10:07 - 04/11/2022
‘Ông lớn’ Petrolimex lỗ mảng kinh doanh xăng dầu
Hoạt động kinh doanh xăng dầu quý III của Petrolimex phát sinh lỗ trong khi cùng kỳ có lãi, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường theo xu hướng giảm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (HoSE: PLX) ghi nhận doanh doanh thu thuần đạt hơn 73.694 tỷ đồng, tăng 113% so với con số 34.625 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán cũng tăng cao, đạt 70.891 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng của “ông lớn” ngành xăng dầu chỉ còn hơn 2.802 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Petrolimex đạt hơn 278 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh lên 49%, đạt 318 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm 154 tỷ đồng. Các chi phí khác của Petrolimex cũng bật tăng mạnh như: chi phí bán hàng tăng 25%, lên hơn 2.406 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 24%, lên hơn 196 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong kỳ, Petrolimex cũng ghi nhận khoản lãi/lỗ từ công ty liên doanh liên kết đạt hơn 142 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và khoản lợi nhuận khác ghi nhận gần 10,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi quý III gần 99 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ Petrolimex, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu quý III/2022 phát sinh lỗ trong khi cùng kỳ có lãi (lợi nhuận giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ) nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường theo xu hướng giảm. Kèm theo chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác quý III/2022 tăng so với cùng kỳ (lợi nhuận tăng hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ) nhờ một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay,… đã trở lại hoạt động ổn định hậu Covid-19.
Đồng thời, lợi nhuận từ hoạt động tài chính quý III/2022 giảm so với cùng kỳ chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá trước bối cảnh đồng USD tăng mạnh phát sinh tới 289 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 61 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Petrolimex đạt gần 225.777 tỷ đồng, tăng 88% so với co số 119.811 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, do phải gánh khoản lỗ từ quý II và khoản lãi giảm mạnh trong quý I, đã kéo lợi nhuận trước thuế cũng như lợi nhuận sau thuế của “ông lớn” ngành xăng dầu giảm mạnh.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex chỉ đạt 614 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt hơn 2.952 tỷ đồng, tương đương giảm 79,2%. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 312 tỷ đồng, cùng kỳ đạt 2.235 tỷ đồng, giảm tương đương 86%.
Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, Petrolimex đã vượt 21% doanh thu cả năm, nhưng mới chỉ hoàn thành 20% lợi nhuận trước thuế.
Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của Petrolimex đạt hơn 71.026 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 64% tổng tài sản với 45.378 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện đang nắm giữ 18.000 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 25% tổng tài sản. Hàng tồn kho của doanh nghiệp là hơn 14.692 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến cuối quý III của doanh nghiệp là hơn 44.613 tỷ đồng, trong đó, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 43.434 tỷ đồng, chiếm hơn 97% tổng nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu là hơn 26.412 tỷ đồng.
Chứng khoán SSI cho biết, lượng nhập khẩu xăng và dầu diesel trong quý III/2022 giảm lần lượt 40% và 35% so với quý trước, với chỉ 19 trong tổng số 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong quý này. Điều này có thể do tín dụng bị thắt chặt, giá dầu thế giới biến động mạnh, phụ phí nhập khẩu tăng và chi phí vận hành tăng đáng kể trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Theo SSI, những yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận và sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp đầu mối, khiến họ phải giảm hàng tồn kho và giảm giá chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn đến việc một số cửa hàng xăng dầu tư nhân ở một số tỉnh phía Nam phải tạm đóng cửa.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã tăng mức phí premium trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu lên 350 đồng/lít đối với xăng và 40 đồng/lít đối với dầu diesel. Chi phí vận chuyển tiêu chuẩn từ các nhà máy lọc dầu trong cơ cấu giá cũng được điều chỉnh tăng 40-70 đồng trong kỳ điều chỉnh giá gần đây, nhằm điều chỉnh giá bán lẻ theo hướng tương quan chặt chẽ hơn với giá thị trường và chi phí kinh doanh thực tế.
Trong khi đó, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, từ đầu năm 2022, kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, theo đó, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh 3 lần/tháng để sát với tình hình biến động giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, giá cơ sở cũng được tính theo tỷ lệ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước và nhập khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty bám sát với thị trương thế giới.
Cũng theo MBS, năm 2022, với việc mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cơ bản sẽ tăng trở lại, đặt biệt mảng xăng dầu hàng không sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, MBS dự báo sản lượng xăng dầu kinh doanh trong năm 2022 của Petrolimex sẽ đạt mức từ 12,4 – 12,6 triệu tấn, tương ứng mức tăng từ 8% – 10% so với 2021. Tương tự, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 5.790 tỷ đồng và 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 35% và 53% so với 2021.
Theo Đình Đại/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này