
09:16 - 13/08/2019
Lãi suất cho vay giảm, vốn chảy về đâu?
Hàng loạt ngân hàng vừa công bố giảm lãi suất cho vay từ ngày 1/8. Tuy nhiên, điều này không tác động lớn đến mặt bằng lãi suất, bởi nguồn vốn ngân hàng đang được tập trung đổ vào các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao.

Các lĩnh vực như bất động sản, BOT, chứng khoán, cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng… vẫn bị siết chặt.
Lãi suất cho vay đồng loạt giảm
Từ ngày 1/8, cả bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đồng loạt tuyên bố giảm tiếp lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng thêm 0,5%/năm, xuống còn tối đa 5,5%/năm. Lãi suất này thấp hơn so với quy định của ngân hàng Nhà nước là 1%, áp dụng đến hết 31/12/2019 cho các đối tượng ở các lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh giảm lãi suất, BIDV còn triển khai hai gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi cho vay thông thường dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp siêu nhỏ, startup.
Ngoài khối quốc doanh, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng có điều chỉnh lãi suất với nhiều chương trình ưu đãi. Điển hình như ACB công bố gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm cho doanh nghiệp SME và khách hàng doanh nghiệp. MB cũng triển khai hai gói cho vay ngắn hạn ưu đãi, gồm gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 6,5%/năm đối với năm lĩnh vực ưu tiên; gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7 – 7,5%/năm đối với doanh nghiệp SME.
Techcombank áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND giảm khoảng 0,5% so với mức hiện tại đối với những khách hàng nằm các chương trình kinh doanh trọng tâm, và đưa mức lãi suất cho vay mới trung bình về khoảng 7,5%/năm. VPBank giảm 1% lãi suất vay tín chấp và 0,5% với các khoản vay đảm bảo kỳ hạn ngắn cho doanh nghiệp SME.
Như vậy, đây là lần thứ 2 trong năm các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, sau đợt giảm trước đó vào ngày 10/1/2019.
Nhận định về đợt giảm lãi này, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, về lý thuyết, việc này có thể phần nào giúp khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, giúp tăng cung vốn. Tuy nhiên, tác động về mặt thực tế có thể sẽ không lớn và mức độ lan toả chủ yếu ở một số lĩnh vực ưu tiên, thay vì toàn bộphân khúc khách hàng.
Do lãi suất đầu vào không giảm, mặt bằng lãi suất cho vay đầu ra ở các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, tiêu dùng cũng khó có khả năng giảm trong thời gian tới.
Mặt khác, với quy định hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục thắt chặt, lãi suất huy động các kỳ hạn trên 12 tháng sẽ duy trì ở mức cao.Vì vậy, cơ hội cho lãi suất giảm sẽ chỉ mang tính định hướng, dành cho các lĩnh vực ưu tiên là chủ yếu.Mặt bằng lãi suất mới vì vậy cũng khó thiết lập mức thấp hơn hiện nay.
Vốn ngân hàng đổ về đâu?
Số liệu từ ngân hàng Nhà nước cho thấy, nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 7,33%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây (năm 2018 tăng 7,82%; năm 2017 tăng 9,01%; năm 2016 tăng 8,21%).
Về cơ cấu, tín dụng được dồn nhiều vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn; công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu. Cụ thể, sáu tháng đầu năm, tín dụng đổ vào xuất khẩu tăng 15,5%, công nghiệp tăng 7%, nông nghiệp tăng 5,8%, giải ngân cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gần 6%.
Đặc biệt, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhận được nhiều ưu tiên do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Tính đến cuối quý 2/2019, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lên đến 51.000 tỷ đồng, trong đó 1,2 nghìn tỷ đồng bị tác động thiệt hại do bệnh dịch.
Trong khi đó, các lĩnh vực như: bất động sản, BOT, chứng khoán, cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng… bị ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng. Tuy nhiên, tại buổi họp báo tổng kết sáu tháng, vụ trưởng Tín dụng Nguyễn Quốc Hùng nhận định, kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn, nhưng không có nghĩa ngân hàng hạn chế cho vay. Đối với những dự án có hiệu quả, chủ đầu tư đủ năng lực, thì sẽ được xem xét.
Trong sáu tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã được kiểm soát theo hướng giảm dần tỷ trọng cấp tín dụng kinh doanh bất động sản, tăng dần tỷ trọng tiêu dùng bất động sản, hướng nguồn vốn đến phân khúc nhà ở đáp ứng
nhu cầu thực của người dân.
Trên thực tế, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm, nhưng tính đến nay, không ít ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà, vay mua ô tô lên mức 13 – 13,5%/năm. Còn lãi suất cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng vẫn bị áp mức cao, thường gấp bốn lần so với lãi suất huy động, gấp đôi lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng, và dao động từ khoảng 1,5 – 2,5%/tháng, tương ứng mức 18 – 30%/năm.
Như vậy, cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; còn tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Trong những tháng cuối năm 2019, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để điều hành tín dụng, nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu, định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng. Trong đó, ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Phan Diệu (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này