15:04 - 29/11/2023
Chuyện tiếp thị: đánh số năm sản xuất lên áo
Nhà đồng sáng lập của FTT Leather – một trong những thương hiệu đầu tiên sản xuất áo da may mới tại Việt Nam, đã chia sẻ về phương pháp mới để bán áo của mình. Đó là đánh số năm sản xuất lên áo.
Trong một chương trình podcast, anh Hải Sơn, đồng sáng lập FTT, cho biết, người ta dùng ô tô 4 – 5 năm còn đổi nhưng khách hàng bên anh dùng áo da 7 – 10 năm còn chưa đổi. Cũng vì thế trên thị trường có rất nhiều đơn vị cất sản phẩm năm nay không bán được vào kho, năm sau lấy ra bán tiếp, thậm chí có những chiếc áo quay vòng 4-5 năm không bán được. Vòng mua sản phẩm chậm như vậy khiến chi phí hàng tồn kho rất lớn. Anh Sơn cũng cho biết đây là một trong những vấn đề nổi cộm của ngành đồ da.
Hơn nữa, sản phẩm da thuộc mỗi năm lại có một công nghệ mới kiểu dáng mới. Quan điểm của anh Sơn là không muốn bán cho khách những hàng cũ với giá như hàng mới, bởi vậy FTT Leather quyết định đánh năm sản xuất trên sản phẩm. Ngoài ra theo nhà sáng lập FTT, việc đánh số năm sản xuất lên áo còn có thể mang đến cho doanh nghiệp khá nhiều lợi ích. Đầu tiên, anh Hải Sơn cho rằng, việc này sẽ giúp thương hiệu tạo ra một câu chuyện truyền thông hay để giới thiệu với khách hàng và khẳng định rằng mình công khai bán hàng mới, thay vì hàng cũ.
Anh Hải Sơn cũng chia sẻ rằng, có rất nhiều khách hàng muốn mua hàng đời trước để vừa với túi tiền hơn. Do đó, FTT sẽ có cơ hội để tạo ra những chương trình ưu đãi giảm giá thu hút khách hàng. Thay vì quảng cáo giảm 30 – 50% cho hàng mới, sẽ khiến khách mới mua xong cảm thấy bị phản bội vì không được giảm. Thay vào đó, họ có thể giảm giá những chiếc áo đời trước. Ngoài việc tác động đến khách hàng, thì khi đánh số năm sản xuất lên áo cũng sẽ tạo ra động lực bán hàng cho chính công ty. Anh Hải Sơn chia sẻ rằng điều này tạo áp lực lên chính đội ngũ của họ là phải làm thế nào để đẩy hàng cũ đi, lấp đầy bằng các sản phẩm mới.
In năm sản xuất đã quá phổ biến
Việc đánh số năm lên áo da của FTT là một hành động rất phổ biến trong giới thời trang xa xỉ. Đình đám nhất là Louis Vuitton với “date code” – mã năm được đánh lên các túi hàng hiệu để giới thiệu đầy đủ các thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Mã năm của Louis Vuitton ra đời từ năm 1980 đã trở thành một “hệ tư tưởng” khiến những tín đồ mê đồ hiệu phải tìm cách đọc mã như học một ngôn ngữ mới. Ngoài Louis Vuitton, các thương hiệu hàng thời trang xa xỉ trên thế giới đều có những sản phẩm được in mã năm như Hermes, Chanel, v.v.. Ta có thể tìm thấy rất nhiều thông tin hướng dẫn đọc mã năm của các hãng đồ hiệu tràn lan trên Internet.
Do đó, mã ngày cũng được xem là một trong những dấu hiệu nhận biết đồ hiệu, minh chứng rằng sản phẩm thuộc dòng xa xỉ cần biết rõ nguồn gốc. Đây là điểm khác biệt với các hãng thời trang phổ thông. Đối với các sản phẩm thuộc phân khúc bình dân hơn thì những mã năm này hoàn toàn không cần thiết. Sản phẩm chỉ cần đẹp và rẻ là đủ.
Vậy việc đánh năm sản xuất lên áo da của FTT ngoài mang đến những lợi ích mà nhà sáng lập tuyên bố, phải chăng còn để ngầm thể hiện thương hiệu thuộc phân khúc hàng đắt tiền như các hãng thời trang xa xỉ trên thế giới?
Tuy nhiên, từ tháng 4 năm 2021, Louis Vuitton đã chính thức dừng việc in “date code” lên túi của mình và thay bằng vi mạch microchip RFID. Loại chip này sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin hơn mã ngày. Cụ thể nó có thể cung cấp các thông tin bao gồm: Quốc gia và nhà máy sản xuất, Kiểu dáng của túi, Mô tả chi tiết của túi, thời điểm bán túi, người mua là ai, cửa hàng hoặc web nơi khách mua túi, v.v..
Đối với Louis Vuitton, mã ngày chỉ cung cấp được những thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hơn nữa lại không phải là những mã đặc trưng. Do đó, dễ xuất hiện nhiều loại hàng giả lừa gạt khách hàng. Đây chính là lý do tại sao Louis Vuitton nâng cấp từ in mã ngày lên sản phẩm thành chip RFID (công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến). Loại chip mới sẽ hỗ trợ các cửa hàng khi khách muốn trả lại hoặc sửa chữa sản phẩm, bởi không phải nhân viên cửa hàng nào cũng có khả năng xác thực sản phẩm chuyên nghiệp. Do đó việc quét chip qua app hoặc máy quét sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Cũng vào năm 2021, mã vi mạch xuất hiện trong túi Chanel thay vì mã ngày in thủ công. Những con chip này được liên kết với một số sê-ri ngẫu nhiên cho phép quét thông tin qua app hoặc đầu lọc để kiểm tra thông tin. Ngoài hai thương hiệu lớn này, nhiều hãng thời trang xa xỉ khác cũng lần lượt đổi từ mã ngày thủ công sang chip xác thực. Có thể thấy những mã ngày tháng cũ đã lỗi thời, rất dễ bị làm giả, bởi vậy các hãng nổi tiếng đua nhau thay đổi sang công nghệ hiện đại hơn.
Như vậy, việc in mã năm sản xuất của FTT chưa rõ có thực sự đem đến những lợi ích như nhà sáng lập đã nói hay không. Nhưng có thể thấy một điều là những “ông trùm” của việc in kiểu này đã bỏ cách này từ lâu vì nó đã lạc hậu và thiếu sự hữu ích.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này