10:00 - 30/12/2015
AEC và áp lực từ Thái Lan
TTTG.VN – Ngày 31/12, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực. Áp lực đến từ Thái Lan đang đến rất mạnh mẽ, từ “nằm vùng” sản xuất, đến thâu tóm siêu thị, và hàng hoá theo chân các hội chợ…
Lần đầu tiên, 41 công ty chuyên kinh doanh hàng Thái Lan tham gia hội chợ – triển lãm sản phẩm Thái Lan tại TP Cần Thơ do cục Xúc tiến thương mại, bộ Thương mại Thái Lan tổ chức vào tháng 5. Lần thứ hai, lực lượng doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm Thái Lan tăng gấp đôi tại hội chợ, triển lãm hàng Thái Lan do công ty TNHH Sao Quang Minh tổ chức vào trung tuần tháng 12.
Sản phẩm được bày bán tại hội chợ chủ yếu là quần áo, giầy dép, hoá mỹ phẩm, thực phẩm ăn liền, trang sức mỹ nghệ, đồ uống, dụng cụ nhà bếp… Giá cả, chủng loại không khác gì hàng dọc biên giới Campuchia – Việt Nam. Nhưng dù sao cũng có cái để mua, hơn là hàng Trung Quốc, lại khỏi phải chờ dịp đi chợ biên giới, không ít người tiêu dùng nhận xét như vậy.
Có vẻ như không quá khó khi tìm đại lý bán hàng tại Cần Thơ, chỉ cần gởi qua chành 3 – 4 giờ là hàng Thái từ TPHCM tới Cần Thơ.
Từ thực phẩm, đồ uống, ôtô, phụ tùng linh kiện, cơ sở hạ tầng, xây dựng, chăm sóc sức khoẻ, thiết bị y tế, năng lượng, dầu, hơi đốt… trưng bày tại hội chợ cho thấy áp lực lớn của một cơn địa chấn hàng Thái. Theo cách phân tích của chuyên gia Thái Lan, nguồn hàng phong phú của Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam mạnh hơn khi AEC khởi động, từ trạng thái “vật lý” tới “sinh thái”.
Tại Việt Nam, lợi thế của hàng Thái đã hiện diện từ những năm Việt Nam bị cấm vận, họ hiểu hành vi tiêu dùng và thích cách đặt tên cho dễ nhớ thương hiệu Thái của người Việt.
Cục Triển lãm và hội nghị Thái Lan (TCEB) đưa ra top 10 sản phẩm quen thuộc của Thái Lan với Việt Nam: nhiên liệu sinh học, phụ tùng xe máy, hoá chất, sắt thép, đồ uống, trái cây, giấy… và top các sản phẩm Thái Lan nhập khẩu từ Việt Nam như: thiết bị gia dụng, điện tử, sắt thép, điện máy, phụ tùng, dầu thô, cà phê, trà , hồ tiêu… có vẻ như khá cân bằng, nhưng chỉ riêng mặt hàng đường cát nhập “tiểu ngạch” của Thái Lan đã khiến cho ngành đường của Việt Nam mệt mỏi.
Trong nhận định của các doanh nhân Thái Lan từng sống tại Việt Nam, hàng Thái được ưa chuộng, với số dân gần gấp đôi Thái, với sức tiêu thụ như lâu nay thì đây là thị trường đầy tiềm năng.
Om cưới vợ người Việt Nam, nói tiếng Việt và hiểu cách giao tiếp khá tốt, nói rằng hai vợ chồng anh đưa cá sợi sấy từ Thái Lan qua Việt Nam bán hơn một năm rồi, vẫn bán rất chạy.
“Doanh nhân Thái Lan đã chủ động gia nhập AEC với những bước chuẩn bị rất cụ thể. Việc Thái Lan khuyến khích công chức sử dụng hai ngoại ngữ (tiếng Anh và chọn một trong mười ngoại ngữ trong khu vực để giao tiếp) đã khiến họ tiếp cận thị trường tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Thương Linh, phó giám đốc VCCI – chi nhánh Cần Thơ, nhận xét.
Ông Tanit Wongdumrongdet, công ty Pattaya, cho biết cách đây ba năm, các nhà đầu tư Thái Lan đã phân tích kỹ những diễn biến khi AEC hiệu lực. 11 ngành sẽ chịu tác động mạnh từ AEC và logistics sẽ là ngành phát triển mạnh.
Việc mua bán hệ thống trung tâm phân phối và chuỗi siêu thị chắc chắn sẽ hỗ trợ tiến trình hiện thực hoá cuộc đổ bộ này.
Ngành nhựa gia dụng, chất tẩy rửa, may mặc, thực phẩm ăn liền… chắc chịu nhiều tác động sau 31/12, nhiều thương nhân Việt Nam, có cùng nhận định.
Hoàng Lan
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này