11:15 - 11/12/2022
Ngân hàng, bất động sản vẫn dẫn đầu phát hành trái phiếu
Nhóm ngân hàng, bất động sản vẫn đứng dầu về giá trị phát hành trái phiếu trong 11 tháng của năm 2022, dù giá trị phát hành giảm tới 60%.
Theo dữ liệu được Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC), trong tháng 11/2022, Công ty CP Tập Đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất với giá trị 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành khác của ngân hàng BIDV, Công ty CP đầu tư Đức Trung và Công ty cổ phần City Auto.
Đáng chú ý, trong 11 tháng qua, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng giảm mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%. Từ đầu năm đến nay chỉ có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD; 23 đợt phát hành ra công chúng của các doanh nghiệp với giá trị 10.599 tỷ đồng và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng.
Xu hướng phát hành trái phiếu riêng lẻ tiếp tục giảm, khi tháng 11/2022, báo cáo của VBMA cho thấy chỉ có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 11, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Một xu hướng đáng chú ý trong năm nay, nhất là vài tháng qua là việc các doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Thống kê của VBMA cho thấy các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.
Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel (Mã chứng khoán: VTR) vừa cho biết sẽ mua lại toàn bộ lô trái phiếu (Mã trái phiếu: VTRH2123001) trị giá 500 tỷ đồng, phát hành vào ngày 21/12/2021, kỳ hạn 24 tháng, ngày đáo hạn 21-12-2023. Trong đó, lãi suất áp dụng cho 2 kỳ 6 tháng đầu tiên là 8,2%/năm.
Vietravel cho biết trả nợ cho trái chủ trước hạn một năm, là tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã có thể cân đối dòng tiền để thanh toán cho các khoản nợ trước hạn, nhờ vào sự phục hồi thần kỳ của ngành du lịch Việt Nam sau khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa du lịch.
Công ty chứng khoán VNDirect nhận định việc nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu trước hạn phần nào giảm bớt áp lực đáo hạn và tâm lý tiêu cực của thị trường. Dự kiến, khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể từ nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra một số biện pháp để tháo gỡ thế khó của trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: đẩy nhanh quy trình pháp lý để doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, đề nghị Ngân hàng Nhà nước giảm chi phí đi vay cho các công ty và tham gia tái cơ cấu các nghĩa vụ trả nợ, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, bảo đảm các tổ chức phát hành cung cấp thông tin chính xác và đảm bảo thanh toán trái phiếu đúng hạn để củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này