên live streaming tăng sức thuyết phục người mua.
“Nó sẽ thích hợp với các sản phẩm như áo quần, thời trang, mỹ phẩm, đồ nội thất…”, ông Phạm Liêm nói.
Khi nhiều nông dân ở Việt Nam còn chưa biết thế nào là live streaming, nhiều người ở Trung Quốc, có thể là nông dân hay doanh nhân, đang thành công với việc live streaming bán các loại nông sản.
“Họ có thể ra ngoài đồng thực hiện điều này từ quá trình sản xuất ra sản phẩm nông sản như nào. Nên những đoạn live streaming này có sức thuyết phục rất cao”, ông Phạm Liêm cho hay.
Một lợi thế tiếp theo của live streaming là giúp giải đáp thắc mắc của khách hàng ngay lập tức.
Thậm chí, việc live streaming ở Trung Quốc thành công tới mức, có những người lượng hàng bán của họ nhiều tương đương với một siêu thị lớn.
Đơn cử như vào ngày 27/2/2020 một người live treaming bán trái cây trong hai tiếng rưỡi đạt doanh thu 40.000 USD. Hay một người khác vào ngày 5/3/2020 live streaming bán áo quần trong 8 giờ đồng hồ thu được 54.000USD.
Một người live streaming bán máy điều hòa không khí, bán được 30.000 máy trong hai giờ, với tổng số tiền là 100 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,5 triệu USD. Một người bán hàng cà phê Starbucks, trong 5 giây đầu tiên tiết lộ sản phẩm mới đã bán được 3.000 sản phẩm. Trong 5 giờ tiếp theo bán được hơn 60.000 đơn vị sản phẩm…
Ở Việt Nam cũng có những người thành công, nhưng ít. Ông Phạm Liêm dẫn chứng, một người bán túi xách qua live streaming với giá 299.000 đồng/túi, trong một tiếng rưõi bán được hơn 2.000 túi xách. Hay một người bán áo dài với giá 250.000 đồng, trong 8 giờ bán được 3.500 sản phẩm áo.
Từ đây, ông Phạm Liêm nhìn về Việt Nam và cho rằng, Việt Nam hiện nay livestream trên Facebook chiếm đa số. Nhưng những người vào facebook đầu tiên là để chơi, giải trí… họ xem tiện thì mới mua hàng, vì thế tỉ lệ chốt đơn ở Việt Nam thấp.
Tại sao người tiêu dùng thích mua hàng live streaming?
Theo hiểu biết và phân tích riêng, diễn giả Phạm Liêm cho biết, phần lớn người mua hàng trên live streaming vì giá rẻ. “Ở Trung Quốc là thế, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng thế”.
Do đó, khi doanh nghiệp Việt bán hàng trên live streaming, giá bao giờ cũng phải thấp nhất, bởi người mua hàng cho rằng live streaming không tốn chi phí mặt bằng, cùng một lúc gởi thông điệp đến hàng trăm ngàn khách hàng.
Ông Liêm dẫn chứng số liệu từ đất nước láng giềng cho thấy, có 60% người ta mua hàng vì giảm giá, 35% là do bạn bè lôi kéo, 13% là sản phẩm độc đáo…
Trong khi đó, tỷ lệ chốt đơn giữa live streaming và e – commerce truyền thống trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp là 18% và 13%. Với sản phẩm thời trang nữ, 100 người vào trang e – commerce truyền thống có 7 người mua, còn live treaming có tới 21 người mua hàng.
Bên cạnh việc live streaming, các đơn vị tổ chức còn có các hoạt động đi kèm, như live streaming buổi biểu diễn thời trang thì có các sản phẩm để người dùng chọn để mua luôn.
Những mô hình ở Trung Quốc hiện nay đang làm live streaming
Thứ nhất là thuê người nổi tiếng (KOL) đại diện thương hiệu và bán hàng. Thứ hai là thuê KOL trả phí để họ bán hàng lấy hoa hồng. Thứ ba là người KOL lấy hàng doanh nghiệp về bán lấy hoa hồng.
Theo ông Phạm Liêm, với mô hình thứ nhất ở Việt Nam gần như chưa có, vì chưa có các KOL chuyên nghiệp ra được đơn. Mô hình thứ hai ở Việt Nam khá nhiều. Nhưng khi doanh nghiệp thuê những KOL về live streaming ở Việt Nam lại ít ra đơn. Vì những người bán được hàng trên live streaming, họ đa phần tự bán cho mình, không hoặc ít nhận hợp đồng bán cho bên ngoài.
Còn về mô hình hoa hồng thuần túy thứ ba thì Việt Nam gần như không có bởi không có những người bán hàng chuyên nghiệp.
Từ những điều trên, ông Phạm Liêm cho biết, “Việt Nam đang thiếu cầu nối – những học viện live treaming, và thiếu hẳn những người đầu tư bài bản, dài hạn như cách Trung Quốc đang làm”.
Theo Trần Quỳnh/BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này