09:37 - 12/04/2023
Chuỗi bán lẻ Hàn Quốc ‘chật vật’ ở Việt Nam
Tham vọng lớn, đầu tư nhiều nhưng có vẻ mọi thứ vẫn chưa “xuôi chèo mát mái” với GS25, chuỗi bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tiếp tục “gồng” lỗ
Mới đây, CTCP CVS Holdings – chủ chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 Việt Nam, đồng thời là công ty con của Sơn Kim Retail vừa công bố kết quả kinh doanh doanh năm 2022. Theo đó, công ty ghi nhận lỗ hợp nhất sau thuế hơn 167 tỷ đồng, tương đương gần nửa tỷ đồng mỗi ngày, trong khi con số lỗ của năm 2021 là 153,5 tỷ đồng.
Như vậy là sau hơn 5 năm có mặt tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ của Hàn Quốc vẫn chưa tìm thấy lợi nhuận ngay cả khi họ bày tỏ nhiều tham vọng tại đây.
Trên thực tế, CVS Holdings là công ty con do Sơn Kim Retail – một đơn vị thuộc Tập đoàn Sơn Kim – nắm giữ 99% cổ phần. CVS Holdings góp 70% vốn vào Công ty TNHH liên doanh GS Retail Việt Nam, công ty sở hữu chuỗi bán lẻ GS25 Việt Nam.
GS25 là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm hơn 30% thị trường bán lẻ tại quốc gia này. Các cửa hàng điển hình của chuỗi có diện tích khoảng 150 mét vuông bao gồm cả chỗ ngồi ăn tối. Họ cũng bán cả thực phẩm tươi sống, cửa hàng tạp hóa tươi sống, các sản phẩm ăn liền, chế biến sẵn và các sản phẩm do Hàn Quốc sản xuất.
Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên của GS25 và là thị trường nước ngoài lớn nhất của chuỗi. Họ thâm nhập vào thị trường Việt Nam kể từ đầu năm 2018 với cửa hàng đầu tiên được khai trương tại Quận 1, TP.HCM. Ban đầu, chuỗi này đã đặt ra một tham vọng lớn khi đề ra mục tiêu sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội sau hai năm và dự định sẽ mở mới 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022, tức sau hơn 5 năm gia nhập Việt Nam, chuỗi cửa hàng này mới chỉ có 209 cửa hàng tại các tỉnh thành lớn (chủ yếu ở TP.HCM). Như vậy, so với con số tham vọng đặt ra là 2.500 cửa hàng cho đến năm 2028, GS25 chỉ mới thực hiện được 8% chỉ tiêu sau hơn nửa chặng đường.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo một dữ liệu của Q&Me cho thấy, năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.740 cửa hàng tiện lợi. Các cửa hàng tiện lợi đang dần trở nên phổ biến hơn với những thương hiệu lớn như: Circle K (Mỹ), Ministop (Nhật), GS25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan)…
Trong khi trang nghiên cứu thị trường Euromonitor cũng chỉ ra, doanh thu của các thương hiệu cửa hàng tiện lợi ngoại quốc tăng từ 3,346.1 tỷ đồng vào năm 2016 lên đến 8,017.0 tỷ đồng vào năm 2021. Circle K là thương hiệu chiếm thị phần cao nhất với 48%, tiếp đến là Family Mart với 18,8%, Ministop 14,3%, 7-Eleven 7,3%…
Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm tiện lợi và tỷ lệ chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng tăng. Ngoài ra, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm tiện lợi cũng được coi là lý do chính, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Đây được coi là một miếng bánh béo bở cho các thương hiệu trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, tiềm năng là vậy, nhưng để biến điều đó thành cơ hội là một việc làm không dễ. Đã có không ít những tên tuổi lớn trên thế giới buộc phải “bán sới” khi liên tục kinh doanh thua lỗ. Theo các chuyên gia phân tích, để kinh doanh tốt trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có kinh nghiệm cũng như trường vốn, đặc biệt là tầm nhìn dài hạn.
Đơn cử như trường hợp của Family Mart, chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Nhật Bản chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2009 trong một liên doanh với CTCP Tập đoàn Phú Thái. Nhưng do quá trình kinh doanh liên tục thua lỗ và những nỗ lực tái cơ cấu không đạt được thành công, năm 2013, liên doanh tan vỡ, buộc phải bán lại cho chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart của Thái Lan.
Một người chơi khác là chuỗi 7-eleven cũng gia nhập thị trường Việt Nam vào 2017. Khi đó, chuỗi bán lẻ này đã mạnh dạn tuyên bố 3 trong năm sẽ có 100 cửa hàng và đạt con số 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Nhưng đến cuối năm 2022, 7 – Eleven mới chỉ có khoảng 66 cửa hàng khắp Việt Nam. Rõ ràng, thực tế là rất khắc nghiệt cho các thương hiệu khi tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Với GS25 Việt Nam, mặc dù được bổ sung bằng sự hỗ trợ của Sơn Kim Retail trong kiến thức chuyên môn và tối ưu hóa giá trị, đặc biệt là sự am hiểu sâu sắc về thị trường và định vị chiến lược, giúp họ rút ngắn thời gian và thu hẹp quy mô về giá khi tiếp cận nguồn lực.
Tuy nhiên, sự phát triển của họ cũng đang gặp những thách thức đáng kể khi vẫn không thể tìm thấy lợi nhuận tại đây. Khoản lỗ ròng của liên doanh không ngừng tăng lên, với con số khổng lồ lên tới 167 tỷ đồng, tương đương gần nửa tỷ đồng mỗi ngày trong năm 2022. Điều này có thể sẽ buộc khiến GS25 Việt Nam phải xem xét lại chiến lược phát triển và mở rộng tại Việt Nam trong thời điểm tới.
Theo Nguyễn Chuẩn/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
Loay hoay xây dựng thương hiệu, gạo Việt lép vế ngay trên sân nhà
‘Bão giá’ theo giá xăng
Thử thách cùng Xích lô 2016
Chiến dịch ‘tranh thủ’ và ‘cao thủ’ của Budweiser
Chưa hết dịch, vé máy bay đã tăng giá
Tags:chuỗi bán lẻHàn Quốc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này