
09:58 - 28/10/2022
Fintech và ngân hàng thành ‘anh em nương tựa’
Không còn cuộc chiến giành giật thị phần giữa các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech) với ngân hàng truyền thống nữa. Sự hợp tác giữa startup công nghệ và các nhà băng nổi lên trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam số hoá rầm rộ.

Không còn cuộc chiến giành thị phần giữa các hãng fintech và ngân hàng truyền thống. Phần lớn trong gần 200 công ty fintech tại Việt Nam đã hợp tác và cộng sinh phát triển với các ngân hàng truyền thống. Minh họa: Radaar.
Thanh toán bằng ví điện tử chỉ chiếm 1% trên tổng lượt thanh toán của bốn ngân hàng lớn nhất Việt Nam – nhà sáng lập kiêm CEO Christian Nguyễn, của Wee Digital cho biết. Startup này dùng công nghệ 3D, sóng âm đo độ sâu của mắt, mũi và lỗ tai chứ không chỉ khuôn mặt để nhận diện khách hàng mà không cần mật khẩu. Cùng với công nghệ nhận diện mới, startup này đã hợp tác và triển khai cả phần cứng và phần mềm, cho một số ngân hàng.
Nhà băng đã bớt già
Xu hướng hợp tác giữa startup lĩnh vực fintech hiện nay gần như là tất yếu khi các nhà băng đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số. Theo nghiên cứu của TS Đinh Bảo Ngọc thuộc trường Đại học Kinh tế của Đại học Đà Nẵng, 90% các startup fintech đã hợp tác cùng ngân hàng. “Vì thế, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao của ngân hàng cung cấp trải nghiệm giao dịch, hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ số không thua kém các hãng fintech, công ty công nghệ”, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phát biểu khai mạc chương trình Chuyển đổi số quốc gia hồi tháng 6. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đặt chuyển đổi số làm nhiệm vụ trọng tâm cho các ngân hàng thương mại nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối và thúc đẩy hợp tác với các hãng fintech.
Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng nền tảng dữ liệu Open API, các hãng fintech không còn cách nào khác phải bắt tay với các nhà băng mà họ từng cho là có tầm nhìn cũ kỹ. Hoạt động ngân hàng mở Open Banking đang được hoàn thiện khung pháp lý từ 2017. Cuộc chơi thay đổi, cộng đồng startup trở thành đối tác cung cấp công nghệ và cơ sở dữ liệu khách hàng cho các nhà băng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở, tạo điều kiện cho các ngân hàng và cộng đồng fintech hướng tới một hệ thống ngân hàng mở. Dữ liệu ngân hàng mở dùng để so sánh thông tin xác thực tài khoản, lịch sử giao dịch tài chính và tổng hợp dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng. Từ đó, bên thứ ba có thể tạo ra chương trình tiếp thị hoặc xác thực giao dịch, cập nhật sửa đổi, thay đổi tài khoản thay mặt khách hàng.
Danh sách đối tác từ khách sạn, hàng không và bán lẻ của Wee Digital không chỉ nối dài danh sách khách hàng cho ngân hàng mà các thuật toán sinh trắc học của Wee Digital còn có thể thu thập bộ dữ liệu này và xây dựng ngân hàng số cho đối tác.
Startup được lợi gì?
Trong danh sách khách hàng của Wee Digital có VietinBank, một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng mô hình Open Banking. Ngân hàng này đã tích hợp 116 đối tác để cho ra 148 dịch vụ từ ngân hàng mở. 12 triệu giao dịch tài chính đã được thực hiện tại nền tảng iConnect. Cơ sở dữ liệu từ các startup của ngân hàng này bao gồm Grab và ví điện tử MoMo. Ngược lại, các công ty này cũng có thể sử dụng khung ngân hàng mở iConnect của VietinBank để truy cập dữ liệu của khách hàng để tuỳ chỉnh dịch vụ theo sở thích khách hàng.
Còn ngân hàng BIDV thông báo cổng Open Banking của mình là BIDV SmartBanking, đã kết nối với hầu hết các hãng fintech, gần 1.000 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 1.600 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng.
Liên kết giữa cộng đồng công nghệ và ngân hàng đã mang thêm tiện ích cho khách hàng, có nghĩa là họ có thể sử dụng điện thoại thanh toán mọi lúc mọi nơi.
Số công ty fintech gần chạm tới mốc 200, tăng gần năm lần từ 40 doanh nghiệp vào cuối năm 2016. Theo NHNN, thị trường thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam tăng từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. Liên kết cùng với ngân hàng không chỉ có cộng đồng fintech mà các startup công nghệ cũng có thể tham gia thị trường này. Startup công nghệ đi vào hoạt động ngân hàng bằng cách ứng dụng các xu hướng công nghệ mới như điện toán đám mây, big data, AI… nhằm số hóa dịch vụ của nhà băng.
Hợp tác với VPBank, Be Group dần tiến đến chuẩn mực của siêu ứng dụng, tạo ra hệ sinh thái tài chính như chuyển tiền, vay tiền, tiết kiệm và đầu tư, thẻ tín dụng ngoài chức năng ban đầu của mình. Hợp tác này đã cho ra ngân hàng số Cake có 2,3 triệu khách hàng chỉ trong vòng 20 tháng.
Tuy nhiên, ngay cả ngân hàng áp dụng công nghệ cũng thừa nhận Open Banking tồn tại rủi ro liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về Open API, chưa có tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối…
Open Banking còn gọi là dữ liệu ngân hàng mở thu thập dữ liệu khách hàng và tài chính, gồm cả đối tác tài chính. Ngân hàng và tổ chức tài chính cho phép công ty công nghệ và công ty tài chính trực tuyến quyền truy cập và kiểm soát các dữ liệu này dựa trên sự đồng ý của khách hàng về điều khoản dịch vụ khi sử dụng dịch vụ tài chính trực tuyến. Open Banking được phát triển bằng công nghệ mã nguồn mở API (Application Programming Interface – ứng dụng giao diện lập trình) trao quyền truy cập cho bên thứ ba vào dữ liệu khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Mỹ Huyền (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này