14:55 - 14/11/2023
Biến máy bán hàng tự động thành công cụ tiếp thị
Trên lý thuyết, SOS là máy bán hàng tự động thông minh. Thế nhưng những người sáng lập của startup này đã khám phá thêm một công dụng mới, biến chúng thành những cỗ máy tiếp thị ngoài trời hiệu quả.
SOS là startup chuyên sản xuất máy bán hàng tự động thông minh có trụ sở tại Boston.
Những chiếc máy SOS thường bán hàng mẫu (sample), giá từ 0 cho đến 10 USD, của các thương hiệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Có thể kể đến một số sản phẩm như chỉ nha khoa Cocofloss, vitamin H-Proof, sản phẩm chăm sóc cơ thể Megababe. Các sản phẩm cho kỳ kinh nguyệt của thương hiệu Rael cũng được phân phối miễn phí khắp mọi máy SOS.
Chuyện kinh doanh của SOS đạt được bước tiến mới vào tháng 10 năm nay, khi họ bắt đầu thương vụ hợp tác mới với nhà bán lẻ Ulta Beauty. Thương vụ này giúp SOS tiến sâu hơn vào thế giới hàng mẫu.
Tại một số cửa hàng Ulta ở 10 tiểu bang, máy SOS sẽ phân phối miễn phí sản phẩm cho kỳ kinh nguyệt của Rael và sample các sản phẩm làm đẹp của các thương hiệu dưới trướng tập đoàn Ulta. Khách hàng chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Ultamate, hoặc tạo một tài khoản mới bằng email hoặc số điện thoại, là có thể nhận một sample mỗi tuần. Bên cạnh phân phối hàng, máy SOS còn có phát những đoạn quảng cáo kêu gọi gia nhập Ulta.
Thương vụ với Ulta đưa SOS lần đầu tiên tiến vào giới bán lẻ. Mặc dù có vẻ như SOS đã khai phá một công dụng mới của máy bán hàng tự động, thế nhưng những người sáng lập tự tin khẳng định rằng bước đi lần này vẫn phù hợp với mô hình kinh doanh của mình.
Nhà sáng lập SOS, Twarog chia sẻ rằng khách hàng có thể nghĩ SOS là một nơi cung cấp các sản phẩm tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên từ góc độ thương hiệu, SOS không chỉ là một mô hình máy bán hàng tự động truyền thống, mà chúng còn là những công cụ giúp thương hiệu tiếp thị sản phẩm mọi lúc mọi nơi. Hay nói cách khác, SOS không tạo ra doanh thu từ việc bán sản phẩm, mà tạo ra doanh thu từ quảng cáo. Nếu ví von, thì SOS chẳng khác nào một phương tiện quảng cáo ngoài trời.
Mặc dù việc cung cấp sample không phải là chiến lược mới, thế nhưng SOS vẫn khá tự tin, vì theo cơ chế của họ, khách hàng muốn lấy sample thì phải đổi lại bằng một số thông tin cá nhân.
Theo cách giải thích của Verbeek, nếu thương hiệu tặng miễn phí sample cho khách, thì khách rất dễ lãng quên. Trong khi đó, cung cấp sample qua máy SOS, các thương hiệu nắm được thông tin khách, dễ dàng triển khai những cách tiếp cận và điều hướng khách hàng.
SOS từ chối chia sẻ thông tin về doanh thu, tuy nhiên bộ đôi sáng lập cho biết công ty đang trên đà tăng doanh thu gấp 10 lần vào năm tới. Hồi tháng 6, SOS thông báo nhận được 7,6 triệu USD cho vòng gọi vốn Series A.
Tại Mỹ, thị trường chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cá nhân đang có giá trị đến 97,81 tỷ và ngày càng đông đúc. Các thương hiệu thi nhau tìm cách thu hút khách hàng mới. Trong bối cảnh ấy, những nhà sáng lập SOS xem những chiếc máy bán hàng tự động của mình là một giải pháp tiềm năng. Verbeek chia sẻ rằng họ đã xây dựng cầu nối giữa hàng hóa, thương hiệu và khách hàng. SOS cũng sẽ không ngừng tìm kiếm các thương hiệu mới và giúp các họ quảng bá bằng cách mà họ chưa bao giờ nghĩ tới.
Hay như trong thương vụ với Ulta, SOS đã giúp thương hiệu tạo được thêm một chút nổi bật tại các cửa hàng, nơi mà cách bố trí và sắp xếp các kệ hàng hóa là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến khả năng khám phá và quyết định mua hàng của khách hàng. Hướng đi này của SOS có vẻ hiệu quả, bởi sau 3 năm thành lập, đến nay SOS đã xuất hiện trên khắp 50 tiểu bang của Mỹ.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi
Chiến lược ‘tự đứng trên đôi chân mình’ của Rabbit
Ngành chế biến thực phẩm Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Khi đồ ăn bình dân bắt tay thương hiệu xa xỉ
Một quyết định khó khăn cho Tim Cook
Tags:máy bán hàng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này